Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hóa dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan tỏa, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ngày 18/8 vừa qua, tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh diễn ra Chương trình biểu diễn nghệ thuật chủ đề “Người lính - Bản hùng ca vang mãi”, nhân dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9. Ðiều đặc biệt của chương trình là toàn bộ ê kíp thực hiện, diễn viên tham gia chương trình đều ở lứa tuổi 9X, gen Z. Họ là những bạn trẻ công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, có những bạn ở lứa tuổi học sinh, sinh viên, nhưng đều có một điểm chung chính là tình yêu dành cho nghệ thuật và lòng yêu quê hương, đất nước. Sau giờ làm việc, học tập, các bạn dành thời gian tập luyện cho từng tiết mục thật chỉn chu, từ hát, múa cho đến thoại kịch. Tất cả chung sức thực hiện chương trình với tấm lòng tri ân sâu sắc các thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của dân tộc.

Chương trình “Người lính - Bản hùng ca vang mãi” đã thành công khi chạm tới cảm xúc của người xem.

Chương trình “Người lính - Bản hùng ca vang mãi” đã thành công khi chạm tới cảm xúc của người xem.

Kịch bản được xây dựng từ một câu chuyện có thật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân, dân Cà Mau, thời điểm đấu tranh chống chiến dịch quy mô lớn “Nhổ cỏ U Minh” của địch. Hình ảnh người mẹ kìm nén nỗi đau người con trai duy nhất hy sinh trên chiến trường để tiếp tục chiến đấu, hay những giây phút hào hùng trong cuộc chiến đều được nghiên cứu, xây dựng kỹ càng và được các bạn tái hiện lại hết sức sinh động. Thế nên, chương trình đã chạm đến cảm xúc của người xem là các cựu chiến binh tham gia kháng chiến trên chiến trường xưa. Những người lính năm xưa đã rơi nước mắt, vì như đang tường tận lại những mất mát đau thương của chiến tranh. Ðặc biệt hơn nữa chính là những đôi mắt ngấn lệ của các bạn đoàn viên thanh niên. Họ là thế hệ sinh ra trong thời bình, nhưng chính nghệ thuật đã cho họ cảm nhận được những đau thương của cuộc chiến, từ đó thêm biết ơn các thế hệ cha ông, tăng thêm lòng yêu nước và tự hào dân tộc.

Hiện đang làm việc tại Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý PNJ Cà Mau, bạn Lưu Mạnh Ðạt (sinh năm 2001) có cơ hội tham gia diễn vai một chiến sĩ hoạt động kháng chiến ở Tiểu đoàn U Minh II trong chương trình. Ðạt chia sẻ: “Khi còn học đại học, tôi đã từng tham gia nhiều hoạt động biểu diễn tại trường như hát múa, nhưng với kịch nói thì đây là lần đầu tiên. Tôi thấy thật vinh dự khi được vào vai Bộ đội Cụ Hồ. Khi nhận được vai diễn, tôi bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử, các thời kỳ kháng chiến ở quê hương, đất nước mình, xem nhiều tư liệu về người chiến sĩ, từ đó tôi càng thấy tự hào hơn về dân tộc Việt Nam, càng trân quý những giá trị lịch sử và truyền thống yêu nước của Nhân dân ta”.

Mạnh Ðạt với vai diễn đồng chí Dũng của Tiểu đoàn U Minh II trong Chương trình nghệ thuật “Người lính - Bản hùng ca vang mãi”.

Mạnh Ðạt với vai diễn đồng chí Dũng của Tiểu đoàn U Minh II trong Chương trình nghệ thuật “Người lính - Bản hùng ca vang mãi”.

Không chỉ riêng Chương trình “Người lính - Bản hùng ca vang mãi”, các bạn trẻ hoạt động nghệ thuật ở Cà Mau còn tham gia rất nhiều chương trình nghệ thuật khác có chủ đề về tình yêu quê hương, đất nước. Ðiển hình như bạn Lê Ðào Nguyên Phương (sinh năm 2000), hiện đang công tác tại Trung tâm Văn hóa tỉnh. Với giọng hát ngọt ngào, sâu lắng, Nguyên Phương đã tham gia biểu diễn trong nhiều chương trình nghệ thuật, các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng như: Chương trình nghệ thuật dịp Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ, kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn; Liên hoan "Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông", cùng nhiều chương trình khác tại Cà Mau. “Tôi và các bạn trẻ tham gia nghệ thuật mong muốn góp một phần nhỏ bé vào công tác tuyên truyền, phát huy truyền thống cách mạng, giá trị văn hóa của dân tộc, lan tỏa đến bạn bè đồng trang lứa về lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm xây dựng quê hương, đất nước mạnh giàu", Nguyên Phương bộc bạch.

Một “bông hoa” trong vườn hoa nghệ thuật Cà Mau có thể kể đến Trần Thuận Thiên, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, Phân hiệu Trường Ðại học Bình Dương tại Cà Mau. Tình yêu dành cho nghệ thuật được bắt đầu từ những năm học cấp 3 và đến khi vào giảng đường đại học, Thiên có cơ hội tham gia nhiều hơn những chương trình lớn của tỉnh như: Hội thi tuyên truyền Ca khúc cách mạng tỉnh Cà Mau 2023; Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm ra đời "Ðề cương về văn hóa Việt Nam"; Liên hoan tuyên truyền Phát triển văn hóa đọc và giới thiệu sách chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ với chủ đề "Ðiện Biên - Vang mãi bản hùng ca"... và mới đây nhất là Chương trình "Người lính - Bản hùng ca vang mãi".

Thuận Thiên (đứng giữa) biểu diễn trong Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm ra đời “Ðề cương về văn hóa Việt Nam” (1943-2023). (Ảnh nhân vật cung cấp)

Thuận Thiên (đứng giữa) biểu diễn trong Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm ra đời “Ðề cương về văn hóa Việt Nam” (1943-2023). (Ảnh nhân vật cung cấp)

Thuận Thiên chia sẻ: “Qua mỗi chương trình nghệ thuật tham gia, tôi càng thêm tự hào và biết ơn sâu sắc các thế hệ đi trước đã không tiếc máu xương đổi lấy độc lập, tự do cho dân tộc”./.

Vân Anh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/noi-dai-tinh-yeu-nuoc-bang-nghe-thuat-a34306.html