Nỗi đau của những đứa trẻ mồ côi vì tai nạn giao thông

Sau nhiều vụ tai nạn thảm khốc, sau sự ra đi của những người làm cha, làm mẹ, là những đứa trẻ. Không trực tiếp chịu đựng nỗi đau thể xác nhưng những tổn thương tinh thần của những đứa trẻ mồ côi là không thể nào đong đếm được.

Chuyện 3 chị em Quyên

Chuyện đã xảy ra gần 2 năm, ban thờ của bố mẹ cũng gần hết khó, nhưng với 3 chị em Trương Thị Quyên (SN 2006), Trương Thị Như Quỳnh (SN 2010) và Trương Văn Tuấn (SN 2012), nỗi đau mồ côi vẫn dai dẳng, đeo bám, những khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần mãi chưa thể vượt qua được.

Ở xóm Hưng Thắng, xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn, không ai không biết câu chuyện đau lòng của 3 chị em Quyên, Quỳnh và Tuấn. Bố của 3 chị em là anh Trương Văn Quyết, mẹ là chị Nguyễn Thị Thân. Trước năm 2022, vì gia cảnh khó khăn, anh Quyết mắc bệnh dạ dày, sức khỏe kém, loanh quanh làm việc phụ hồ gần nhà, nên chị Thân đi làm công nhân xa nhà, những mong kiếm thêm thu nhập nuôi con. Cuối tháng 8 năm 2022, dịp nghỉ lễ 2/9, chị Thân quyết định về quê trồng mía và chăm sóc chồng con. Chưa trọn vẹn niềm vui đoàn tụ thì một vụ tai nạn thảm khốc ngay cây xăng Nghĩa Tiến đã cướp đi mạng sống của cả 2 vợ chồng. 3 đứa trẻ đang tuổi ăn học bơ vơ, bàng hoàng trước mất mát quá lớn… Hồi đó, trong 3 chị em mới chỉ có Quyên là nhận thức rõ tình hình, dù vô cùng đau đớn nhưng nhanh chóng vực dậy để vững vàng làm điểm tựa cho các em. Còn 2 em sau, đủ lớn để định nghĩa về cái chết, nhưng chưa đủ lớn để vượt qua mất mát, đau ốm dặt dẹo cả năm sau đó vì nhớ bố mẹ.

3 chị em Quyên và bà nội trong căn nhà cũ kỹ xuống cấp. Ảnh: NVCC

3 chị em Quyên và bà nội trong căn nhà cũ kỹ xuống cấp. Ảnh: NVCC

Nhà chỉ có hai anh em trai, nay vợ chồng anh trai mất, anh Trương Văn Tăng nhận cưu mang các cháu và chăm sóc mẹ già hơn 70 tuổi đau ốm, bệnh tật. Cũng đông con (4 người) và thu nhập chính từ nông nghiệp, phập phù, gánh nặng tài chính với vợ chồng anh Tăng lại càng lớn. “Hồi đó người gây ra tai nạn có đền cho gia đình 20 triệu đồng, còn không đủ tiền mai táng. Chúng tôi có kiện nhưng họ chấp nhận đi tù và mãi không thấy bồi thường thêm. Cũng may chị em Quyên được Nhà nước trợ cấp 540 ngàn đồng/người/tháng và miễn giảm hoàn toàn học phí, nếu không chúng tôi không biết phải xoay xở như thế nào” - anh Trương Văn Tăng chia sẻ.

Thiệt thòi không dừng lại ở đó. Trong 3 chị em, cô chị cả Trương Thị Quyên có thành tích học vượt trội nhất. Cấp học nào Quyên cũng được Giấy khen và được các thầy cô ghi nhận. Hồi trước, Quyên cũng từng mơ mình sẽ được vào giảng đường đại học. Nhưng sau khi bố mẹ mất, giấc mơ đó cũng ra đi cùng bố mẹ. “Bây giờ em xác định học nghề để còn sớm đi làm và chăm các em và đỡ đần cho chú mự. Chú mự cũng vất vả, khó khăn, bà nội lại đau ốm triền miên, em không thể mãi là gánh nặng cho mọi người được” - Quyên trải lòng.

Căn nhà nơi chị em Quyên và bà nội sinh sống. Ảnh: NVCC

Căn nhà nơi chị em Quyên và bà nội sinh sống. Ảnh: NVCC

Trong gian nhà cấp bốn cũ nát nơi 3 chị em Quyên sống cùng bà nội, sự trống trải, hụt hẫng và nỗi buồn vẫn quanh quẩn, nặng nề đâu đây. Nỗi buồn trên ban thờ chưa hết khó, trên băng ghế vắng vẻ, trên mâm cơm thiếu người, trên khoảnh vườn đã lâu không có người chăm sóc... Cũng có lúc những đứa trẻ vui bạn bè và bẵng quên đi những mất mát, thiệt thòi của bản thân. Nhưng những gánh nặng kinh tế, những tổn thất tinh thần thì chẳng hề biến mất, cứ nằm mãi ở sâu thẳm tâm hồn của những đứa trẻ, nằm mãi trong đáy mắt mờ đục của những người già.

Những đứa trẻ ở lại

Chị em Quyên là 3 trong rất nhiều những đứa trẻ mồ côi vì tai nạn giao thông. Tai nạn giao thông xảy ra, người mất cũng đã mất rồi, nhưng còn những đứa trẻ mồ côi với cả cuộc đời dài phía trước…

Được biết đến là một người tích cực trong các hoạt động xã hội, chị Nguyễn Thị Oanh từng hỗ trợ, giúp đỡ cho rất nhiều hoàn cảnh đáng thương, trong đó có nhiều hoàn cảnh là nạn nhân của tai nạn giao thông. Khi được hỏi về một trường hợp khiến chị đau lòng, ám ảnh mà trong thời gian gần đây, chị kể về gia đình anh Dương Văn Tùng và chị Lê Thị Thủy, xóm 5 xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên. “Gia đình anh Tùng, chị Thủy thuộc hộ cận nghèo, anh Tùng lại bị ung thư, quá trình chữa trị tốn kém, vay mượn khắp nơi. Dù gia đình đã gồng gắng hết sức nhưng vì bệnh nặng nên anh Tùng không qua khỏi và mất vào dịp cuối năm 2023. Chồng vừa hết 100 ngày thì chị Lê Thị Thủy gặp tai nạn trên đường đi làm về và mất tại chỗ. Nỗi đau quá sức chịu đựng, đứa con gái đầu của anh chị là cháu Dương Thị Mai Phương (lớp 9) đã cắt gân tay tự tử. Cũng may cháu được phát hiện kịp thời và đưa đi phẫu thuật nên được cứu sống. Trước đó, em trai cháu Mai là cháu Dương Mạnh Dũng (lớp 7) cũng đi khám ở Bệnh viện Bạch Mai và phát hiện nang trong não…” - chị Oanh chia sẻ.

Nỗi đau mồ côi khi bố mẹ mất vì tai nạn giao thông sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời của những đứa trẻ. Ảnh: Trà Giang

Nỗi đau mồ côi khi bố mẹ mất vì tai nạn giao thông sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời của những đứa trẻ. Ảnh: Trà Giang

Hình ảnh cháu Dũng cầm gậy ngồi bên áo quan của mẹ, phía sau là ban thờ của bố khiến ai nấy đều xót xa. Ông bà nội của 2 cháu đều đã già, đến tuổi cần người chăm sóc, nay phải gồng mình chịu đựng đau thương để còn làm điểm tựa cho các cháu.

Cách vụ tai nạn giao thông của chị Thủy 4 ngày, tức 6/1/2024, là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra lúc 4 giờ sáng trên Tỉnh lộ 542B, đường Phạm Hồng Thái, thuộc địa bàn xóm 4, xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên. Vụ tai nạn khiến 2 vợ chồng tử vong và 3 đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Những sự việc thương tâm như vậy, những cảnh đời bất hạnh như vậy, những đứa trẻ bơ vơ như vậy có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, chỉ sau một phút lơ là, bất cẩn khi tham gia giao thông.

"

Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 174 vụ tai nạn giao thông, làm chết 101 người, bị thương 111 người. So với cùng kỳ năm 2023 giảm 27 vụ (giảm 13,4%); số người chết giảm 29 người (giảm 22,3%); giảm 27 người bị thương (giảm 19,6%). Trong đó, tai nạn giao thông ít nghiêm trọng là 72 vụ, tai nạn giao thông nghiêm trọng là 86 vụ; tai nạn giao thông rất nghiêm trọng là 8 vụ.

(Theo Báo cáo của UBND tỉnh)

Từng là một đứa trẻ mồ côi, một nạn nhân gián tiếp của tai nạn giao thông, chị Phan Thị Hoài (thị xã Thái Hòa) vẫn chưa quên được những năm tháng ký ức đau thương của mình, dù sự việc đã xảy ra 15 năm nay.

“Hồi đó gia đình tôi rất nghèo, em trai lại bị bệnh thận nặng. Để có tiền nuôi và chữa bệnh cho con, bố mẹ tôi suốt ngày ở trên nương rẫy, rất ít khi đi ra các đường lớn. Năm 2009, trong một lần chở nhau đi khám, bố mẹ tôi bị tai nạn giao thông và cả 2 không qua khỏi. Thế giới với tôi lúc đó như sụp đổ, sợ hãi, cô đơn vô cùng. Hàng ngàn câu hỏi bủa vây mỗi đêm mà tôi không tự trả lời được, ai sẽ chăm sóc chúng tôi, ai sẽ chữa bệnh cho em tôi, ai sẽ bênh vực, bảo vệ chúng tôi… Thiếu thốn vật chất có thể bù đắp nhưng tổn thương tinh thần thì không. Cho đến bây giờ, dù đã lập gia đình, đã làm vợ, làm mẹ, tôi vẫn có những ám ảnh, sợ hãi của riêng mình. Mỗi lần tham gia giao thông, tôi luôn đi rất cẩn thận, rất chậm và có thể dừng xe nếu không tự tin xử lý tình huống. Phần ký ức đau thương năm xưa không thể nào “chữa lành” được” - chị Hoài chia sẻ.

Trao quà, thăm hỏi gia đình có nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông tại xóm Na Hầm, xã Châu Đình, huyện Quỳ Hợp. Ảnh tư liệu: Đặng Cường

Trao quà, thăm hỏi gia đình có nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông tại xóm Na Hầm, xã Châu Đình, huyện Quỳ Hợp. Ảnh tư liệu: Đặng Cường

Có lẽ nỗi đau mà chị Hoài và những đứa trẻ mồ côi vì bố mẹ bị tai nạn giao thông cũng giống như vết thương ở cổ tay cháu Dương Thị Mai Phương, hằn sâu mãi, dù có lành thì vẫn để sẽ lại sẹo.

Diệp Thanh

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/noi-dau-cua-nhung-dua-tre-mo-coi-vi-tai-nan-giao-thong-10274365.html