'Nỗi đau' của rừng - Bài cuối: Tái thiết 'lá phổi xanh'

Với những thiệt hại mà bão số 3 để lại trên diện tích rừng của tỉnh Quảng Ninh, việc tái thiết, khôi phục những cánh rừng cần phải có thời gian, nguồn lực, sự quyết tâm của chính quyền, các ban ngành và toàn dân. Công tác khắc phục hậu quả, thực hiện chính sách, cơ chế hỗ trợ, cùng với tái cơ cấu rừng là những việc làm cấp thiết để địa phương này dần phục hồi 'lá phổi xanh'.

Sau bão số 3, tỉnh Quảng Ninh xảy ra 15 vụ cháy rừng thực bì, là diện tích cây bạch đàn, thông, keo đã bị bão số 3 tàn phá trước đó. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Sau bão số 3, tỉnh Quảng Ninh xảy ra 15 vụ cháy rừng thực bì, là diện tích cây bạch đàn, thông, keo đã bị bão số 3 tàn phá trước đó. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Khẩn trương thống kê thiệt hại, hỗ trợ người dân

Để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 gây ra và giảm thiểu khó khăn cho các đối tượng trực tiếp sinh sống, sản xuất, kinh doanh bằng nghề rừng trên địa bàn tỉnh, ngày 1/10, UBND tỉnh đã có văn bản về việc phát động đợt cao điểm hỗ trợ thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu, tận dụng lâm sản trên diện tích rừng bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Theo kế hoạch, chiến dịch sẽ được hoàn thành trước ngày 31/10/2024.

Theo đó, các địa phương sẽ xây dựng kế hoạch ra quân hỗ trợ các chủ rừng thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu lâm sản trên diện tích rừng bị thiệt hại; dọn dẹp vệ sinh đảm bảo lưu thông tuyến đường vận chuyển lâm sản.

Sau khi UBND có chỉ đạo, các địa phương bị thiệt hại về rừng đã triển khai đến các phòng, ban, đoàn thể ra quân cùng nhân dân dọn rừng. Các lực lượng này tập trung giúp các hộ cá nhân dọn dẹp, tận thu vào các ngày cuối tuần. Đối với các công ty lâm nghiệp vẫn duy trì công nhân dọn dẹp mỗi ngày.

Cán bộ phường Hồng Hà (TP Hạ Long) trong quá trình đi kiểm tra các điểm cháy rừng thực bì đã phát hiện và kịp thời dập tắt nguồn lửa đang cháy âm ỉ trong thân cây đã cháy trước đó. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Cán bộ phường Hồng Hà (TP Hạ Long) trong quá trình đi kiểm tra các điểm cháy rừng thực bì đã phát hiện và kịp thời dập tắt nguồn lửa đang cháy âm ỉ trong thân cây đã cháy trước đó. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Chị Hoàng Mai Dung người dân thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ đang khẩn trương thu dọn, tận thu diện tích 6 ha rừng của gia đình bị gãy đổ trong bão buồn bã cho biết, cả gia đình nhìn vào lứa rừng này, cứ nghĩ sắp có tiền trả nợ ngân hàng, sửa sang lại nhà cửa, trang trải cuộc sống, thế mà chỉ mấy tiếng bão vào họ chẳng còn gì cả. Bây giờ đi tận thu không được bao nhiêu mà giá thu mua thì thấp, xót xa, đau lắm mà không biết kêu ai, trong khi tiền hỗ trợ thì không đáng kể, chị Dung và nhiều hộ dân khác mong muốn tới đây nhà nước nâng mức hỗ trợ thiệt hại cho người dân.

Hiện nay theo Nghị định 02/2017-NĐ-CP ngày 9/1/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh quy định đối với diện tích cây rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trồng trên đất lâm nghiệp, vườn giống, rừng giống bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha.

Cùng với cơ chế hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh có Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐND ngày 10/7/2024 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Với những hộ dân có diện tích trồng rừng gỗ lớn từ 3 ha trở lên sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng/ha và 400.000 đồng/ha tùy thuộc trường hợp cụ thể.

Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đã có văn bản báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ người trồng rừng khắc phục thiệt hại sau bão số 3 từ nguồn vốn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Cụ thể sẽ hỗ trợ dọn vệ sinh môi trường đối với diện tích rừng bị thiệt hại trên 30% là 1 triệu đồng/ha. Dự kiến kinh phí hỗ trợ đợt 1 trên 77,5 tỷ đồng.

Từng bước “chữa lành lá phổi xanh”

Các hộ dân mong muốn các công ty thu mua không ép giá gỗ rừng tận thu, vì họ đã bị thiệt hại rất nhiều sau bão số 3. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Các hộ dân mong muốn các công ty thu mua không ép giá gỗ rừng tận thu, vì họ đã bị thiệt hại rất nhiều sau bão số 3. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh không chỉ tái thiết riêng cho một lĩnh vực mà phải xây dựng Đề án tái thiết tổng thể sau bão số 3. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy khẳng định, rừng không chỉ che chở, bảo vệ con người trước thiên nhiên khắc nghiệt, mà còn mang lại sinh kế, làm giàu cho người dân. Rừng còn đóng vai trò đảm bảo an ninh nguồn nước, biên giới, gắn với đời sống, sinh hoạt truyền thống của nhân dân, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế địa phương.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh Vũ Duy Văn cho biết, hiện các địa phương lên phương án thực hiện kế hoạch trồng lại rừng bị thiệt hại, đảm bảo chậm nhất đến năm 2027 phải đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng như trước khi xảy ra bão số 3.

Để hồi sinh những cánh rừng chết sau bão số 3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp chặt chẽ với các ngành hữu quan xây dựng đề án phát triển rừng sau bão số 3. Theo ông Vũ Duy Văn, diện tích thiệt hại do bão số 3 có thể bằng 8 lần so với diện tích trồng hàng năm của tỉnh, để khôi phục lại mất rất nhiều thời gian.

Liên quan đến trăn trở của người dân về giống cây trồng lại rừng, ông Vũ Duy Văn thông tin, trung bình các cơ sở trên địa bàn tỉnh có thể sản xuất được trên 100 triệu cây giống/năm. Để có nguồn cây giống tốt trong vụ tới, ngành nông nghiệp phối hợp các địa phương hướng dẫn hộ dân ươm, gieo cây giống, đặc biệt là những cơ sở ươm giống tập trung, để xác định những loại cây, hạt có nguồn gốc chất lượng tốt, đồng thời rà soát trên địa bàn tỉnh để tăng tối đa công suất sản xuất giống của các cơ sở gieo ươm giống. Sở đã liên hệ với Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và các cơ sở của các tỉnh lân cận để có giải pháp giúp người dân tiếp cận nguồn giống tốt, không xảy ra tình trạng thiếu cây giống.

Ông Vũ Duy Văn cho biết, ngành nông nghiệp đã đề xuất với UBND tỉnh phương án tái thiết, phát triển lâm nghiệp. Tỉnh sẽ không trồng những cây rừng lớn nhanh mà tập trung vào cây gỗ lâu năm, cây gỗ bản địa. Đồng thời có định hướng chuyển đổi cơ cấu lại các loại cây trồng, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế tại từng khu vực; ưu tiên trồng cây đa tác dụng, có khả năng chống chịu gió bão, sâu bệnh; cây sinh trưởng, phát triển tốt, có khả năng thích nghi với môi trường và các điều kiện sống.

Để đảm bảo cuộc sống người trồng rừng và "lấy ngắn nuôi dài", các địa phương sớm định hướng cho chủ rừng lựa chọn loại cây trồng phù hợp có giá trị kinh tế cao, chu kỳ ngắn làm động lực, kết hợp trồng lại rừng bằng cây bản địa, cây gỗ lớn. Ví dụ cây tre với nhiều đặc tính phù hợp, giá trị kinh tế cao, vừa cho thu hoạch măng vừa là nguyên liệu chế biến các sản phẩm phục vụ đời sống đang được hướng đến.

Các vườn ươm tập trung phải thuê thêm nhân công, tăng thời gian làm việc để khẩn trương ươm số lượng lớn cây keo giống đảm bảo cho mùa trồng rừng tới. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Các vườn ươm tập trung phải thuê thêm nhân công, tăng thời gian làm việc để khẩn trương ươm số lượng lớn cây keo giống đảm bảo cho mùa trồng rừng tới. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Ngay sau bão, tỉnh đã có nhiều giải pháp chỉ đạo để ngành lâm nghiệp khắc phục thiệt hại như thực hiện thống kê, báo cáo Chính phủ hướng dẫn hỗ trợ; chỉ đạo xây dựng Đề án quy hoạch lại 3 loại rừng; kết nối các đơn vị công nghệ, phát triển rừng để tìm hiểu, nghiên cứu, bàn giải pháp tái cơ cấu loại cây trồng trong phát triển lâm nghiệp, làm việc với các ngân hàng để khoanh, hoãn, giãn nợ, các chính sách ưu đãi để tái đầu tư, khôi phục sản xuất, đảm bảo trồng lại rừng cho kịp mùa vụ…

Ngày 10/7/2024, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững, trong đó tỉnh hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng/ha/chu kỳ để mua cây giống và công chăm sóc (cao hơn 5 triệu đồng/ha so với quy định chung của cả nước); hỗ trợ 400.000 đồng/ha chi phí lập phương án trồng rừng gỗ lớn và sản xuất dưới tán rừng. Nhà nước cấp ngân sách với mức tối đa 20 triệu đồng/ha để đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân trồng rừng gỗ lớn.

Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ vay vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đối với thành viên thuộc tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân: Mức cho vay theo phương án trồng rừng gỗ lớn và sản xuất dưới tán rừng được phê duyệt nhưng không quá 30 triệu đồng/ha. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định theo từng thời kỳ; thời hạn cho vay tối đa không quá 25 năm. Trong 5 năm đầu khách hàng chưa phải trả nợ gốc…

Văn Đức - Thanh Vân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/noi-dau-cua-rung-bai-cuoi-tai-thiet-la-phoi-xanh-20241016155620716.htm