Nỗi đau kéo dài của những đứa trẻ lớn lên trong đại dịch
Khoảng 140.000 trẻ em Mỹ đã mất cha mẹ hoặc người chăm sóc trong đại dịch Covid-19. Các em có nhiều khả năng mắc các vấn đề về tâm thần cho đến khi trưởng thành.
Gần 2 năm sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các chuyên gia bắt đầu vật lộn để trả lời cho câu hỏi về những tác động lâu dài của nó đối với sức khỏe tâm thần của thế hệ trẻ ngày nay.
Hiện có rất ít nghiên cứu theo dõi số lượng trẻ em đã mất gia đình do Covid-19 và cách chúng kiểm soát nỗi đau của mình.
Một nghiên cứu gần đây ước tính có khoảng 140.000 trẻ em ở Mỹ đã mất đi cha mẹ hoặc người chăm sóc chính vì đại dịch trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2020 đến 30/6/2021. Con số ước tính trên toàn cầu là khoảng 1,5 triệu trẻ.
Nỗi đau kéo dài đến tuổi trưởng thành
"Cháu nghĩ bố qua đời là lỗi của cháu. Bởi vì, nếu cháu ở đó vì bố, có thể ông đã không ra đi như vậy", Natasha Beltran (12 tuổi) nói với CBS News.
Năm 2020, bố của Beltran, ông Julian Pena, đã mất vì Covid-19 ở tuổi 50 tại bệnh viện Bronx, New York (Mỹ). Kể từ đó, gia đình cô bé 12 tuổi trở thành một trong hàng nghìn gia đình phải trải qua cảm giác đau buồn, tổn thương đầy phức tạp khi mất đi một trụ cột chính.
Tại Mỹ, sự mất mát cũng có sự chênh lệch giữa trẻ em Mỹ bản địa và trẻ em người da đen hay gốc Tây Ban Nha.
Susan Hillis, nhà dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, nói với NPR rằng: "Trải nghiệm đau đớn thời thơ ấu có liên quan đến nguy cơ gia tăng của những nguyên nhân chính gây tử vong ở tuổi trưởng thành".
Nghiên cứu của Hillis cho rằng mất đi cha mẹ có liên quan đến các vấn đề tâm thần của trẻ, cũng như việc bỏ học sớm, thiếu lòng tự tin, các hành vi tình dục lệch lạc và nguy cơ tự tử, bạo lực, bị lạm dụng tình dục và bóc lột.
Beltran và gia đình em nhận được sự hỗ trợ từ một tổ chức phi lợi nhuận có tên The Children's Village - nơi cung cấp các dịch vụ sức khỏe cho trẻ em ở New York.
Các tổ chức phi lợi nhuận tương tự cũng đã hoạt động khắp các bang toàn nước Mỹ để giúp các em đối phó, vượt qua mất mát, cung cấp không gian an toàn để trẻ không cảm thấy sợ hãi trong biến cố.
Daphne Torres-Douglas, Phó chủ tịch dịch vụ chăm sóc sức khỏe hành vi của The Children's Village, nói với CBS News rằng: "Khả năng phục hồi không làm chấn thương biến mất. Chúng tôi vẫn phải giải quyết sự thật rằng những đứa trẻ đang bị tổn thương".
Theo Unicef, đại dịch Covid-19 mang đến một loạt thách thức phức tạp gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần cho mọi người, bao gồm cả trẻ em và thanh thiếu niên.
Trong thời thơ ấu, sức khỏe tinh thần tốt cũng quan trọng như sức khỏe thể chất để đạt được các mốc phát triển. Nó giúp trẻ em về mặt cảm xúc và các kỹ năng xã hội.
Ngoài ra, những đứa trẻ khỏe mạnh về tinh thần hoạt động tốt ở nhà, ở trường trong cộng đồng của chúng và có nhiều cơ hội hơn để có một cuộc sống hạnh phúc và thành công. Ngược lại, sức khỏe tinh thần kém trong thời thơ ấu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cách trẻ học tập, cư xử hoặc xử lý cảm xúc của mình.
Tuy nhiên, đau buồn, sợ hãi, không chắc chắn, cô lập xã hội và sự mệt mỏi của cha mẹ trong đại dịch đã ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của trẻ em.
Sức khỏe tâm thần của hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới bị đe dọa, với ít nhất 1 trên 7 trẻ buộc phải ở nhà theo lệnh cách ly y tế hoặc các khuyến nghị trong đại dịch. Hơn 330 triệu thanh thiếu niên đã bị mắc kẹt ở nhà (ít nhất trong 9 tháng tính đến tháng 3/2021) kể từ khi virus lây lan không kiểm soát.
Các bậc cha mẹ cũng khó khăn trong việc xoa dịu nỗi lo lắng của con cái họ vì những bất ổn và căng thẳng trong cuộc sống. Những thách thức nghề nghiệp hoặc tình cảm mà cha mẹ phải đối mặt đang cản trở khả năng của họ trong việc giải quyết các nhu cầu và lo lắng của con cái.