Nỗi đau 'nô lệ thời hiện đại'

Vụ giải cứu 33 người lao động Ấn Độ phải làm việc giống như nô lệ tại một nông trại ở Italy một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng 'nô lệ thời hiện đại' vẫn chưa được ngăn chặn trên thế giới, bất chấp các nỗ lực chung.

Đây là những người Ấn Độ bị các trùm băng đảng ở nước này đưa tới Italy theo giấy phép lao động thời vụ với lời hứa hẹn sẽ cho họ một tương lai tốt đẹp hơn. Họ phải trả phí 17.000 euro/người để được đưa tới “miền đất hứa”. Nhưng khi được đưa tới nơi làm việc là một nông trại ở tỉnh Verona, miền Bắc Italy, họ mới biết mình đã bị lừa khi bị đối xử và lao động như những nô lệ. Những người nhập cư này phải làm việc 7 ngày một tuần và 10-12 giờ một ngày với mức lương chỉ 4 euro/giờ. Số tiền này sẽ bị khấu trừ hoàn toàn cho đến khi họ trả hết nợ. Một số người còn bị lừa làm việc không công nhằm bù đủ thêm số tiền 13.000 euro để có được cái gọi là “giấy phép lao động vĩnh viễn” nhưng kỳ thực sẽ không bao giờ họ được cấp.

Các thành viên của cộng đồng người Ấn Độ ở Italy biểu tình ở Latina, cách Rome khoảng 60 km về phía Nam vào ngày 22-6, đòi công lý cho anh Satnam Singh. Ảnh: AP

Các thành viên của cộng đồng người Ấn Độ ở Italy biểu tình ở Latina, cách Rome khoảng 60 km về phía Nam vào ngày 22-6, đòi công lý cho anh Satnam Singh. Ảnh: AP

Cảnh sát cho biết những kẻ ngược đãi đã bị buộc tội về các tội liên quan đến bóc lột lao động và nô lệ. Hai kẻ ngược đãi các nạn nhân bị tịch thu gần nửa triệu euro. Còn các nạn nhân sẽ được bảo vệ, cung cấp cơ hội việc làm và giấy tờ cư trú hợp pháp.

Tại Italy, tình trạng bóc lột lao động nhập cư đã trở thành tâm điểm chú ý sau một vụ tai nạn lao động khiến một người Ấn Độ hái trái cây tử vong. Anh Satnam Singh đã bị chảy máu cho đến chết sau khi cánh tay bị kẹt trong máy quấn nylon.

Italy cũng như nhiều nước châu Âu đang đối mặt với thực trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng, khiến các chủ sử dụng lao động phải thuê lao động nhập cư, đặc biệt với những công việc lương thấp. Nhu cầu thuê lao động tăng kéo theo vấn đề vi phạm luật lao động. Hệ thống thị thực lao động nhập cư của Italy cũng đã xuất hiện tình trạng gian lận khó kiểm soát. Theo dữ liệu năm 2021 từ cơ quan thống kê quốc gia Istat, khoảng 11% người lao động Italy được tuyển dụng bất hợp pháp, riêng lĩnh vực nông nghiệp lên tới hơn 23%.

Vụ việc đau lòng bị phát hiện ở Italy và chắc chắn còn nhiều vụ tương tự chưa bị đưa ra ánh sáng ở đâu đó giống như một lời cảnh báo rằng thế giới vẫn còn nhiều việc phải làm để xóa bỏ vấn nạn nô lệ thời hiện đại, đang gây ra hậu quả nghiêm trọng về xã hội cũng như đẩy lùi sự tiến bộ của loài người trong bảo đảm những quyền cơ bản của con người. Thực trạng này nếu không sớm được ngăn chặn sẽ đe dọa tới mục tiêu của Liên hợp quốc đến năm 2030 xóa bỏ mọi hình thức nô lệ thời hiện đại. Nhiều năm qua, các nước và tổ chức quốc tế đã phối hợp chặt chẽ, thông qua nhiều đạo luật chống buôn bán người, cưỡng bức lao động ..., nhưng kết quả đạt được vẫn còn rất hạn chế.

Năm 2022, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã công bố Báo cáo Ước tính toàn cầu về chế độ nô lệ hiện đại, trong đó cho biết đã có thêm gần 10 triệu người bị biến thành “nô lệ thời hiện đại” chỉ trong vòng 5 năm. Tổng Giám đốc ILO khi đó là ông Guy Ryder nhận định những số liệu trên đã cho thấy một sự thật gây chấn động là vấn đề nô lệ thời hiện đại chưa hề được cải thiện và “không gì có thể biện hộ cho việc lạm dụng dai dẳng quyền con người cơ bản này”.

Trong các báo cáo liên quan tới vấn nạn nô lệ thời hiện đại được công bố, hầu hết các nước trên thế giới đều xuất hiện tình trạng này, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Xung đột, bất ổn chính trị, nghèo đói, thiếu cơ hội giáo dục, biến đổi khí hậu... đều có thể là lý do khiến nhiều người trở thành nạn nhân của nạn buôn người và bị biến thành “nô lệ thời hiện đại”. Báo cáo của ILO năm 202 cho biết hơn một nửa số nạn nhân lao động cưỡng bức và 1/4 số nạn nhân kết hôn cưỡng ép lại xảy ra ở những nước có thu nhập trung bình cao hoặc thu nhập cao.

Còn theo các nhà hoạt động xã hội, đại dịch Covid-19, khủng hoảng môi trường và tình trạng xung đột chính là những nguyên nhân khiến các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương mở rộng, do nhiều việc làm mất đi và tỷ lệ đói nghèo gia tăng. Liên hợp quốc cũng từng cảnh báo đại dịch Covid-19 gây nguy cơ làm thụt lùi nỗ lực chung trong việc chấm dứt tình trạng nô lệ thời hiện đại cũng như làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ nghèo đói, đồng thời gia tăng tình trạng dễ bị tổn thương, khiến nhiều người trở thành nạn nhân bị bóc lột sức lao động, bị hành hạ, lạm dụng. Đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động đáng lo ngại đối với vấn nạn buôn người, khi những kẻ buôn người lợi dụng khủng hoảng vì đại dịch để lôi kéo, lừa đảo những người gặp khó khăn về kinh tế đi tới những nơi gọi là “miền đất hứa”.

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/noi-dau-no-le-thoi-hien-dai-5015219.html