Nỗi đau sau phiên tòa

Giọt nước mắt hối hận, nỗi xót xa của người ở lại và cái nhìn đau đáu tìm về người thân… Hình ảnh ấy luôn ám ảnh tâm trí của mỗi người khi tham dự những phiên tòa hình sự.

Ở chốn pháp đình, không ít phiên tòa có không khí luôn trong tình trạng căng thẳng, nghẹt thở bởi sự thù hận của gia đình bị hại đối với bị cáo. Nhưng cũng có những phiên tòa mà gia đình bị hại sẵn sàng tha thứ cho bị cáo, dù nỗi đau gánh chịu chưa một ngày nguôi ngoai. Thậm chí, gia đình bị hại còn có cả sự cảm thông, chia sẻ và chạnh lòng trước những khốn đốn của kẻ đã gieo rắc nỗi đau cho gia đình mình. Phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự đối với bị cáo Lý Quyền (Thạnh Trị) về tội giết người đã diễn ra như thế. Người dự khán có thể bắt gặp được những tiếng thở dài và kèm theo lời đề nghị xin giảm nhẹ án cho bị cáo của gia đình bị hại, trong khi người thân của họ vừa mới mất không lâu (chỉ vì sự chủ quan và hành vi “đùa với điện” của anh nông dân chất phác).

Phía sau mỗi phiên tòa hình sự đều để lại những nỗi đau riêng. Ảnh: C.H

Phía sau mỗi phiên tòa hình sự đều để lại những nỗi đau riêng. Ảnh: C.H

Sự việc là một hôm, anh nông dân phát hiện có nhiều chuột đang cắn phá trên ruộng lúa. Đối với anh, hoa lợi thu hoạch được trên đồng ruộng là nguồn sống và tài sản lớn của gia đình. Mang tiếng là "người thuần nông" nhưng bản thân không hề có ruộng đất mà phải thuê của người khác để lấy công làm lời. Các chi phí cho mùa vụ từ phân bón đến thuốc trừ sâu, anh đều mua thiếu sau khi thu hoạch mới thanh toán. Giờ lũ chuột hoành hành, nếu thất mùa lấy tiền đâu chi trả bao khoản nợ và vợ con phải sinh sống ra sao… Đang suy tính, anh nảy sinh ý định dùng điện để bẫy chuột, vì anh nghĩ đây là phương pháp hiệu quả nhất, lại ít tốn chi phí và có thể phát sinh thu nhập từ tiền bán chuột.

Nghĩ là làm, Quyền sử dụng một sợi dây điện đấu nối trực tiếp với cầu dao điện sinh hoạt của người cặp ruộng lúa và dây chì kéo xung quanh 5 công ruộng trồng lúa để bẫy chuột. Mỗi ngày khoảng 18 giờ đến 20 giờ và 5 giờ đến 6 giờ sáng, Quyền đều ghim điện xiệt bắt chuột xung quanh. Bản thân anh vẫn nhận thức được sự nguy hiểm của vụ việc trên nên luôn ngồi túc trực khu vực cầu dao điện nhưng lại chủ quan không sử dụng biển báo hay thông báo cho người xung quanh biết. Rồi sự việc tồi tệ cũng xảy ra, dù vẫn ngồi canh nhưng khi ngắt điện, đã thấy bà T.T (chủ ruộng kề bên) vướng vào dây chì xiệt chuột và bị điện giật tử vong, để lại nỗi đau, sự thương tiếc cho bao người.

Đứng trước tòa, bị cáo liên tục đưa tay quệt nước mắt và lâu lâu lại ngoái nhìn về sau, nơi những người thân đang dõi mắt về bị cáo đầy ngấn lệ. Hôm ấy, người đến dự khán khá đông và không khí phiên tòa ảm đạm bởi những tiếng khóc thút thít, sự nghẹn ngào của gia đình bị cáo. Rồi một người phụ nữ không kìm nén được cảm xúc, đi vội ra khỏi phiên tòa và nói trong nước mắt: “Nó hiền lắm, nó đâu có muốn làm người ta chết…”. Theo chia sẻ của chị, gia đình có 8 anh, chị, em; do hoàn cảnh khó khăn nên chẳng ai được ăn học đến nơi, đến chốn và riêng Quyền không biết chữ. Tuy nhiên, bị cáo là một đứa em, đứa con ngoan, từ nhỏ đã biết phụ giúp cha mẹ. Khi có gia đình riêng luôn chí thú làm ăn, rất mực thương vợ, thương con. Khi xảy ra chuyện, bị cáo rất lo lắng, hoảng sợ và hối hận trước sự chủ quan của mình khiến một người vô tội phải mất, trong khi nhà không có một đồng, hàng ngày phải lo chạy ăn từng bữa; còn người thân hai bên không ai dư dả gì. Thương hoàn cảnh của Quyền, cha mẹ phải đi vay, đi mượn và mỗi anh chị em góp một ít để bồi thường cho gia đình bị hại.

Câu chuyện còn gián đoạn thì hình ảnh 3 đứa trẻ thơ (đứa nhỏ 4 tuổi, đứa lớn nhất 9 tuổi) khóc gọi cha; còn vợ trẻ giàn giụa nước mắt ôm con vào lòng ngước nhìn theo chồng bước lên xe tù khiến mọi người phải nhói lòng. Bị cáo vừa chịu sự phán quyết của tòa án nhưng đối với cha mẹ, bị cáo vẫn là những đứa con bé bỏng nên cha mẹ cảm thấy cần phải chịu trách nhiệm trước những gì con cái gây ra, dù hoàn cảnh khó nghèo. Một người phụ nữ trung niên lên tiếng: “Để tôi về vay hỏi, kiếm tiền bồi thường thêm cho người ta. Nó đi tù, gia đình tôi sẽ tiếp lo cho vợ con nó; chứ không thì vợ con nó biết sống làm sao”... Mỗi người cha, người mẹ, người chồng, vợ của các bị cáo đến với phiên tòa là mỗi phận đời khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một nỗi đau tột cùng khi người thân của họ vướng vào vòng lao lý...

Khi ấy, có một người trung niên lặng lẽ đi qua, mắt đượm buồn, thở dài ngao ngán: “Gia đình họ khốn đốn. Gia đình tôi đau khổ vì mất người”. Hầu như những người dùng điện bẫy chuột đều có một tâm lý chung là khá chủ quan dẫn đến hành động cạn nghĩ, để rồi sự cố xảy ra, người vô tội vĩnh viễn ra đi, không chỉ để lại nỗi đau, sự thương tiếc cho gia đình bị hại mà cả sự khốn đốn, đau khổ cho bản thân, gia đình mình. Chính vì thế, người dân cần phải nêu cao nhận thức và kiên quyết không dùng điện diệt chuột nhằm tránh xảy ra án mạng đáng tiếc như trên.

V.Đ

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/noi-dau-sau-phien-toa-43193.html