Nỗi đau thắng dịch, mất người

Đại biểu Quốc hội đề nghị, trong và sau đại dịch Covid-19, cơ quan chức năng cần đối chiếu, áp dụng theo các quy định đặc thù, nhất là đối với những người dám nghĩ, dám làm vì tính mạng sức khỏe người dân trong bối cảnh cấp bách, pháp luật chưa quy định hoặc quy định không rõ ràng hoặc quy định không thể thực hiện thì cần được đánh giá toàn diện, thấu tình, đạt lý.

Chiều 29-5, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về báo cáo chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Ngành y tế đối mặt 3 khó khăn lớn

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho rằng, dịch Covid-19 là phép thử để thấy được hiện trạng và thực lực ngành y tế đến đâu để từ đó có chính sách cho phù hợp. Đồng tình, đại biểu Nguyễn Ngọc Xuân (Bình Dương) cho rằng, 3 khó khăn lớn nhất của ngành y tế đó là: thể chế chưa đột phá, bộ máy chưa thông suốt và tài chính chưa rõ ràng. Đại biểu đề nghị trong báo cáo giám sát cần bổ sung nội dung sửa đổi Luật Dược, Luật Bảo hiểm xã hội và tổng hợp đầy đủ kiến nghị của các địa phương và các cơ quan trung ương.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Xuân. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Nguyễn Ngọc Xuân. Ảnh: QUANG PHÚC

Về y tế cơ sở, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, năng lực y tế cơ sở còn yếu và thiếu, cùng với đó là mô hình quản lý tuyến y tế cơ sở cũng khác nhau ở mỗi địa phương. Cơ chế, chính sách tiền lương chưa thu hút được y bác sĩ về làm việc, nhất là bác sĩ mới ra trường. Tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư, thiết bị y tế dẫn đến y tế tuyến cơ sở không còn đủ sức để cạnh tranh với y tế tư nhân, người dân cũng lãng quên luôn tuyến y tế cơ sở.

Vì vậy, đại biểu đề xuất là tập trung nguồn lực đầu tư cho tuyến y tế cơ sở ở những vùng sâu vùng xa, miền núi. Trong khi đó, trạm y tế ở các phường không nhất thiết phải, mà chuyển giao cho trung tâm y tế quận đảm nhiệm, nhất là ở các phường ít dân, có địa bàn nhỏ hẹp...

Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: QUANG PHÚC

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) cho rằng, hiện nay ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người rất khó thu hút bác sĩ về công tác. Ngoài ra, dù có chính sách thu hút y bác sĩ về những nơi này công tác nhưng với cơ chế chính sách đãi ngộ chưa hấp dẫn, một bộ phận y bác sĩ xin chuyển nơi công tác.

Đại biểu kiến nghị, đổi mới chính sách đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế; nâng phụ cấp trực cho nhân viên y tế; cơ chế hỗ trợ đội ngũ y tế ở tuyến cơ sở ở vùng khó khăn để họ yên tâm công tác lâu dài.

Sau đại dịch, ngành y tế "mất" nhiều cán bộ

Nói về huy động và quản lý nguồn lực trong lĩnh vực y tế, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, trong việc huy động và quản lý nguồn lực còn gặp khó khăn. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp, người dân có tấm lòng vàng muốn đóng góp nhưng "nói thật họ đóng góp cũng không dễ".

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: QUANG PHÚC

“TPHCM lúc chống dịch cũng phải có lời khuyên cho những cơ sở, doanh nghiệp rằng đóng góp bằng hiện vật, đừng có đóng góp bằng tiền vì "chúng tôi không sử dụng được”, đại biểu nói và cho biết những dự đoán này sau đó đã đúng vì sau khi kiểm soát được dịch Covid-19 là một loạt cuộc thanh tra, kiểm tra. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần cơ chế để sử dụng nguồn lực một cách chính thức. Nhưng, yêu cầu này lại vướng ở quy chế đầu thầu và dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) cũng chưa thấy cách nào tháo gỡ.

“Lúc dịch bệnh thiếu vaccine còn bây giờ bình thường, các cơ sở y tế thiếu vaccine, thiếu thuốc và vật tư y tế... Vậy biết bao giờ tình trạng thiếu này mới khắc phục được?”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đặt vấn đề trước Quốc hội.

Một vấn đề khác được đại biểu nêu ra nghị trường đó là, cần cân bằng giữa xây và chống trong lĩnh vực y tế. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đồng ý nếu có tiêu cực thì phải chống, xử lý nhưng cần phải quan tâm đến việc xây dựng ngành y tế vững mạnh.

Vì vậy, đại biểu đề nghị, toàn bộ công tác từ giám sát cho tới báo cáo cần phải đi vào thực tế để trong tương lai nếu dịch bệnh quay lại thì ứng phó tốt hơn, bảo vệ được người dân. “Y tế là môn kỹ thuật, không thể dùng khẩu hiệu để đi qua được đại dịch mà phải có những cơ chế và bảo vệ cho những người làm cơ chế đó”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.

Theo đại biểu, phần xây ngành y tế làm rất chậm, trong khi chỉ tập trung vào chống. "Ngày xưa chiến thắng về mừng công, còn bây giờ chiến thắng trong đại dịch lại "trảm tướng, thay tướng". Hệ thống ngành y tế, số lượng cán bộ y tế phải trả giá cho đại dịch Covid-19 là quá lớn", đại biểu Phong Lan chia sẻ.

Đồng tình, đại biểu Nguyễn Ngọc Xuân cho rằng, trong đại dịch Covid-19, đất nước ta đã đoàn kết vượt qua thời khắc khó khăn nhất nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận đã mất nhiều cán bộ. “Mất người là mất mát lớn nhất nhưng báo cáo giám sát chưa thống kê, phân tích, tổng hợp tình hình của cả nước về số tổ chức, cá nhân vi phạm và căn cứ pháp luật để xử lý những cán bộ vi phạm”, đại biểu thắc mắc.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Xuân, khi thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh toán, quyết toán và các hoạt động thi hành pháp luật khác trong phòng chống dịch Covid-19 cần được đối chiếu, áp dụng theo các quy định đặc thù, nhất là đối với những người dám nghĩ, dám làm vì tính mạng sức khỏe người dân trong bối cảnh cấp bách, pháp luật chưa quy định hoặc quy định không rõ ràng hoặc quy định không thể thực hiện thì cần được đánh giá toàn diện, thấu tình, đạt lý.

“Việc xem xét đánh giá toàn diện vấn đề này không chỉ là đúng - sai theo quy định pháp luật mà thể hiện đạo lý, tình người và cụ thể hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”, đại biểu nói.

VĂN MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/noi-dau-thang-dich-mat-nguoi-post691615.html