'Nới' điều kiện vay tiêu dùng không quá 100 triệu đồng
Các khoản vay tiêu dùng không quá 100 triệu đồng không cần lập phương án sử dụng vốn khả thi, mà chỉ cần cam kết sử dụng vốn hợp pháp...
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho vay tiêu dùng hiện chiếm khoảng 20% tổng dư nợ của toàn ngành ngân hàng, tương đương 2,8 triệu tỷ đồng. Có 16 tổ chức tín dụng (bao gồm ngân hàng và công ty tài chính) có dư nợ cho vay tiêu dùng lớn nhất đang triển khai tới 30 sản phẩm cho vay tiêu dùng.
Điển hình như Chương trình cho vay tiêu dùng 5.000 tỷ đồng của Agribank đã giải ngân cho hơn 811.000 lượt khách hàng vay vốn, hiện chỉ còn hơn 83.000 khách hàng còn dư nợ; Chương trình cho vay tiêu dùng trị giá 20.000 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội...
Mới đây, NHNN ban hành Thông tư 12/2024 sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư 39/2016 về hoạt động cho vay. Theo đó, Thông tư 12 quy định các khoản cho vay của tổ chức tín dụng có mức giá trị nhỏ, không vượt quá 100 triệu đồng không cần phương án sử dụng vốn khả thi. Ngân hàng thương mại sẽ có biện pháp kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích đã cam kết và trả nợ của khách hàng, bảo đảm khả năng thu hồi nợ gốc và lãi vay đầy đủ, đúng hạn theo thỏa thuận.
Đại diện NHNN đánh giá, với quy định này chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu vay tiêu dùng, bởi vì vay tiêu dùng thường là những khoản nhỏ lẻ dưới 100 triệu đồng.
Tốc độ tăng của tín dụng tiêu dùng rất tích cực và bản thân các ngân hàng thương mại cũng chuyển hướng sang cho vay tiêu dùng rất tích cực. Chính vì vậy, cho vay tiêu dùng hiện đã đạt gần 3 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 21% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Bà Nguyễn Linh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN đánh giá: “Những thay đổi này giúp khách hàng tiếp cận các khoản vay nhỏ một cách dễ dàng hơn, hạn chế được tín dụng đen trên thị trường”.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, vào 5-7 năm trước, cho vay tiêu dùng để sinh hoạt hằng ngày, đáp ứng các nhu cầu chữa bệnh, cưới xin, đóng học phí… chiếm tỷ lệ rất nhỏ ở các tổ chức tín dụng, nhất là ngân hàng thương mại. Hiện tại, cơ chế, chính sách khuyến khích ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay tiêu dùng rất rộng mở. Hàng loạt công ty tài chính, trong đó có cả công ty tài chính của các ngân hàng thương mại cũng được thành lập và thúc đẩy cho vay tiêu dùng.
"NHNN đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, đồng thời triển khai nhiều giải pháp để chấn chỉnh, siết lại hoạt động cho vay tiêu dùng, hạn chế những mặt trái tại một số công ty tài chính như lãi suất quá cao, hoạt động thu hồi nợ chưa phù hợp...", Phó Thống đốc thông tin.
Theo NHNN, một số ngân hàng thương mại như Agribank, LPBank đã đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trong thời gian qua. Kể cả những ngân hàng như Vietcombank, VietinBank trước đây luôn tập trung vào phân khúc cho vay doanh nghiệp, nay cũng chuyển hướng sang cho vay tiêu dùng.