Nơi đó là nhà
Dù ai có nhà cao cửa rộng, đi khắp năm châu bốn bể thì mái nhà xưa, nơi có mẹ cha vẫn là nơi mong muốn quay về. Nơi nào có cha mẹ, nơi đó là nhà. 'Nhiều đêm muốn quay về, ngồi yên dưới mái nhà'. Những ca từ đẹp như thơ trong 'Lời thiên thu gọi' của Trịnh Công Sơn, hẳn là một cảm thức ám ảnh đối với nhiều người, trong đó có tôi. Cứ ngân vang trong tâm trí, theo từng bước chân người, một hôm nào bất chợt. Trên những ngả đường phiêu bạt, kẻ xa quê nào chẳng có phút giây lắng lòng nhớ đến quê hương. Và như một cận cảnh, chính là một mái nhà và rõ ràng hơn, chính là bóng dáng mẹ cha.
Những giấc mơ an trú
Nhà là nơi để nghĩ về bởi luôn có yêu thương ấm áp, là nơi chốn bình yên, nơi an trú những giấc mơ khi tôi đã rời đi, nhiều năm qua rồi. Câu hát nhắc tôi thèm biết bao cảm giác được trở về với ngôi nhà của tổ tiên, ba mạ ở làng Mai bên dòng sông Thạch Hãn. Tôi nhắm mắt lại, thả hồn về với hoài niệm. Ngoài kia sông trôi dào dạt, trong ngôi nhà, tôi ngồi bên chiếc bàn ở gian giữa. Trên cao xanh, ánh mắt hiền từ của tổ tiên, ông bà nhìn xuống, đâu đây có tiếng nói, lúc thủ thỉ dặn dò khi vang vọng như sấm dội về…
Tôi nghe cỏ cây ngoài vườn rủ nhau lớn lên, cây ổi sau vườn, cây thanh yên gần trước ngõ bồi hồi ngọt thêm, dàn thiên lý mướt xanh đưa hương dịu dàng. Có dáng mạ bên giếng, vo gạo chuẩn bị bữa trưa. Tiếng chổi khe khẽ ngoài sân, bóng ba nhặt sâu bên luống hoa. Ngọn gió Lào thổi miên man, vùn vụt. Con đường làng dưới bóng tre, lá tre rụng đầy, người đi đường có hút thuốc đều phải lấy tay che, bụm lại, bởi làng lúc này còn nhiều mái tranh, nhiều cây rơm dựng lên bên góc vườn sau những mùa gặt…
Vườn nhà tôi rộng và đẹp lắm. Thế đất vững chãi, đất màu mỡ, cho cây trái tốt tươi. Trải mấy trăm năm tổ tiên theo Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào Nam mở cõi, làng Mai Xá Chánh là một địa danh lẫy lừng về bề dày văn hóa, về những con người hào kiệt, tài hoa, những nhà cách mạng tiên phong… cùng truyền thống hiếu học, trọng đạo nghĩa trong cốt cách của người làng Mai và người Quảng Trị. Năm 1975 về lại làng quê, ba mạ tôi dựng nhà trên nền đất cũ, căn nhà chính ba gian, nhà sau vuông góc, cùng những chái hiên thoáng đãng. Đất dựng nền, láng sân gánh từ Hà Côộc về, màu đất đen bóng, từng gánh, từng gánh đổ đầy sân, phơi khô, lèn chặt, cứ thế cao dần. Bên góc vườn là giếng nước ngọt lành, nhiều người trong làng đến gánh về dùng. Nước trong, đầy ắp, các o bẻ nhánh lá trong vườn cho khỏi chao khi gánh đi trên đường làng mỗi chiều hôm.
Hành trang là nụ cười ba mạ
Đôi khi tôi tự hỏi đời mình đã sống qua bao nhiêu căn nhà rồi lẩn thẩn tìm trong ký ức. Nhiều lắm. Bởi những biến thiên thời cuộc, ly tán đẩy đưa. Ngoài ngôi nhà ở làng Mai của ông bà để lại cho ba mạ tôi, nơi 4 trong 7 anh em tôi chào đời, lớn dần trong tiếng mạ ru bên nôi, là ngôi nhà với ý nghĩa thiêng liêng, sâu nặng, còn có những căn nhà chúng tôi ở không lâu, chỉ vài năm ngắn ngủi. Như nhà ở Đông Hà ngày nơi đây còn là thị trấn với những con đường đỏ bụi. Lâu nhất là nhà ở thị xã Quảng Trị, nơi tôi lần đầu đến trường Nam tiểu học bên dòng sông xanh. Nhà ở thành phố Đà Nẵng, ở thị xã (sau này là thành phố) Buôn Ma Thuột, nhà ở TP. Hồ Chí Minh…
Nhà là nơi chúng tôi tìm về trong những mùa xuân đoàn tụ. Về lại thị xã Quảng Trị sau năm 1975, căn nhà xưa không còn, chúng tôi vẫn vẹn nguyên kỷ niệm yêu thương với xóm nhà, với những người thân đến giờ vẫn nhắc tên, thương nhớ: Ông Trợ Phong, o Gái, bác Quý, bác Thanh, bác Ngẫu…Thị xã đầy kỷ niệm tuổi thơ, hằn sâu trong ký ức tôi từng góc phố, con đường. Nhà cậu Giáo gần trung tâm thị xã, nhà mệ ngoại tôi ở gần ga, nhà ông Trợ Biền ở gần bệnh viện tỉnh… Tôi nhỏ xíu nhưng nhớ đường rất giỏi, đến nhà ai một lần là nhớ, nên khi các ông bà ở quê ra thị xã, đến thăm ai đều có tôi đưa đi, không bao giờ lạc đường.
Về lại làng Mai, bếp lửa ấm, bánh tét, bánh chưng những ngày khó nghèo, vẫn là tuổi thơ lung linh của những đứa em tôi trong màu đỏ của pháo, chiếc áo hoa mạ mua ngoài chợ Đông Hà. Bao nhiêu giá rét ba mạ gánh vào để cho chúng tôi có cái Tết vui, dù làng quê có tái tê những năm đó thì nay ký ức vẫn không nỡ lạnh lùng, để nước mắt vòng quanh ấm nóng.
Tôi theo ba mạ rời quê. Vào xứ cao nguyên trù phú, trồng gì cũng tốt tươi mà hay nghĩ về làng quê, nhìn hạt lúa, củ khoai vẫn thấy óng ả giọt mồ hôi của ba mạ trên đồng. Căn nhà ba mạ dựng lên trên đất Buôn Ma Thuột, những đứa con trở về lợp mái, trồng hoa. Những rẫy mía đem về sự sung túc để cả xóm ăn Tết sum vầy, hạnh phúc. Tôi, chàng sinh viên đại học từ TP. Hồ Chí Minh trở về, đi trong gió cao nguyên hanh khô, đất đỏ, trời xanh. Những ngày Tết vui, đầm ấm và sung túc, không gợn lo toan cơm áo gạo tiền. Trở lại TP. Hồ Chí Minh, tôi mang theo nụ cười của ba mạ làm hành trang đời mình ngày tháng đó.
Về với bình yên, thân thuộc
Hơn 30 năm qua, ba đã rời xa dương thế. Năm nào, chúng tôi cũng về Buôn Ma Thuột làm đám giỗ ba. Trên đường ra nghĩa trang, xe chạy qua nhà cũ, anh em tôi bồi hồi. “Thấy không, ngọn dừa chị Trang trồng tề”, mấy đứa em tôi nhắc. Trang là tên bà xã tôi, con dâu Sài thành đã đem giống từ miền Nam ra trồng, nay hàng dừa vươn cao, xanh ngắt. Ngôi nhà này có giếng nước ba và anh em tôi đào, trúng mạch nước tốt, nước luôn đầy và ngọt lịm. Trong vườn, ba tôi trồng cà phê, trồng cây ăn trái, trước sân nhà trồng hoa. Đơn sơ thôi, nhưng đến giờ có thể nói đó là một căn nhà đẹp, là căn nhà trong mơ của bao người giữa thời hiện đại này khi người ta lao vào bê tông hóa phố phường. Lúc nhớ ra, hiểu ra, thèm một mảng xanh thì đã muộn.
Bây giờ, ngôi nhà của tôi là nơi các con nhung nhớ, trở về. Ngôi nhà cho các con tuổi thơ êm đềm, hạnh phúc, lớn lên trong yêu thương, như tôi đã từng. Trong điện thoại của từng người đều có những tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc đón giao thừa, vợ chồng tôi và các con cùng cháu nội yêu trong chiếc áo dài “xôi chè” đỏ thắm, đứng bên nhìn ông nội khấn vái mong năm mới an lành, như ý.
Mùa xuân là để trở về. Về lại nhà, ngồi với bình yên, thân thuộc, thêm sức mạnh nội tại, thêm niềm tin, nghị lực để tạo dựng thành công mới hay thêm tin yêu mà đứng dậy, bước tiếp trong đời sau những lỡ lầm, thất bại. Dù ai có nhà cao, cửa rộng, đi khắp năm châu bốn bể thì mái nhà xưa, nơi có mẹ cha vẫn là nơi mong muốn quay về. Nơi nào có cha mẹ, nơi đó là nhà.