Nối đôi bờ suối Luông
Rất nhiều dòng suối lớn nhỏ, ngang dọc nhằng nhịt với những cái tên như: Luông, Quáng, Mó, Nà, Hạ Cằng, Khê, Giang… làm cho việc đi lại của người dân ở Vũ Chấn - một xã vùng cao của huyện Võ Nhai đã khó lại càng thêm khó. Trong đó phải kể đến dòng suối Luông chạy qua 7 xóm, chia xã ra làm đôi. Hễ mưa to, suối Luông lại trở thành 'kỳ đà' ngăn không cho cư dân ở đôi bờ có thể đến được với nhau. Mọi hoạt động giao thương ở nửa bên kia suối gần như ngưng trệ hoàn toàn.
Suối Luông bắt nguồn từ Khe Cái chạy qua 5 xóm người Tày và 2 xóm người Dao của xã. 5 xóm người Tày gồm: Na Mấy, Na Cà, Na Rang, Na Đồng và Đồng Đình. 2 xóm người Dao là Khe Cái và Khe Nọi (mới đây, xóm Khe Nọi một phần sáp nhập vào Khe Cà, một phần sáp nhập vào Khe Cái). Dân số Vũ Chấn có khoảng hơn 3.000 người thì một nửa nằm bên kia dòng suối. Trước đây, muốn sang được trung tâm xã vào mùa mưa người dân chỉ có cách duy nhất là đóng mảng làm phương tiện vượt suối. Ngô, thóc làm ra, lợn, gà đã đến ngày xuất chuồng nhưng chẳng mấy khi có thương lái nào “dũng cảm” vượt suối để sang mua cả mà có sang thì họ cũng mua với giá rất rẻ.
Cũng bởi thế nên khi được hỏi về niềm vui của nhân dân địa phương trong thời gian gần đây, Chủ tịch UBND xã Triệu Tiến Hiện không một giây đắn đo mà trả lời ngay rằng: Đó là cầu. Người dân ở đây không mong gì hơn ngoài có cầu qua suối. Năm 2019, xã được hưởng lợi từ 2 cây cầu dân sinh là cầu Na Đồng và cầu Na Cà - Khe Cái. Dù chưa thể đáp ứng được đủ nhu cầu của nhân dân, nhưng với Vũ Chấn đó đã là một niềm vui lớn. Bà con đã thuận lợi hơn trong việc đi lại, địa phương cũng nhờ đó mà có hướng xây dựng thêm các phương án phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho bà con. Kết thúc năm 2019, qua rà soát, xã còn 17,71% hộ nghèo và 18,41% hộ cận nghèo. Năm 2020 này, xã mạnh dạn đưa ra chỉ tiêu giảm từ 7% hộ nghèo trở lên, quyết tâm đưa xã đạt 12 tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới so với 10 tiêu chí như hiện tại.
Nói về niềm vui có cầu, thầy giáo Nguyễn Hữu Minh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Vũ Chấn bộc bạch: Trước chưa có cầu, mưa to chừng 1 giờ đồng hồ là nước suối dâng cao không thể qua lại. Đi mảng, bè thì quá nguy hiểm nên học sinh nào nhà ở phía bên kia suối mà không ở trọ gần trường đều phải nghỉ học. Bởi vậy, chuyện lớp thiếu nhiều học trò trong những ngày mưa gió không phải là chuyện hiếm. Vì là miền núi, mưa gió thường xuyên, để con em mình được đi học đầy đủ khi Nhà trường chưa có nhà nội trú, nhiều phụ huynh phải dựng tạm lán ở xung quanh Trường cho con em mình ở. Đến nay, tuy Trường đã có chỗ ở nội trú nhưng vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh. Nhiều em vẫn phải đi về dù nhà ở bên kia dòng suối. Đến khi có cầu, những khó khăn ấy đều được giải quyết.
Niềm vui lớn nhất với các thầy cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Vũ Chấn là năm học 2018 - 2019 vừa qua toàn trường không có em học sinh nào bỏ học (năm học 2017 - 2018 Trường có 2 học sinh bỏ học).
Niềm vui nối tiếp niềm vui, khi hiện tại, Vũ Chấn đang được đầu tư xây dựng thêm 2 cầu tràn nữa từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và nguồn xã hội hóa. Đó là cầu tràn Nà Lao ở xóm Na Rang và cầu tràn Khặp Khe ở xóm Đồng Đình. Cầu tràn Nà Lao nối cụm dân cư gồm 7 hộ dân ở bên kia suối Luông với trung tâm xóm Na Rang. Còn cầu tràn Khặp Khe được xây dựng phía bên phải đoạn Km14+600 trên tuyến đường Cúc Đường - Vũ Chấn - Nghinh Tường - Sảng Mộc rẽ vào khoảng 1km. Anh Hoàng Văn Luyên, Trưởng xóm Đồng Đình chia sẻ: Cầu Khặp Khe chỉ dài có 67m nhưng sẽ giúp tương lai của người dân xóm tôi được vươn xa. Từ nay, chúng tôi không còn sợ phải bán rẻ những thứ mình làm ra nữa. Nhân dân trong xóm chúng tôi sẽ nuôi lợn, nuôi gà nhiều hơn để có nguồn thu nhập thêm cho gia đình.
Trước khi chia tay, đồng chí Triệu Tiến Hiện cho biết thêm thông tin vui, sau 2 cầu tràn Khặp Khe và Nà Lao, dự kiến xã sẽ được đầu tư xây dựng thêm cầu tràn Na Cà. Khoảng cách giữa những khu dân cư ở vùng khó với các khu dân cư trung tâm đang từng bước được rút ngắn. Và những nhịp cầu nối đôi bờ suối Luông sẽ giúp người dân ở Vũ Chấn bước nhanh hơn trên con đường xây dựng nông thôn mới.