'Nới' đối tượng và địa bàn thụ hưởng chính sách khuyến công

Để công tác khuyến công phát huy hiệu quả, tiếp tục đồng hành với các cơ sở công nghiệp nông thôn, cần sớm có tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách. Trong đó, quá trình sửa đổi Nghị định 45/2012/NĐ-CP về khuyến công cần 'nới' đối tượng và địa bàn được thụ hưởng.

Đẩy mạnh các đề án khuyến công điểm

Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định 45/2012/NĐ-CP về khuyến công, đã tác động tích cực đến sản xuất, kinh doanh của các cơ sở công nghiệp nông thôn.

Đặc biệt, Đề án khuyến công quốc gia điểm “Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phát triển chế biến lâm sản giai đoạn 2018 - 2020 và giai đoạn 2023 - 2025” là cách làm rất hiệu quả, kịp thời giúp đỡ các cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào trong sản xuất. Từ đó, tạo ra nhiều sản phẩm mới, sản phẩm chất lượng trong lĩnh vực chế biến lâm sản.

“Nới” hơn về đối tượng và địa bàn được thụ hưởng khuyến công. Nguồn:ITN

“Nới” hơn về đối tượng và địa bàn được thụ hưởng khuyến công. Nguồn:ITN

Cụ thể, giai đoạn 2028 - 2020, kinh phí khuyến công quốc gia đã triển khai thực hiện hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển chế biến lâm sản với tổng kinh phí 6,5 tỷ đồng, gồm: hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho 11 đơn vị; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật cho 4 đơn vị... Nhờ đó, một số sản phẩm của các doanh nghiệp, ví dụ Công ty CP Công nghiệp gỗ Trường Sơn, Công ty TNHH Triệu Thái Sơn, Công ty TNHH Xuyên Bình... đã khẳng định được chất lượng, thương hiệu trên thị trường các nước Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

Giai đoạn 2023 - 2025, Đề án tiếp tục được triển khai. Trong đó, năm 2023 kinh phí khuyến công quốc gia đã hỗ trợ 3,7 tỷ đồng ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho 9 đơn vị và xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật cho 1 đơn vị. Năm 2024, kinh phí khuyến công quốc gia dự kiến sẽ hỗ trợ hơn 2,9 tỷ đồng cho 1 đơn vị.

Tuy nhiên, những năm gần đây tình hình kinh tế thế giới suy yếu, xung đột vũ trang lan rộng tại khu vực Đông Âu. Sự gián đoạn và chuyển hướng của các hãng vận tải lớn trên thế giới tại Biển Đỏ có nguy cơ làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa và gây ra một đợt lạm phát mới trên toàn cầu... Điều này khiến tình hình sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa một số lĩnh vực, ngành nghề sản xuất có xu hướng chậm lại. Thị trường tiêu thụ bị hạn chế, doanh thu giảm, nhất là một số sản phẩm có thị trường xuất khẩu trực tiếp như may mặc, da giày, chế biến gỗ, chế biến đá, hàng thủ công mỹ nghệ...

Tập trung gỡ khó chính sách

Để khắc phục tình trạng khó khăn hiện nay cũng như tập trung mục tiêu thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng Thanh Hóa Hoàng Xuân Phong đề xuất, quá trình sửa đổi Nghị định 45/2012/NĐ-CP cần bổ sung đối tượng và địa bàn được thụ hưởng. Theo đó, đối tượng áp dụng là tất cả doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư trong nước (trừ các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp cổ phần có vốn góp từ nước ngoài). Địa bàn áp dụng được triển khai trên tất cả các xã, phường thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và thành phố loại I. Việc mở rộng đối tượng và phạm vi hỗ trợ không chỉ giúp địa phương thuận lợi hơn trong quá trình tìm cơ sở thụ hưởng mà còn giúp bảo đảm độ an toàn, hiệu quả của các đề án khuyến công.

Hoạt động khuyến công Thanh Hóa thời gian qua đã thúc đẩy sản xuất công nghiệp nông thôn.Nguồn:ITN

Hoạt động khuyến công Thanh Hóa thời gian qua đã thúc đẩy sản xuất công nghiệp nông thôn.Nguồn:ITN

Đối với các văn bản hướng dẫn về hoạt động khuyến công, Thông tư số 28/2018/TT-BTC về hướng dẫn lập, quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công cần bổ sung mức hỗ trợ như: chi hỗ trợ tham gia hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn, hàng thủ công mỹ nghệ trong nước; mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí nhưng không quá 100 triệu đồng/lần tham gia. Chi hỗ trợ các hạng mục xây dựng và phục vụ sản xuất như nhà xưởng kết cấu thép, nhà kho, trạm biến áp, thiết bị nâng hạ...; mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 1 tỷ đồng/cơ sở...

Đồng thời, ông Phong cũng đề nghị tăng mức hỗ trợ cho các nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến từ 300 triệu đồng/cơ sở lên 500 triệu đồng/cơ sở, nếu doanh nghiệp đó đầu tư máy móc thiết bị từ 1 tỷ đồng trở lên. Hỗ trợ ứng dụng dây chuyền thiết bị tiên tiến từ 450 triệu đồng/cơ sở lên 600 triệu đồng/cơ sở, nếu doanh nghiệp đó đầu tư máy móc thiết bị từ 1,2 tỷ đồng trở lên; để bảo đảm hài hòa giữa những doanh nghiệp đầu tư 600 triệu đồng với doanh nghiệp đầu tư từ 1 tỷ đồng trở lên, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp có đầu tư lớn.

Bổ sung quy định về hỗ trợ sau đầu tư tại Thông tư 36/2013/TT-BCT của Bộ Công Thương về tiến độ triển khai của các cơ sở công nghiệp nông thôn được cấp kinh phí hỗ trợ khuyến công trước khi đầu tư theo nội dung, tiến độ đã được phê duyệt. Nay đề nghị được bổ sung đối với các cơ sở bắt đầu triển khai đầu tư trong năm tài chính.

Cùng với đó, đề nghị điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư trong khung định mức hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới hoặc sản phẩm mới; có văn bản hướng dẫn chi tiết về các tiêu chí để xây dựng đề án về xử lý ô nhiễm môi trường; áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp...

Trúc Oanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/noi-doi-tuong-va-dia-ban-thu-huong-chinh-sach-khuyen-cong-i385857/