Nơi được khởi sự bằng tình yêu
Maison du Pays de Bến Tre nằm trong một con hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo rợp bóng dừa xanh ở ấp 1A, xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Homestay không có bảng chỉ dẫn, tên cũng không được trưng bày trước cửa. Vậy nhưng, đến Thạnh Phú Đông, hỏi nhà anh Thịnh làm du lịch thì ai cũng biết.
Căn nhà nhỏ với những điều tinh tế
Căn nhà nhỏ màu xanh mát nằm giữa vườn dừa như những căn nhà khác ở Bến Tre. Nhà được trang trí bằng những vật dụng gần gũi và dân dã nhưng lại bật lên sự tinh tế, sang trọng. Nước sát khuẩn, kem chống muỗi được đặt ở vị trí dễ nhìn, thể hiện sự tận tâm của gia chủ - anh Quách Duy Thịnh, một thanh niên trẻ yêu tha thiết quê mình. Có kinh nghiệm 7 năm trong lĩnh vực du lịch, từng trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau nên anh Thịnh hiểu rõ những điều cần làm nhằm mang tới trải nghiệm tốt nhất cho du khách. Tất cả sản phẩm phục vụ khách đều được anh Thịnh chọn lựa kỹ lưỡng. Những chiếc cốc bằng thủy tinh nhập từ Ý, những ống hút tre mua từ Hà Nội, những tấm lót ly bằng cỏ bàng ở xứ Gò Quao,... là minh chứng cho sự cầu kỳ, tinh tế của anh Thịnh trong quá trình xây dựng Maison du Pays de Bến Tre. Anh từng nói: “Thịnh thích văn hóa Pháp, thích cái gì đó Đông Dương, mộc mạc nhưng cầu kỳ, tinh tế”.
Anh Thịnh chu đáo và cẩn trọng đến từng chi tiết nhỏ trong quá trình phục vụ khách ghé thăm. Từng góc nhỏ trong nhà từ đóa hoa tươi đến bình đựng tăm cũng được anh tự tay chọn lựa, bài trí thật xinh xắn và “ăn khớp” nhau. Những món ăn tại Maison du Pays de Bến Tre đều là sản vật địa phương, tự tay anh Thịnh đi chợ mua rau, lựa cá và chế biến. Đó đều là những món bình dị, quen thuộc nhưng được chế biến cầu kỳ và bài trí trên những bộ đồ ăn xinh đẹp, sang trọng. Anh Thịnh nói rằng điều đó giúp tăng giá trị cho dịch vụ cũng là sự tôn trọng và yêu mến mà anh dành cho những vị khách đến với homestay của mình.
Khoe nét đẹp quê mình
Có người nhận xét rằng, anh Thịnh đã làm du lịch và thành công ở một nơi không ai nghĩ có thể làm du lịch. Homestay của anh cũng chính là căn nhà anh đã gắn bó từ thuở nhỏ cùng bà nội. Trước đây, đó chỉ là một mái lá đơn sơ nằm sâu trong xóm, bên con đường quanh co rợp bóng dừa xanh. Nơi đó, đời sống còn khó khăn, nước ngọt trên kênh, rạch chỉ về đúng lịch một tuần đôi bữa. Năm 2017, Thịnh dành dụm tiền cất lại căn nhà cho hai bà cháu. Ban đầu, đó là tình yêu anh dành cho bà, là mái ấm nơi chàng trai trẻ trở về mỗi chiều sau ngày làm việc với những bình yên chờ đợi. Và rồi, như một cơ duyên, anh Thịnh quyết định làm homestay để chia sẻ bình yên ấy cho mọi người ngay giai đoạn ai nấy đều khó khăn do dịch bệnh. “Lúc cất nhà thì có tới đâu làm tới đó, mãi đến năm 2020 mới hoàn tất. Khi quyết định làm homestay tại nhà, mình chỉ cần sơn lại một chút, sắm sửa thêm cây cảnh và vật dụng trang trí, không phải xây dựng hay sửa sang gì quá nhiều” - anh Thịnh nói. Bằng tâm huyết, tình yêu quê hương và tư duy, sự khéo léo của mình, anh Thịnh biến căn nhà nhỏ thành nơi làm du lịch.
Gắn bó từ nhỏ nên anh Thịnh am hiểu và kể lại cho du khách nghe về quê mình bằng tất cả sự tự hào, mến khách. Đi cùng anh Thịnh, chúng tôi nhận ra mọi thứ đều có một câu chuyện đằng sau. Dòng kênh bình thường chảy qua sau nhà anh là minh chứng cho sự gắn bó giữa Bến Tre và Vĩnh Phúc trong những tháng năm Đồng Khởi. Đó cũng từng là đường giao thông chính của người dân thời gian trước, khi giao thông đường bộ chưa phát triển. Mọi thứ thoạt nhìn đều rất bình thường nhưng qua mắt nhìn và sự tìm tòi của anh, mọi thứ bỗng trở nên đặc biệt theo một cách rất riêng.
Anh Thịnh có năng khiếu diễn thuyết. Cách nói chuyện của anh vừa vui vẻ, hiền lành, vừa có phần hài hước. Tuy nhiên, bấy nhiêu đó là chưa đủ, còn cần cả sự chăm chỉ và nghiêm túc trong công việc mới giúp chàng trai trẻ khơi mở được tiềm năng mọi ngóc ngách của quê mình. Không phải người dân ở Giồng Trôm nào cũng biết những giá trị đằng sau nhà thờ La Mã “hết sức bình thường” ở đó. Không phải ai cũng biết câu chuyện về bức tranh từng chìm dưới lòng sông và tầm quan trọng của nhà thờ La Mã đối với các tín đồ tôn giáo. Anh chắt lọc mọi thứ bằng tình yêu thuần khiết trong quá trình sống, lớn lên ở quê mình và bằng nỗ lực, khát khao giới thiệu quê hương, đem những nét đẹp của quê nhà “khoe” với mọi người.
Khi làm du lịch, anh Thịnh không làm một mình mà đồng hành cùng người dân trong xóm nhỏ. Mỗi mùa một thức, mỗi dịp một gia đình, anh Thịnh đưa du khách của Maison du Pays de Bến Tre đi thăm khắp làng quê mình, gặp những người hàng xóm vui tính và chân chất. Nhờ vậy, mỗi lần ghé đến, du khách được sống cùng với người bản địa, trải nghiệm cuộc sống thôn quê một cách chân thật nhất và người dân Thạnh Phú Đông được thể hiện sự hào sảng vốn có, lại có thêm một chút nguồn thu. Hiện anh đã kết nối với 8 hộ dân trong vùng. Đó là những người có tố chất làm du lịch, hài hước, hiếu khách và tri thức. Miền quê nhỏ nhờ vậy trở nên giàu sức sống. Những người đến với Maison du Pays de Bến Tre đều có những ấn tượng rất tốt về Căn nhà nhỏ xứ sở Bến Tre. Anh Thịnh nói rằng, có được sự yêu quý đó không phải do anh đang đánh trúng tâm lý sợ dịch bệnh của khách du lịch mà là anh đang làm được điều nhiều người mong chờ từ trước đến nay: Giúp họ quay về với bình yên, thôn dã, được hòa mình, trải nghiệm một cách chân thật nhất với nơi mình đến.
Với anh Thịnh, Maison du Pays de Bến Tre vừa là dự án khởi nghiệp, vừa là đứa con tinh thần, tình yêu dành cho xứ sở mình nên qua giai đoạn dịch khó khăn, anh vẫn bám lấy và nuôi dưỡng “đứa con” ấy bằng những điều tốt nhất. Không phải là người có nhiều vốn, anh kêu gọi du khách mua voucher từ trước để có nguồn xoay sở, đầu tư hoàn chỉnh, nhằm tạo cho khách trải nghiệm hoàn hảo nhất khi đến với Căn nhà nhỏ xứ sở Bến Tre.
Được tiếp đón khách đến với homestay, anh Thịnh cảm thấy được đắm mình trong sở thích của bản thân, được phô bày những kỹ năng: Nấu ăn, thuyết trình, trang trí,... của cá nhân mình. Và điều anh nhận lại chính là sự hài lòng tuyệt đối của những vị khách từng lui tới./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/noi-duoc-khoi-su-bang-tinh-yeu-a132675.html