Nơi gặp gỡ những tâm hồn đồng cảm
Xin được gọi như thế về ấn phẩm Thơ Haiku Việt 3 miền (do câu lạc bộ thơ Haiku Xứ Huế, thuộc Hội thơ Hương Giang Thừa Thiên Huế chủ biên), Nhà xuất bản Thuận Hóa vừa mới ấn hành.
Cơ duyên thi phẩm được bắt đầu từ chuyến về thăm quê của PGS.TS. Lê Văn Truyền (nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế) cùng với nhà thơ Vũ Quần Phương từ Hà Nội vào giữa năm nay, khi ghé thăm Bảo tàng gốm sông Hương. Trong không gian nhà vườn tĩnh lặng, xanh mát, ngan ngát hương thơm hoa trái của miệt vườn Kim Long, ý tưởng về một cuộc gặp mặt của các câu lạc bộ Thơ Haiku Việt 3 miền tại Huế vào một thời gian thích hợp được nhà thơ Lê Văn Truyền (Phó Chủ nhiệm CLB thơ Haiku Việt Hà Nội) gợi mở, được chủ nhân Bảo tàng gốm sông Hương (GS.TS. Thái Kim Lan hào hứng tán đồng và sẵn lòng ủng hộ)
Ban Thường vụ Hội thơ Hương Giang đã thống nhất cao, và giao cho CLB thơ Haiku Xứ Huế đảm trách tổ chức triển khai (trong đó điểm nhấn là việc xuất bản Thơ Haiku Việt 3 miền). Dường như ý tưởng của những người tâm huyết và có trách nhiệm với thơ Haiku Việt đã chạm đến sự đam mê và đồng cảm của hội viên các câu lạc bộ thơ Haiku Việt, nên chỉ sau một thời gian ngắn, đã có 54 tác giả của 8 câu lạc bộ thơ Haiku Việt (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Bình, Huế, Quảng Nam, ĐắkLak, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh) gửi về góp mặt. Đó là hành trình của sự đồng cảm, để có thơ Haiku Việt 3 miền.
Có thể xem, thơ Đường của Trung Quốc, thơ lục bát của Việt Nam, thơ Haiku của Nhật Bản là “quốc hồn” thi ca của mỗi nước. Giới nghiên cứu cho rằng: Thơ Haiku của đất nước “mặt trời mọc” là một trong số ít có thể thơ ngắn nhất “bài thơ không có đề bài, thể thơ trữ tình mang đậm tính chất thiền. Yếu tố thiên nhiên đóng vai trò chủ đạo. Cấu trúc có 3 dòng 5/7/5 chú trọng quý ngữ, từ chỉ các mùa và tính liên quan”. Thơ Haiku du nhập vào Việt Nam hơn 50 năm nay, cùng với quan hệ ngoại giao được hai nước ký kết năm 1973, Thơ Haiku Việt đã hình thành và phát triển.
Do đặc điểm về ngôn ngữ, tiếng Việt là tiếng đơn âm, nên thơ Haiku Việt được rút gọn còn ít nhất 5 âm tiết, không dài quá 17 âm tiết, cách ngắt dòng linh hoạt hơn, ý nhị, đằm thắm, súc tích, gợi mở, không giải thích, chủ yếu ghi lại sự việc xảy ra trước mắt, ở thì hiện tại. Điều này được thể hiện khá rõ nét ở Thơ Haiku Việt 3 miền. Với 435 khúc Haiku đã được Việt hóa một cách nhuần nhị, không kém phần tinh tế, tuy cách tiếp cận, cảm thức, rung cảm có khác nhau, nhưng đều chung sự ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên, tình yêu quê hương, đất nước, gia đình, dòng họ, cha mẹ, bạn hữu…, góp thêm một chuyện ngắn trong câu chuyện dài về Thơ Haiku Việt đang còn ở phía trước.
Thơ Haiku Việt 3 miền là món quà có ý nghĩa, ghi dấu mốc khó quên cuộc gặp mặt thân tình của những tâm hồn đồng cảm, nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị Việt - Nhật. Hy vọng từ đây, sẽ mở ra những hoạt động giao lưu mới thiết thực, từng bước nâng tầm các câu lạc bộ Thơ Haiku Việt 3 miền trong dòng chảy của thi ca Việt Nam thời hội nhập, đổi mới và phát triển, nhưng vẫn đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc...