Nơi ghi dấu chiến công anh hùng Cù Chính Lan

Anh hùng liệt sỹ Cù Chính Lan sinh năm 1930 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Song tên tuổi, những chiến công hiển hách của anh lại gắn liền với tỉnh miền núi Hòa Bình. Năm 1946, quân Pháp trở lại xâm lược nước ta, anh Cù Chính Lan khi đó mới 16 tuổi đã xin gia nhập Vệ quốc đoàn, tình nguyện lên đường đánh giặc.

Học sinh trường TH&THCS Bình Thanh (Cao Phong) quét dọn vệ sinh, chăm sóc, bảo vệ cây xanh tại khu di tích anh hùng Cù Chính Lan.

Tìm hiểu qua sách báo được biết, tháng 11/1951, thực dân Pháp mở rộng cuộc tấn công ra vùng tự do ở Hòa Bình với âm mưu nối lại "hành lang Đông - Tây” nhằm cắt đứt liên lạc của ta giữa Việt Bắc và Khu 3, Khu 4 để giành lại quyền chủ động trên chiến trường chính. Ở Hòa Bình, chúng thực hiện âm mưu thành lập "Xứ Mường tự trị”. Trước tình hình đó, T.Ư Đảng chỉ thị đánh địch trên cả hai mặt trận là Hòa Bình và sau lưng địch là đồng bằng Bắc Bộ. Ngày 24/11/1951, Tổng Quân ủy quyết định mở Chiến dịch Hòa Bình.

Trong chiến dịch này, ở trận Giang Mỗ (xã Bình Thanh, huyện Cao Phong) lần thứ nhất, ngày 7/12/1951, khi bố trí trận địa bị lộ, địch bắn dữ dội, Cù Chính Lan là người đi sau cùng, dùng súng máy bắn kiềm chế đối phương cho đơn vị rút, rồi quay lại tìm người bị thương, đưa đồng đội trở về đơn vị an toàn. Ngày 12/12/1951, cũng tại Giang Mỗ, khi quân địch lọt vào trận địa, cả đơn vị nổ súng quyết liệt, diệt gọn 1 đại đội. Lúc chuẩn bị rút quân thì xe tăng địch tiếp viện tới bắn dữ dội vào đội hình của ta, chặn đường rút và gây thương vong. Không do dự, với khẩu tiểu liên và quả lựu đạn, Tiểu đội trưởng Cù Chính Lan tách đội hình chạy bộ cắt đường, đuổi kịp chiếc xe tăng đi đầu. Anh nhảy lên xe tăng địch kề tiểu liên vào khe hở trên tháp xe bóp cò. Súng tiểu liên bị hóc đạn, chiếc xe vẫn vừa chạy vừa bắn. Cù Chính Lan tập trung hết lựu đạn của đồng đội rồi lại nhanh nhẹn nhẩy lên xe tăng địch, giật nắp quăng lựu đạn vào trong khoang điều khiển, địch trong xe nhặt lựu đạn ném ra và hốt hoảng lái xe chuyển hướng. Thời cơ diệt xe tăng địch ngay trước mắt, không thể để xe chạy thoát, Cù Chính Lan tiếp tục rút chốt lựu đạn, chờ cho xì khói đen vài giây rồi mới nhét vào buồng lái. Lựu đạn nổ, những tên giặc trong xe chết đè lên nhau, chiếc xe tăng mang nhãn hiệu "B2885498 USA” dừng ngay tại chỗ, trận đánh kết thúc thắng lợi.

Chiến thắng oanh liệt tại dốc Giang Mỗ với tinh thần anh dũng của anh Cù Chính Lan và các chiến sĩ Tiểu đoàn 353 - Trung đoàn 66 đã mở đầu phong trào đánh xe tăng phương tiện chiến đấu hiện đại của giặc Pháp bằng vũ khí thông thường.

Ngày 29/12/1951, khi tham gia trận đánh ác liệt trên đường 6 đoạn Lương Sơn - Hòa Bình. Trận này, mặc dù bị thương rất nặng nhưng anh Cù Chính Lan vẫn không rời trận địa, chỉ huy tiểu đội liên tiếp phá mở những lớp hàng rào dây thép gai vào lô cốt địch, dọn đường cho đồng đội lên tiêu diệt quân thù. Khi đồn Cô Tô của địch bị quân ta tiêu diệt hoàn toàn cũng là lúc anh trút hơi thở cuối cùng. Anh hy sinh khi vừa 21 tuổi. Ngày 19/5/1952, liệt sĩ Cù Chính Lan là 1 trong 7 người đầu tiên trên toàn quốc được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Ghi nhớ chiến công oanh liệt của anh, năm 1993, Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định công nhận địa điểm ghi dấu chiến công của Cù Chính Lan là di tích lịch sử quốc gia; năm 1994 khởi công xây dựng khu di tích, dựng Tượng đài Anh hùng diệt xe tăng.

Là người từng nhiều năm gắn bó với công tác Đội, cô giáo Nguyễn Thị Minh Thảo, trường TH&THCS Bình Thanh chia sẻ: Hàng năm, vào các ngày kỷ niệm lớn, nhà trường tổ chức lễ viếng, đặt hoa tại Đài tưởng niệm liệt sĩ xã Bình Thanh và trước tượng đài chiến công diệt xe tăng của anh hùng Cù Chính Lan. Liên đội phân công các chi đội, thiếu nhi nhận nhiệm vụ trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh, quét dọn vệ sinh khu di tích lịch sử. Có những năm, trường tổ chức lễ kết nạp đội viên và tổ chức báo công, trao thưởng cho học sinh có thành tích xuất sắc trong các đợt thi đua, các kỳ thi. Qua những hoạt động này giúp học sinh hiểu biết về chiến công của anh hùng Cù Chính Lan và khơi dậy lòng tự hào dân tộc, trân quý sự hy sinh xương máu của thế hệ cha anh. Từ đó góp phần giúp các em có ý chí vươn lên trong học tập, rèn luyện.

Thu Hiền

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/169285/noi-ghi-dau-chien-cong-anh-hung-cu-chinh-lan.htm