Nơi không chỉ có COVID-19
Chốt gác tại khu vực phong tỏa xóm Lẫm, xã Hòa Mỹ Tây. Ảnh: NGÔ THỊ PHÚNG
Ngay lúc này đây, cái tủ lạnh dành cho ngày giãn cách của gia đình đã đầy. Ngăn trên chất thịt cá, ngăn dưới ê hề rau quả. Bên cạnh là chồng bánh tráng trăm cái bọc ni lông, thùng mì gói nguyên kiện, vài trái bí đỏ, chai dầu, lọ nước tương, thùng gạo đầy có ngọn…
Nhờ kinh nghiệm của những lần giãn cách trước đây, làng tôi đã sống chung với dịch như vậy đó.
Làng quê bình yên như có bão
Làng quê có dịch, chuyện khó tin mà có thật. Cái làng quê hẻo lánh nằm phía tây Phú Yên, bốn mặt tiếp giáp với núi rừng trùng điệp. Ruộng ít, con cái càng lớn là bao việc phải chi tiêu. Những lúc nông nhàn việc ít, chẳng lẽ ngồi không chờ cái đói đến, vậy là rủ nhau đi làm ăn xa tứ chiếng. “Nghe nói con T làm phụ hồ mỗi ngày kiếm được vài trăm”. “Chú B bán vé số hàng tháng gửi tiền về cho mẹ sửa nhà”. “Chị C sáng sáng bán bánh canh nuôi con học hành tới nơi tới chốn…”.
Một đồn mười, mười đồn trăm. Làng vắng hẳn. Người người đi làm xa đến tết mới về, tay xách nách mang, tưng bừng, tấp nập. Và… cái con virus Corona cũng đeo bám theo về. Một anh thợ điện đi sửa đường dây bơm nước vào ruộng cho một người dân xóm Lẫm thuộc huyện Tây Hòa đã mang con virus chết người về làng. Vậy là lây nhiễm, hoảng loạn, nhốn nháo cả lên, làng quê bình yên như có bão. Tỉnh lập tức chỉ đạo việc truy vết, tách F0 ra khỏi cộng đồng. Chỉ thị 15, rồi Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng: giãn cách xã hội. Toàn bộ người dân trong xã phải ở nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết. Phong tỏa xóm Lẫm, hạn chế các hoạt động nhằm ngăn chặn dịch lây lan, tránh sự tiếp xúc giữa người với người.
Xóm Lẫm bị cách ly 15 ngày. Một hàng rào với những sợi dây mỏng manh đầy uy lực chắn ngang lối vào xóm, hàng ngày loa phóng thanh tuyên truyền mọi người dân ở yên trong nhà, thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế… Tuần cách ly đầu tiên, chẳng có gì phải lo! Dân quê, nhà nào chẳng vịt gà, rau cỏ đầy vườn. Làm gì phải lo đói. Nói cứng thế thôi, nhưng mà ăn mãi một món cũng ngán. Tuy rằng có hàng tiếp tế vào tận nơi, song tâm lý hoang mang, hoảng sợ ai mà chả có. Sợ lắm. Lần đầu bị phong tỏa cái gì cũng sợ. Sợ người đối diện với mình, sợ thức ăn họ đưa vào, sợ cái nắm tay, sợ cả ánh mắt ngờ vực, tránh né... Dịch bệnh quả là tàn khốc. Nó đào một cái hố ngăn cách giữa người với người. Nó làm cho guồng quay của cuộc sống khựng lại. Mọi công ăn việc làm đều dừng lại. Nhà bà Sáu bên cạnh đang xây lập tức ngừng hẳn. Ngôi nhà dang dở, gạch vữa ngổn ngang. Rẫy sắn anh Tâm cũng ngừng thu hoạch vì nhân công không có. Con đường làng mọi ngày tấp nập bây giờ mênh mông nắng, gió. Cái nắng sầm sập, oi ả của miền Trung khi vào hè dễ khiến con người ta cáu bẳn, khó chiều.
Đường quê thưa vắng. Quang gánh chiều qua vẫn còn lam lũ, giờ thờ ơ thanh thản góc nhà. Vắng bóng người, bóng xe cộ lại qua, con đường làng bỗng trở nên rộng thênh thênh đầy nắng. Ngõ quê vắng tiếng trẻ con ríu rít lúc chiều về, làng cứ như người già đi trước tuổi. Giữa cái nắng bỏng rát hầm hập, thấp thoáng bóng một vài chiếc áo xanh như người ngoài vũ trụ lướt qua. Những chiếc mặt nạ sùm sụp che kín mặt. Không khí ngột ngạt, bịt bùng. Nhóm thanh niên tình nguyện chở những thùng hàng cứu trợ có gắn băng rôn trên xe, mang theo sự chờ đợi của biết bao người.
Học cách thích nghi, lạc quan vượt qua đại dịch
Trong hiểm nguy, đời luôn bật đèn xanh cho sự sống. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Những việc làm thiện nguyện, những ánh mắt cảm thông, những sẻ chia đúng lúc… đã truyền năng lượng tích cực đến tất cả mọi người, vực họ đứng lên mà sống.
Hơn hai tháng trời “mắc dịch”, làng xóm quê tôi rảnh rỗi, “mùa nông nhàn” kéo dài từng ấy ngày. Kể cũng lạ, mấy chục năm trời khi đi làm tất bật, ai cũng mong rảnh rỗi tha hồ mà nghỉ ngơi, nghiền ngẫm sự đời. Nhàn rỗi trong cơn đại dịch thật là hoang phí. Hàng ngày, cứ dán mắt vào màn hình tivi để biết tình hình cả nước. Cái đau từ Bắc Giang, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh cứ quặn thắt từng cơn. Lướt Facebook để chia sẻ tin tức của bạn bè. Từ khóa “trực tuyến” trong những ngày dịch được cập nhật liên tục. Học trực tuyến, nhắc nhở dặn dò nhau trực tuyến, các cơ quan họp hành trực tuyến. Thời đại 4.0 có khác. Cái khó ló cái khôn, điện thoại phát huy tối đa công dụng. “A lô, nhà mình trồng rau mồng tơi nhiều quá, em có ăn không?”. “Ê! Mình đang cần sả để xông, bạn cho mình với!...”, “Nhưng làm sao vận chuyển đến nơi đây???”. “A! Có cách rồi! Cứ đem móc trước cửa ngõ, mình sẽ ra lấy sau. À, không được tiếp xúc đâu nhé! Không tiếp xúc, nhớ đấy!”.
Khoảng cách không gian dần xích lại. Rồi thăm hỏi, động viên, nhắc nhở, dặn dò nhau qua mạng xã hội. “Các bạn có ổn không?”. “Xóm Lẫm cố lên nhé!”. “Đợt test nhanh vừa rồi cả xóm đều âm tính”. Tốt quá rồi! Hoan hô xóm Lẫm! Xóm Lẫm chiến thắng! Có khi một câu đùa tếu táo mà xóa tan mọi căng thẳng giữa những ngày chống dịch. “Cả nhà ơi, có cá này ngon lắm, nhưng nhà xa biết làm sao đây?”. “Anh cứ thả cá xuống sông tự khắc nó sẽ trôi về nhà em thôi. Vì anh ở đầu sông em cuối sông kia mà”. “À, nói thầm nhé, mình sợ F0, F1 ít thôi, sợ nhất là FA (từ tiếng Anh viết tắt chỉ sự cô đơn). Haha… cười hết ga! Giãn cách gần hai tháng rồi, lâu quá! Lo bạc cả đầu”. “Đúng là chẳng lo gì, chỉ lo… già”.
Xóm Lẫm quê tôi trong những ngày dịch, họ đã sống như thế. Con virus đến làng tôi như một tai họa nhưng lại choàng lên làng một tấm áo yêu thương. Khi yêu thương nói lời sự sống, họ đã học cách thích nghi với đại dịch như một sự đương nhiên. Họ học cách sống lạc quan để vượt qua dịch bệnh.
Vẫn là nắng rạc người, vẫn là đêm quay quắt, nhưng con người nơi đây đã biết liên kết với nhau, sống có trách nhiệm, biết người biết mình, giữ cho mọi người bình yên. Họ luôn biết “trăm năm là hữu hạn” nên coi trọng sức khỏe, cảm nhận hạnh phúc đơn sơ từ những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt. Và còn biết bao người vẫn đang lặng lẽ “se chỉ luồn kim” khâu vá những vết thương mà COVID để lại.
Khi tôi viết những dòng này, vết thương COVID vẫn còn hằn sâu trong thôn cùng ngõ xóm. Làng quê vẫn hàng ngày cảnh giác với dịch COVID-19 lẩn khuất đâu đây. Cái con virus không cần hộ chiếu này chắc sẽ không thể biến mất hoàn toàn nên chúng ta phải sống chung, phải học cách thích nghi một cách tốt nhất. Cả làng tôi, người dân đã bắt đầu tiêm mũi vắc xin đầu tiên; hơn tháng sau lại tiêm tiếp mũi thứ hai...
Thời gian vẫn lặng lẽ trôi, sau này tôi sẽ thành người xưa, và con virus mong rằng cũng thành xưa nốt. Lũ con cháu ngồi nhớ lại chắc sẽ tự hào biết bao khi biết cha ông mình đã vượt qua đại dịch như thế, như thế. Chắc chúng sẽ ngỡ ngàng về cái ngày xưa ấy, ông bà ta đã có cách sống chung với dịch. Và chúng sẽ hiểu ra rằng những điều tuyệt vời nhất luôn đến từ những lúc khó khăn.
Dịch bệnh đã làm quê tôi mất đi nhiều thứ nhưng cũng đền đáp bằng những thứ khác. Nó làm con người mạnh mẽ hơn, đoàn kết hơn. Và thật hay, nó cũng đuổi được thói hư tật xấu ngàn đời không dễ bỏ ở quê tôi. Nhất là việc tập trung đông người, hát hò khổ tai hàng xóm; ăn uống gắp bỏ cho nhau bằng “đôi đũa cộng đồng”; uống chung một ly trong bàn tiệc, rồi tám chuyện mọi lúc mọi nơi dù biết thời giờ là vàng bạc... Đó không phải là mặt tích cực đó sao.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/417/268238/noi-khong-chi-co-covid-19.html