Nói không với khai thác hải sản bất hợp pháp
Trong những năm gần đây, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động, nên tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp của ngư dân đã cơ bản được kiểm soát.
Xem Video:
Từng vi phạm vùng biển nước ngoài do đánh bắt hải sản trái phép, nhưng hiện nay ông Huỳnh Hữu Đàm, ở xã Bình Châu (Bình Sơn) đã trở thành một tuyên truyền viên tích cực trong việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Ông Đàm thường xuyên phối hợp với Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân, tham gia cùng nghiệp đoàn nghề cá địa phương hỗ trợ ngư dân trong các hoạt động vươn khơi đánh bắt.
“Tôi đã từng vi phạm nên hiểu rất rõ những hậu quả của việc khai thác hải sản bất hợp pháp. Vì vậy, qua tuyên truyền, tôi khuyên bà con ngư dân khai thác hải sản đúng quy định, không vì lợi nhuận trước mắt mà đưa phương tiện ra vùng biển nước ngoài để khai thác”, ông Huỳnh Hữu Đàm chia sẻ.
Ba lần ra vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, thuyền trưởng Tiêu Viết Chánh ở xã Bình Châu (Bình Sơn) bị tịch thu 3 con tàu trị giá gần 10 tỷ đồng và bị nước bạn phạt tù. Thiệt đơn, thiệt kép do khai thác bất hợp pháp nên nhiều năm qua, ngoài việc chấp hành nghiêm quy định về hoạt động khai thác thủy sản, ngư dân Chánh còn tích cực vận động bạn nghề không đưa tàu thuyền đến nước bạn đánh bắt hải sản.
“Trước đây, tôi chỉ nghĩ đơn giản, ở đâu có nhiều cá, tôm thì đánh bắt nên nhiều khi có tình trạng khai thác "lấn" sang ngư trường nước bạn. Sau khi được chính quyền tuyên truyền, hướng dẫn tôi hiểu hơn về các quy định đánh bắt trên biển, lợi ích từ việc khai thác thủy hải sản có nguồn gốc. Quyền lợi thuộc về chính ngư dân nên những năm qua, mỗi lúc ra khơi chúng tôi thường bảo nhau phải thực hiện đánh bắt nghiêm túc tại các vùng biển cho phép, ghi nhật ký cụ thể, rõ ràng”, ngư dân Tiêu Viết Chánh cho hay.
Không chỉ ông Đàm, ông Chánh mà hiện nay ngư dân trên địa bàn tỉnh đều nói không với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp. Ngư dân cũng đã nhận thức đầy đủ và tuân thủ nghiêm quy định pháp luật trong quá trình khai thác hải sản trên biển.
Trung tá Lâm Văn Viễn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Sa Kỳ cho biết, nhờ tích cực tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương và cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng nên các phương tiện và người dân trên khu vực biên giới biển do đơn vị phụ trách có chuyển biến rõ rệt trong việc khai thác hải sản có trách nhiệm.
Đặc biệt, người dân đã nắm được các quy định về vi phạm IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định); đồng thời đã đưa nhận thức của mình vào trong quá trình hành động, cho nên đến nay bà con đã chấp hành nghiêm quy định về chống khai thác IUU.
Theo ngư dân Đinh Văn Bảy, thuyền trưởng tàu cá QNg 98240 TS, thời gian qua, tàu của ông không xâm phạm vùng biển nước ngoài. Bởi ông ý thức rằng, khi tàu cá vi phạm vùng biển các nước, không chỉ bị bắt giữ, phạt tù, phạt tiền, tịch thu tàu... mà còn ảnh hưởng đến việc gỡ “thẻ vàng” mà Việt Nam đang nỗ lực. Ngư dân Bảy mong rằng, Việt Nam sớm được gỡ “thẻ vàng” để nghề khai thác thủy sản phát triển bền vững, doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi. Khi đó, giá cá sẽ được thu mua ổn định, ngư dân vươn khơi bám biển lâu dài.
“Tàu của tôi chuyên hành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương (cá bò gù), nếu khai thác, đánh bắt bất hợp pháp thì không thể xuất khẩu cá được. Cho nên, tôi phải chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước khi đánh bắt trên biển. Tôi cũng mong bà con ngư dân tuân thủ các quy định, không khai thác trái phép để sớm gỡ được “thẻ vàng”, khi đó đời sống của bà con sẽ được nâng lên”, ngư dân Đinh Văn Bảy bày tỏ.
Từ năm 2017, Ủy ban Châu Âu (EC) áp “thẻ vàng” cảnh cáo do các hành vi khai thác, đánh bắt bất hợp pháp của ngư dân Việt Nam đang tác động tiêu cực đến ngành thủy sản. Do đó, cùng với các địa phương trong cả nước, tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để EC sớm gỡ “thẻ vàng” IUU cho Việt Nam. Cùng với sự nỗ lực cả hệ thống chính trị thì sự đồng hành của ngư dân chính là “chìa khóa” quan trọng để chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, từng bước xây dựng nghề cá bền vững, có trách nhiệm, hội nhập quốc tế.
Thực hiện: K.TOÀN – B.NGỌC