Nói không với túi nylon, đồ nhựa sử dụng một lần
Hiện nay, từ chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa đến các siêu thị đều sử dụng túi nylon để đựng hàng hóa, đồ ăn, thức uống cho khách hàng,... Dẫu biết sử dụng túi nylon, đồ nhựa sử dụng một lần sẽ không tốt cho sức khỏe, ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên nhưng nhiều người vẫn chọn dùng bởi sự tiện lợi, giá thành thấp.
Túi nylon xuất hiện tràn lan ở các chợ
Vào các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, dễ dàng bắt gặp hình ảnh người tiêu dùng “tay xách, nách mang” với đủ loại túi nylon đựng thực phẩm, hàng hóa. Ở các quầy bán cá, rau,... khách hàng mua 1 - 2 con cá, vài trái ớt, hành, ngò,... cũng được tiểu thương cho vào túi nylon.
Bà T.T.X. (phường Khánh Hậu, TP.Tân An, tỉnh Long An) xách lỉnh kỉnh nhiều túi nylon chứa rau, cải, hành lá, thịt, cá,… treo lên xe. Có người hỏi sao bà không kêu người bán đựng thịt, cá chung 1 túi; rau, cải, hành lá chung 1 túi, bà nói đựng riêng mỗi loại 1 túi sẽ tiện lợi hơn, bởi về nhà nếu chế biến một lần không hết, có thể để thực phẩm thừa trong túi nylon và bỏ vào tủ lạnh bảo quản, đỡ phải dùng hộp.
Theo bà N.M.T. - tiểu thương chợ phường 2, TP.Tân An, mỗi ngày, bà sử dụng hơn 1kg túi nylon để đựng hàng hóa cho khách hàng. Tùy theo mặt hàng nặng hay nhẹ mà sử dụng các loại túi nylon với kích cỡ, độ dày, mỏng khác nhau. Bà thường sử dụng túi nylon loại dày, dai, dẻo để không bị đứt, rách làm đổ, vỡ, hư hỏng hàng hóa của khách hàng.
“Tôi cũng biết sử dụng nhiều túi nylon đựng thực phẩm về lâu dài sẽ không tốt cho môi trường, sức khỏe người tiêu dùng nhưng hiện nay, hầu hết khách hàng yêu cầu như vậy bởi sự gọn, nhẹ của túi nylon. Thậm chí, khi bán, tôi cố tình bỏ củ hành tím, tỏi chung 1 túi nylon và khoai mỡ, khoai lang chung 1 túi nhưng khách không chịu, đòi phải đựng riêng. Buôn bán mà sử dụng nhiều túi nylon, tiểu thương sẽ không có lãi, bởi hiện tại, giá túi nylon cũng cao (dao động từ 30.000 - 40.000 đồng/kg), trong khi khách hàng mua có 2 - 3 củ tỏi mà cũng phải tốn 1 cái túi nylon” - bà N.M.T. bộc bạch.
Ở Việt Nam, trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có hơn 30 tỉ túi nylon. Trung bình, mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng khoảng 1kg túi nylon/tháng. Hơn 80% số đó đều bị thải bỏ sau khi sử dụng 1 lần.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, rác thải nhựa như túi nylon, ly nhựa, ống hút nhựa,... chỉ sau ít phút sử dụng sẽ bị vứt bỏ ra môi trường và phải mất từ 400-1.000 năm mới có thể phân hủy. Ngay cả khi được chôn lấp lẫn vào đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước và dinh dưỡng, ngăn cản oxy đi qua đất, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng, cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động, thực vật. Vì vậy, nếu không có những giải pháp kịp thời thì rác thải nhựa sẽ tác động nghiêm trọng đến môi trường cũng như làm tổn hại đến sức khỏe con người.
Chung tay loại bỏ rác thải nhựa
Trước vấn nạn rác thải nhựa đang đe dọa toàn cầu, để nói không với túi nylon và sản phẩm nhựa dùng một lần, hiện các địa phương trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tiểu thương ở các chợ truyền thống dần chuyển từ sử dụng túi nylon thông thường sang túi nhựa tự hủy thân thiện với môi trường. Các nhà hàng, quán ăn nhỏ, quán cà phê, nước giải khát,... từng bước thay thế đồ nhựa dùng một lần sang đồ dùng bằng giấy.
Theo Chủ tịch UBND TP.Tân An - Nguyễn Minh Hùng, với sự hỗ trợ của Tổ chức WWF - Việt Nam, UBND thành phố đã ký kết tham gia xây dựng đô thị giảm nhựa trong mạng lưới đô thị giảm nhựa của cả nước. Gia nhập mạng lưới này, địa phương sẽ được Tổ chức WWF hỗ trợ về kỹ thuật để xây dựng kế hoạch hành động, hỗ trợ truyền thông và trở thành một điển hình thực hành tốt về chống rác thải nhựa. Đến nay, TP.Tân An đã xây dựng kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đến năm 2030, thường xuyên tuyên truyền trên đài phát thanh của thành phố và các xã, phường. Qua đó, góp phần vận động các tiểu thương, người dân dùng túi nylon tự hủy, túi làm từ nguyên liệu thân thiện môi trường để giảm thiểu rác thải nhựa.
Trưởng ban Công tác Thanh niên Tỉnh đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh - Lê Thị Hồng Kết cho biết: Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn phát động phong trào "Chống rác thải nhựa" trên địa bàn toàn tỉnh với sự tham gia trực tiếp của đông đảo đoàn viên, thanh niên và người dân. Theo đó, cán bộ Đoàn các cấp chủ động vận động gia đình, người thân từ bỏ hành vi, thói quen sử dụng túi nylon khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường.
Thông tin từ UBND tỉnh, hàng năm, tỉnh đều chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch truyền thông bảo vệ môi trường, đặc biệt phối hợp liên tịch với Hội Luật gia, Hội Người cao tuổi, Hội Nạn nhân chất độc da cam, Hội Nông dân, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tỉnh đoàn tuyên truyền đến người dân, học sinh về hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nhựa. Bên cạnh đó, UBND tỉnh phối hợp Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn tại phường 3, TP.Tân An. Trên cơ sở kết quả đã đạt từ dự án, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thị xã và thành phố xây dựng kế hoạch nhằm thực hiện phân loại rác tại nguồn để nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh./.
Đến năm 2026, phải nói không với túi nylon
Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp lý nhằm quản lý chất thải nhựa. Tháng 6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phát động chương trình chống rác thải nhựa trên toàn quốc, đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, cả nước không dùng túi nylon, đồ nhựa dùng một lần; sau ngày 31/12/2030 sẽ dừng sản xuất sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Chính phủ cũng ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 với các hướng dẫn và mục tiêu cụ thể. Với nền tảng này, đến năm 2026, các siêu thị, nhà bán lẻ có đủ thời gian để chuẩn bị và chuyển sang “nói không với túi nylon”. Việc giảm thiểu, tiến tới không sử dụng túi nylon dùng một lần là cần thiết, thể hiện cam kết của doanh nghiệp trong nỗ lực giảm nhựa.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/noi-khong-voi-tui-nylon-do-nhua-su-dung-mot-lan-a139787.html