Nối lại hội nghị giao thương trực tiếp Việt – Trung sau 3 năm đại dịch
Sau 3 năm gián đoạn do đại dịch Covid-19, lần đầu tiên Việt Nam và Trung Quốc tổ chức hội nghị giao thương trực tiếp, kết nối hợp tác doanh nghiệp 2 nước.
Sáng 12/1, tại Hà Nội, Đoàn đại biểu kinh tế thương mại Quảng Tây (Trung Quốc) cùng với Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương phối hợp tổ chức “Hội nghị giao thương hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc (Quảng Tây) – Việt Nam”.
Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Đoàn Đại biểu kinh tế thương mại Quảng Tây do Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Tây Điêu Vệ Hồng dẫn đầu, để thực hiện một loạt hoạt động kinh tế thương mại từ ngày 10 – 13/1.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi Tô Ngọc Sơn nhận định, Quảng Tây là cửa ngõ quan trọng trong hợp tác kinh tế Việt Nam – Trung Quốc, ASEAN – Trung Quốc. Trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong giao lưu hữu nghị và hợp tác kinh tế, thương mại trên các lĩnh vực.
Hiện Việt Nam đã duy trì là nước đối tác thương mại lớn nhất của tỉnh Quảng Tây trong 23 năm liên tiếp, kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu của hai bên đã đạt 200 tỷ nhân dân tệ. Kim ngạch thương mại hai bên cũng đóng vai trò quan trọng trong tổng thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, chiếm khoảng 25 tỷ USD.
Phó Vụ trưởng Tô Ngọc Sơn
Về phía ông Điêu Vệ Hồng – Phó Giám đốc Sở Thương mại Quảng Tây đánh giá, hội nghị sẽ là cơ hội hiếm có để doanh nghiệp chủ động tích cực trao đổi, xây dựng quan hệ hợp tác lâu dài, tạo động lực mới cho hai bên.
“Hiện nay, quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa tỉnh Quảng Tây và Việt Nam đã bước vào giai đoạn nâng cấp quan trọng. Chúng tôi mong muốn tận dụng cơ hội chuyến thăm Việt Nam lần này, với trọng điểm là thảo luận về hợp tác, xây dựng cơ chế, xúc tiến thương mại, với mục tiêu quảng bá 'Trạng thái Quảng Tây, Thực lực Quảng Tây' đến phía Việt Nam”, địa diện Sở Thương mại Quảng Tây cho biết.
Đến hiện tại, tỉnh Quảng Tây đã ghi nhận hoặc phê duyệt tổng số 181 doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam (loại hình phi tài chính). Tổng số tiền đầu tư theo cam kết của Trung Quốc là 1,26 tỷ USD, tổng vốn đầu tư thực tế là 140 triệu USD. Các doanh nghiệp Quảng Tây ký kết hợp đồng công trình với doanh thu hoàn thành lũy kế là 1,09 tỷ USD.
Ngược lại, Việt Nam đã thành lập tổng cộng 57 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Quảng Tây với tổng vốn đầu tư nước ngoài theo hợp đồng là 184 triệu USD.
Đánh giá về tiềm năng hàng hóa Việt Nam tại Quảng Tây thời gian tới, Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh Nguyễn Hữu Quân cho biết, Quảng Tây có đường biên giới dài với nhiều cửa khẩu quốc tế với Việt Nam. Do vậy, tỉnh vẫn là cửa ngõ quan trọng đối với hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, là cửa ngõ giúp hàng hóa Việt thâm nhập sâu vào nội địa của quốc gia này. Ngoài những mặt hàng công nghiệp chế biến thì nhóm nông sản, thủy sản vẫn là những mặt hàng trọng điểm, có tiềm năng.
Với mục tiêu tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Quảng Tây trong thời gian tới, Phó Vụ trưởng Tô Ngọc Sơn đã đưa ra ba kiến nghị. Bao gồm, phía Quảng Tây, hải quan Nam Ninh cần phối hợp với các cơ quan sớm hoàn thành quy trình, quy định về người, hàng hóa, tạo điều kiện tối đa về hoạt động thông quan, khôi phục thông quan như trước đại dịch.
Đồng thời, hiện tại hàng hóa thông quan tại lạng Sơn đang tăng nhanh do cận kề Tết cổ truyền, điều này vô tình tạo áp lực lớn đối với cơ sở hạ tầng và cán bộ của hai bên. Doanh nghiệp hai nước cần tận dụng thông quan tại các cửa khẩu trên địa bàn khi ngoài Lạng Sơn còn có các tỉnh khác như Quảng Ninh, Cao Bằng có thể thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc.
Cuối cùng, doanh nghiệp cần làm tốt công tác chất lượng sản phẩm, tăng cường công tác thông tin, quy định đối với sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc.
Về phía Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Trưởng ban Quan hệ Quốc tế VCCI bà Trương Thị Bích Ngọc mong muốn Trung Quốc nói chung và tỉnh Quảng Tây nói riêng có chính sách và biện pháp hữu hiệu để cải thiện hơn nữa tình trạng nhập siêu của Việt Nam, tạo điều thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản của Trung Quốc.