Nỗi lo an toàn thực phẩm bếp ăn trường học
An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các bếp ăn tập thể của trường học đang là mối quan tâm của toàn xã hội. Tuy nhiên thực tế cho thấy, tại nhiều trường học, việc đảm bảo ATVSTP đang là vấn đề rất đáng lo ngại khi liên tiếp nhiều vụ ngộ độc tập thể xảy ra.
An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các bếp ăn tập thể của trường học đang là mối quan tâm của toàn xã hội. Số lượng học sinh bán trú ngày càng tăng, đòi hỏi việc tuân thủ các quy định pháp luật về ATVSTP ở các bếp ăn tập thể là rất quan trọng. Tuy nhiên thực tế cho thấy, tại nhiều trường học, việc đảm bảo ATVSTP đang là vấn đề rất đáng lo ngại khi liên tiếp nhiều vụ ngộ độc tập thể xảy ra.
Vi phạm nhiều
Vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) tại Trường Ischool Nha Trang mới đây làm hơn 600 học sinh và giáo viên phải nhập viện điều trị, trong đó có 1 học sinh tử vong khiến tâm lý phụ huynh vô cùng hoang mang. Đây là vụ NĐTP trong trường học nghiêm trọng nhất với số người mắc rất cao. Thực tế, tại một số địa phương, các vụ NĐTP ở trường học với hàng chục học sinh phải nhập viện vẫn thường xảy ra.
Mới đây, nhiều phụ huynh có con đang theo học tại trường Tiểu học Ngô Sĩ Kiện (huyện Thanh Trì, Hà Nội) phản ánh con em mình bị đau bụng, buồn nôn và có những triệu chứng nghi do NĐTP sau khi ăn bữa cơm trưa tại trường ngày 19-9. Tuy nhiên, phía nhà trường không kiểm tra, xử lý, thậm chí mẫu lưu thực phẩm ngày 19-9 bị nhà trường hủy bỏ, mặc cho phụ huynh báo cáo nghi ngờ thực phẩm có vấn đề…
Theo Bộ Y tế, tính đến hết tháng 10-2022, cả nước xảy ra 43 vụ NĐTP làm 581 người bị ngộ độc, trong đó 11 người tử vong. Năm 2021, toàn quốc ghi nhận 81 vụ NĐTP làm 1.942 người mắc và 18 trường hợp tử vong. Đối với các vụ NĐTP xảy ra tại các bếp ăn tập thể, thống kê trong giai đoạn 2010-2020, trung bình mỗi năm xảy ra 15 vụ với trên 1.130 người mắc và khoảng 1.000 người nhập viện.
Hơn 2 năm qua, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số vụ NĐTP tập thể giảm nhưng đầu năm 2022 tới nay, số vụ ngộ độc tập thể có chiều hướng gia tăng. Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết, nguy cơ gây NĐTP tại bếp ăn tập thể là do sử dụng các nguyên liệu, thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, khâu vận chuyển, bảo quản thực phẩm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh và cung cấp suất ăn công nghiệp không đảm bảo an toàn. Qua kiểm tra, khoảng 70% số vụ NĐTP là do sử dụng suất ăn từ nơi khác vận chuyển đến.
Quản lý, giám sát còn hạn chế
Theo tìm hiểu của phóng viên, mặc dù tại TPHCM, Hà Nội và nhiều địa phương khác đều có quy định đại diện phụ huynh học sinh tham gia giám sát ATVSTP đối với bữa ăn bán trú tại trường học, nhưng lâu nay, do thời gian, giờ giấc giao nhận thực phẩm thường rất sớm nên đa phần phụ huynh rất khó tham gia, đành phó mặc việc giám sát cho nhà trường.
Nhiều bậc phụ huynh băn khoăn khi không nhận được thông tin về thực đơn của con trong bữa ăn bán trú. Chỉ khi nghe con kể mới biết các con ăn gì, có ăn hết suất không, vấn đề đảm bảo VSATTP càng ít thông tin. Hầu hết trường học không có cán bộ chuyên môn giám sát ATVSTP đối với bữa ăn bán trú, nên cơ bản cũng chỉ giám sát qua quan sát trực quan và giấy phép.
Thống kê của Bộ GD-ĐT, cấp tiểu học hiện có khoảng 5.000/15.000 trường tổ chức bữa ăn học đường cho học sinh, trong đó hơn 3.300 trường học có bếp ăn, còn lại dùng suất ăn công nghiệp. Tuy vậy, gần 40% số trường có bếp ăn tập thể, căngtin chưa đảm bảo yêu cầu VSATTP, việc quản lý và giám sát bữa ăn học đường còn nhiều hạn chế.
Ông Đặng Thanh Phong, Chi Cục trưởng ATTP Hà Nội, cho biết, Hà Nội hiện có khoảng 4.350 bếp ăn tập thể trường học, trong đó 3.911 trường tự tổ chức nấu ăn, 353 trường ký hợp đồng với nhà thầu cung cấp dịch vụ ăn uống. Từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã thành lập hơn 900 đoàn thanh kiểm tra, giám sát VSATTP tại 4.493 bếp ăn tập thể trường học và bếp ăn tập thể khu công nghiệp, xử lý vi phạm hành chính 10 cơ sở. Những vi phạm chủ yếu với các bếp ăn tập thể là sử dụng nguyên liệu, thực phẩm không rõ nguồn gốc, quy trình chế biến chưa đảm bảo…
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TPHCM, năm học 2021-2022, ban đã kiểm tra 1.708 cơ sở có bếp ăn tập thể, căn tin trường học và năm học 2022-2023 đã thanh, kiểm tra 2.231 cơ sở. Kết quả có 2 cơ sở bị phát hiện vi phạm. Hiện Ban Quản lý ATTP đang kết hợp với các trường đẩy mạnh tập huấn cho cán bộ, công nhân viên chức thực hiện công tác kiểm tra VSATTP; khuyến khích các trường, đơn vị cung cấp suất ăn cho trường học sử dụng nguyên liệu từ đơn vị có giấy chứng nhận chất lượng; kiến nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở cung cấp suất ăn cho trường học tại TPHCM...
Phụ huynh đồng hành giám sát
Tại Trường Mầm non Bến Thành (quận 1), để đảm bảo chất lượng VSATTP cho học sinh, nhà trường luôn ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp thực phẩm có giấy kiểm định chất lượng VSATTP như ISO, VietGAP. Hồ sơ về nguồn cung thực phẩm được Phòng GD-ĐT thường xuyên kiểm tra, giám sát. Hàng ngày, khâu tiếp phẩm tại trường có sự tham gia của 1 phó hiệu trưởng, nhân viên y tế, nhân viên cấp dưỡng và đại diện bên giao hàng, kiểm tra chất lượng thực phẩm.
Tại Trường THCS Minh Đức (quận 1), từ gợi ý của phụ huynh, trường tổ chức khảo sát lấy ý kiến học sinh, cho các em bình chọn món ăn yêu thích trong tuần, từ đó có sự tính toán, điều chỉnh thực đơn sao cho vừa hợp khẩu vị học sinh vừa đảm bảo yêu cầu về dinh dưỡng. Hàng năm, nhà trường đều tổ chức cho phụ huynh vào trường tham gia giám sát các khâu tiếp phẩm, sơ chế và chế biến thức ăn, cuối cùng là vận chuyển suất ăn đến học sinh.
THU TÂM
Bất an thực phẩm trước cổng trường
Tại Trường THCS Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TPHCM), trước cổng trường, hàng rong bày bán khá nhiều từ bánh kẹo đến nước giải khát, nhiều loại không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng. Thậm chí, có cả món ăn vặt, kẹo dẻo toàn chữ nước ngoài không rõ nơi sản xuất. Còn trước cổng Trường Đại học Luật TPHCM (quận 4) cũng diễn ra tình trạng bán hàng rong. Lề đường thành nơi bán hàng. Ngoài nguồn thực phẩm không đảm bảo VSATTP, vấn đề rác thải cũng khiến nhiều người đau đầu.
Bác sĩ Dương Thị Kim Loan, Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM, cho biết, việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, quy trình chế biến không đảm bảo an toàn hoặc thực phẩm chưa qua kiểm định, bảo quản không đúng cách rất dễ dẫn đến NĐTP. Có nhiều loại vi sinh vật gây NĐTP như vi khuẩn tả, vi khuẩn thương hàn, vi khuẩn lỵ, vi khuẩn E.coli và vi nấm. Nếu sử dụng phải những loại thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn, người dùng sẽ bị NĐTP; và nếu không xử trí kịp thời, có thể gây nguy hiểm tính mạng.
KIM HUYỀN
Cẩn trọng cho sức khỏe
Sáng 23-11, theo ghi nhận của chúng tôi, quanh Chợ Kim Biên, hoạt động pha chế, sang chiết hóa chất nhộn nhịp. Tại đây, có hàng chục gian hàng buôn bán các loại hóa chất, phụ gia công nghiệp, hương liệu thực phẩm sử dụng trong sinh hoạt đến hóa chất độc hại, nguy hiểm. Tại các gian hàng, mọi hoạt động mua bán được trao đổi miệng, không hóa đơn, chứng từ chứng minh xuất xứ nguồn gốc. Ngoài hóa chất công nghiệp, thế giới hương hiệu, phụ gia thực phẩm cũng sôi động không kém.
Tại quầy phụ gia thực phẩm, khi hỏi mua nguyên liệu làm trà sữa, chúng tôi được chủ cửa hàng giới thiệu: combo trà sữa 120.000 đồng/túi, mùi hương 10.000 đồng/lọ, mỗi túi nấu được khoảng 60-80 lít trà sữa. Tại một gian khác, khi hỏi mua các loại hương liệu nấu phở bò, chủ gian hàng đưa 1 gói nhỏ màu trắng giới thiệu: chỉ cần bỏ gói này trong nồi nước là có mùi thơm phở bò, nước ngọt thanh không cần hầm xương. Ông N.C., làm nghề chạy xe ôm trước cổng chợ, cho biết, thời gian qua, báo chí phản ảnh khá nhiều về hoạt động mua hóa chất dễ dàng tại chợ Kim Biên, nên hiện nay các tiểu thương rất cảnh giác với người lạ, có người chụp ảnh, quay phim là có người bảo kê tới ngăn cản hoặc đuổi đi.
BÙI TUẤN
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//noi-lo-an-toan-thuc-pham-bep-an-truong-hoc-858753.html