Nỗi lo an toàn thực phẩm ở chợ nông thôn

Vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ nông thôn luôn được người dân quan tâm, nhưng thời gian qua vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến. Đặc biệt, do các mặt hàng tươi sống bán lẫn cùng thực phẩm chế biến sẵn, cộng với thời tiết nắng nóng như hiện nay rất dễ lây lan mầm bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng… Bởi vậy, kiểm soát an toàn các mặt hàng nông sản, thực phẩm tại chợ nông thôn đang là vấn đề cấp thiết.

Việc kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ ngoại thành Hà Nội là rất cần thiết. Ảnh: Khánh Huy

Nguy cơ phát sinh mầm bệnh

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànôịmới tại các chợ: Chợ Cao, chợ Chuông (huyện Thanh Oai); chợ Đông Phương Yên, chợ Gốt (huyện Chương Mỹ); chợ Cầu, chợ Phùng (huyện Đan Phượng)... đều có chung tình trạng là thực phẩm chế biến sẵn để "lộ thiên" bị ruồi nhặng bâu kín, lại đặt sát hàng bán thực phẩm tươi sống; rau, củ, quả đặt ngay dưới nền đất. Chưa kể, một số tiểu thương dùng tay trần để bốc các loại đồ ăn chín như bún, bánh rán, xôi... bán cho khách. Trong khi đó, theo Luật An toàn thực phẩm, người trực tiếp bán hàng phải đội mũ, đeo găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, chế biến sẵn.

Bà Nguyễn Thị Khuê, xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) chia sẻ: "Chợ Chuông chỉ có duy nhất khu bán thịt lợn, bò, gà... là có kệ bày thực phẩm; các loại hàng hóa khác như rau, củ, quả đều bày dưới nền đất hoặc để tạm bợ trên giấy, bao bì. Nhiều mặt hàng chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng chúng tôi vẫn phải mua".

Chủ tịch UBND xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) Phạm Việt Hùng cho biết, chợ Chuông trên địa bàn xã họp trong khuôn viên đình và chùa của làng nên cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế. Hệ thống thoát nước thải chưa được đầu tư hợp lý; các quầy bán hàng còn đơn sơ, quầy bán thực phẩm tươi sống vẫn bán cạnh một số quán bán đồ ăn sáng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh mầm bệnh.

Còn Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ) Phan Ngọc Huấn cho hay: Mặc dù xã đã yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết bán các sản phẩm hàng hóa phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tuy nhiên, người dân vẫn chưa chấp hành nghiêm.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát, vấn đề quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ nông thôn hiện gặp nhiều khó khăn do các hộ kinh doanh trong chợ nhỏ lẻ; nhiều hộ mang rau, củ, quả hoặc gà, vịt của gia đình trồng và nuôi được ra chợ bán. Trong khi cán bộ quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ở địa phương cũng như Ban Quản lý các chợ vừa thiếu, vừa hạn chế về chuyên môn. Đặc biệt, hạ tầng các chợ ở khu vực nông thôn đều xuống cấp do các địa phương thiếu kinh phí đầu tư xây dựng, ảnh hưởng đến bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hàng hóa bày bán tại nhiều chợ nông thôn chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Kết hợp nhiều giải pháp

Để giải quyết những tồn tại, hạn chế đang đặt ra, nhằm ngăn ngừa các mầm bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ) Phan Ngọc Huấn cho rằng: Hiện tại, khi các địa phương xây dựng nông thôn mới đều có đề án cải tạo hoặc xây mới chợ nông thôn, nhưng do thiếu kinh phí nên không thể triển khai. Vì vậy, các sở, ngành cần tham mưu với thành phố có chính sách hỗ trợ kinh phí để địa phương cải tạo chợ nông thôn thành chợ an toàn thực phẩm kết hợp đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang. Trong đó, vấn đề cần quan tâm là có hệ thống xử lý nước thải riêng, xây dựng các kệ bán hàng cho tiểu thương, bố trí khu vực bán thực phẩm tươi sống và thực phẩm chín riêng biệt để bảo đảm vệ sinh môi trường…

Còn Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát cho rằng, cần tăng cường mở các lớp tập huấn về kiến thức an toàn thực phẩm cho cán bộ Ban Chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm cấp xã cũng như Ban Quản lý các chợ. Đặc biệt, tăng trách nhiệm của Ban Quản lý chợ; đồng thời rà soát chức năng, nhiệm vụ để có quy định sát thực tiễn hơn...

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, cùng với chính sách hỗ trợ địa phương xây dựng chợ an toàn thực phẩm ở các vùng nông thôn, trước mắt, Ban Quản lý chợ phải thực hiện nghiêm túc các quy định, bố trí sắp xếp các gian hàng tươi sống ở một khu, đồ chế biến sẵn ở một khu riêng biệt. Riêng đồ chế biến sẵn yêu cầu tiểu thương phải để trong tủ kính hoặc che đậy tránh côn trùng, đeo găng tay khi bán cho khách hàng. Mặt khác định kỳ và đột xuất thực hiện thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ nông thôn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và góp phần ngăn chặn dịch bệnh. Do vậy, giải quyết mối lo vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ nông thôn là vấn đề cấp thiết, cần được các cấp chính quyền lưu tâm, nhất là trong điều kiện nắng nóng như hiện nay.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/968561/noi-lo-an-toan-thuc-pham-o-cho-nong-thon