Nỗi lo an toàn trái cây nhập khẩu giá rẻ, không nguồn gốc
Tại các khu chợ, tuyến đường đông dân sinh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, không khó để bắt gặp hình ảnh xe đẩy, sạp trái cây bày bán nho tím, lê vàng, táo, dâu tây hay quýt với giá rẻ bất ngờ.

Trái cây nhập khẩu bán tại chợ dân sinh phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút du khách bằng mẫu mã đẹp mắt và giá rẻ. (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)
Trái cây nhập khẩu đang được bày bán tràn lan từ các cửa hàng nhỏ, chợ dân sinh đến xe đẩy dọc vỉa hè ở Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút người tiêu dùng nhờ giá rẻ, mẫu mã bắt mắt, chủng loại đa dạng.
Tuy nhiên, phần lớn trong số đó lại không có tem nhãn, hóa đơn hay bất kỳ giấy tờ chứng minh nguồn gốc nào.
Việc tiêu thụ sản phẩm không kiểm soát này đang đặt ra nhiều lo ngại về an toàn thực phẩm.
Hàng nhập không rõ nguồn gốc vẫn "đắt khách"
Tại các khu chợ, tuyến đường đông dân sinh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, không khó để bắt gặp hình ảnh xe đẩy, sạp trái cây bày bán nho tím, lê vàng, táo, dâu tây hay quýt với giá rẻ bất ngờ.
Nhiều loại trái cây gắn mác "hàng nhập khẩu" nhưng không hề có tem truy xuất hay bao bì rõ ràng.
Một kg nho mẫu đơn có giá chỉ từ 80.000-90.000 đồng, trong khi lê, táo, quýt được bán với mức 30.000-50.000 đồng/kg, rẻ hơn nhiều so với giá bán trong siêu thị.
Dừng xe bên cạnh một xe đẩy bán nho tím trên phường Tân Thuận (Thành phố Hồ Chí Minh), chị Nguyễn Ngọc Huyền cho biết: "Tôi cũng không biết rõ nguồn gốc, nhưng thấy tươi, giá hợp lý thì mua. Vào siêu thị đắt gần gấp đôi, với mức lương công nhân, mình không dám chi."
Không chỉ người mua, nhiều tiểu thương cũng lựa chọn nhập hàng không hóa đơn do giá rẻ, dễ bán. Anh Thắng, người bán trái cây trên đường Phạm Hữu Lầu (phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh), cho biết: "Trái cây nhập khẩu dễ hút khách vì đẹp, đa dạng, lại sẵn hàng. Hàng Việt theo mùa, không ổn định. Nhiều loại như dâu, nho, kiwi, táo, lê... vừa để ăn hằng ngày, vừa làm quà biếu, nhìn sang mà giá lại không quá cao."
Tuy nhiên, anh Thắng cũng thừa nhận nguồn hàng chủ yếu lấy từ các mối quen, không có hóa đơn hay giấy chứng nhận xuất xứ.
"Người mua ít ai hỏi. Mình bán ngoài đường, có tem nhãn hay không họ cũng không quan tâm," anh nói thêm.

Nếu không nhìn kỹ, người tiêu dùng sẽ nhầm lẫn giữa quýt giống Úc nguồn gốc từ Australia hay từ Vân Nam, Trung Quốc. (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2024, Việt Nam chi khoảng 2,4 tỷ USD để nhập khẩu trái cây, trong đó, Trung Quốc chiếm hơn 41%, tương đương gần 1 tỷ USD.
Riêng 6 tháng đầu năm 2025, trái cây Trung Quốc nhập về đạt 402 triệu USD, chiếm 33,5% tổng kim ngạch nhập khẩu trái cây, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2024 (cùng kỳ năm 2024 là 397 triệu USD).
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, lý giải Trung Quốc có lợi thế về khoảng cách địa lý, thời gian vận chuyển ngắn nên giá thành cạnh tranh hơn nhiều so với các nước khác. Điều này khiến trái cây từ thị trường này được ưa chuộng, đặc biệt ở phân khúc thu nhập trung bình và thấp.
Lo ngại về hàng không kiểm định
Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường), trái cây nhập khẩu chính ngạch đều phải qua kiểm dịch thực vật, kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản...
Tuy nhiên, trái cây nhập tiểu ngạch thường "đi vòng" qua các lối mòn, kho hàng nhỏ lẻ, lại không chịu bất kỳ quy trình kiểm tra nào.
Các loại trái cây này dễ dàng len lỏi vào thị trường thông qua các mối buôn, được bán lại cho tiểu thương nhỏ lẻ, xe đẩy, chợ cóc.
Việc vận chuyển không đúng điều kiện bảo quản cũng khiến nguy cơ hư hỏng, nhiễm khuẩn, tồn dư hóa chất càng tăng cao.
Lực lượng chuyên ngành của Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn trong việc kiểm tra trái cây nhập khẩu tại các điểm bán nhỏ lẻ, xe đẩy lưu động. Các điểm này thường phân tán, không cố định, không có kho chứa hay giấy tờ hóa đơn, dẫn đến khó xác minh và xử lý vi phạm.
Khi kiểm tra, người bán thường không xuất trình được chứng từ, nhưng không thuộc diện quản lý như siêu thị hay đại lý phân phối, nên khó xử phạt triệt để. Hàng trôi nổi vì thế vẫn âm thầm len lỏi ra thị trường mỗi ngày.

Nho mẫu đơn xuất xứ Trung Quốc có giá khá rẻ, bày bán tại một cửa hàng nông sản trên đường Phạm Hữu Lầu, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)
Theo các chuyên gia từ Viện Dinh dưỡng và Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, việc tiêu thụ trái cây có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản vượt ngưỡng cho phép có thể gây ảnh hưởng đến gan, thận, hệ thần kinh và thậm chí nguy cơ gây ung thư nếu tích tụ lâu dài.
Vì vậy, người dân nên ưu tiên lựa chọn mua bán tại các điểm bán hàng uy tín, các kênh siêu thị, nơi trái cây được ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, được kiểm soát chất lượng trước khi thông hành tại Việt Nam, đồng thời nên cẩn trọng trước những lời chào mời giá rẻ, không đánh đổi sức khỏe để tiết kiệm vài chục nghìn đồng.
Thực tế, không dễ để người tiêu dùng phân biệt được nguồn gốc trái cây chỉ qua hình thức bên ngoài. Cùng một loại lê, cam hay nho có thể đến từ 2-3 thị trường khác nhau, không dán tem thì gần như không thể xác định.
Trong khi chờ sự siết chặt từ lực lượng quản lý, người dân mong muốn được mua bán trong một thị trường minh bạch, nơi chất lượng được kiểm soát chặt chẽ và thông tin sản phẩm được công khai rõ ràng./.