Nỗi lo bụi mịn
Thời gian qua, những cảnh báo về tình trạng ô nhiễm không khí, nhất là ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khiến người dân lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe.
Người dân TP Hải Dương cũng lo lắng. Ngay khi đang viết bài này, vào sáng 26.11, ứng dụng AirVisual đã cảnh báo mức độ ô nhiễm không khí với chỉ số AQI (chỉ số thể hiện mức độ ô nhiễm không khí do Hoa Kỳ ban hành, đây là thông số được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới) ở mức 172, nồng độ bụi siêu mịn PM 2.5 ở mức 95.3, cảnh báo có hại cho sức khỏe.
Cũng theo dự báo của AirVisual, trong 7 ngày của tuần này, chỉ số ô nhiễm đều từ 151-200, mức cảnh báo tác động xấu cho sức khỏe. Qua một ứng dụng được nhiều người Việt dùng khác là Pam Air (ứng dụng của Việt Nam), chỉ số AQI cũng ở mức cao là 104, cảnh báo không tốt cho nhóm người nhạy cảm. Dù chưa thể khẳng định độ tin cậy của những thông tin này đến đâu nhưng việc không khí có ô nhiễm hay không, bằng mắt thường khó mà đánh giá được.
Đọc bài phỏng vấn "Ô nhiễm bụi mịn ở Hải Dương thế nào?" trên báo Hải Dương ngày 25.11, lo lắng của tôi càng có cơ sở bởi những thông tin đưa đến từ cơ quan chuyên môn của tỉnh cũng cho thấy những cảnh báo về chất lượng không khí ở khu vực đô thị đáng lo ngại.
Theo bài báo, dù chưa có kết quả quan trắc chất lượng không khí mới nhất, nhưng qua 2 đợt quan trắc trong năm nay cho thấy một số điểm tại khu vực đô thị có thông số tổng bụi lơ lửng (TSP) và bụi mịn PM10 vượt quy chuẩn cho phép với mức độ không thường xuyên.
Số điểm quan trắc môi trường không khí khu dân cư đô thị tại thời điểm quan trắc đợt II có thông số bụi vượt quy chuẩn cho phép nhiều hơn đợt I, với 5 trong tổng số 18 điểm quan trắc ở khu vực đô thị có nồng độ bụi TSP vượt từ 1,13 - 2,5 lần quy chuẩn và 2 trong tổng số 18 khu dân cư có thông số bụi PM10 vượt 1,3- 1,43 lần.
Hiện Hải Dương chưa quan trắc thông số bụi siêu mịn PM2.5 nên chưa đánh giá được không khí có loại bụi nguy hiểm này hay không. Tỉnh cũng chưa có hệ thống quan trắc môi trường không khí cố định.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nguồn sinh ra bụi ô nhiễm ở các đô thị lớn hầu hết là từ khí thải giao thông, công trình xây dựng, đường sá và nhà máy công nghiệp. Vì vậy, dù chưa có kết quả quan trắc từ phía cơ quan chuyên môn của tỉnh nhưng với tốc độ phát triển kinh tế nhanh và gia tăng dân số ở khu vực đô thị thì người dân hoàn toàn có thể lường trước được mức độ ô nhiễm không khí có thể phải gánh chịu.
Để tránh rơi vào tình trạng ô nhiễm không khí như ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh không dễ. Bởi nó bao gồm tổng hòa rất nhiều biện pháp và phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài. Đó là từ công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quản lý đối với các nhà máy có xả thải ra môi trường, đến sự gia tăng các loại phương tiện xả khí thải, từ chính việc làm hằng ngày của mỗi người dân…
Những nỗ lực từ phía các cơ quan chuyên môn là vô cùng quan trọng nhưng hành động từ mỗi người dân cũng sẽ góp phần thay đổi đáng kể chất lượng cuộc sống nói chung và chất lượng không khí nói riêng. Việc cần làm ngay là giảm thải rác thải nhựa, hạn chế đốt vàng mã, rơm rạ, rác sinh hoạt, rác công nghiệp. Nên chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch để đun nấu, thay bếp than tổ ong bằng bếp điện. Hãy trồng nhiều cây xanh và bảo vệ môi trường...
Trước những cảnh báo về mức độ nguy hại của ô nhiễm không khí, nhất là ô nhiễm bụi mịn, bụi siêu mịn và chưa biết chính xác không khí có bị ô nhiễm hay không, mỗi người cần có biện pháp bảo vệ sức khỏe của chính mình và gia đình!
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/noi-lo-bui-min-122066