Nỗi lo của Mỹ ngày càng tăng về tên lửa ATACMS viện trợ cho Ukraine
Có những lo ngại ngày càng tăng từ Nhà Trắng rằng tên lửa ATACMS viện trợ cho Ukraine có thể không đóng một vai trò quan trọng nào.
Tờ New York Times của Mỹ mới đây viết rằng Nhà Trắng đang lo ngại tên lửa ATACMS (Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân - Army Tactical Missile System) tầm xa được chuyển giao cho Kiev sẽ không đóng vai trò đáng kể trong việc thay đổi cán cân lực lượng trên chiến trường Ukraine.
Điều đáng lưu ý là Tổng thống Mỹ Joe Biden từ lâu đã từ chối cung cấp ATACMS vì sợ những tên lửa này có thể vượt qua "ranh giới đỏ" của Điệnn Kremlin.
Mối lo ngại hiện nay về ATACMS là chính tên lửa này sẽ không đóng vai trò quan trọng trong cuộc xung đột ở Ukraine khi quân đội Nga biết cách đối phó, đặc biệt là triển khai các căn cứ tiền phương và cơ sở hậu cần ngoài tầm bắn của tên lửa ATACMS.
Các cố vấn cấp cao của Tổng thống Biden nói rằng Mỹ đã cung cấp cho Kiev gần như tất cả hệ thống vũ khí mà họ yêu cầu. Nhưng trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, Tổng Tư lệnh Các lực lượng Vũ trang Ukraine, Tướng Valery Zaluzhnyi, tuyên bố rằng cần phải có tiến bộ công nghệ đáng kể trong lĩnh vực vũ khí mới thoát khỏi tình trạng bế tắc trên chiến trường hiện nay, nếu không sẽ không "một bước đột phá lớn nào xảy ra".
Bình luận về tuyên bố gây tranh cãi của Tướng Zaluzhny, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng hầu hết vũ khí của Mỹ đến quá muộn để phát huy những tác dụng mà Kiev cần. Cần nhắc lại trước đó có thông tin cho rằng một nhóm đảng viên đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ đã kêu gọi Tổng thống Biden chuyển tên lửa ATACMS tầm xa hơn sang Ukraine.
Theo một số đảng viên Cộng hòa, Ukraine đã chứng tỏ khả năng sử dụng tên lửa một cách có trách nhiệm. Họ cũng lưu ý rằng không có phản hồi nào từ Nga về việc sử dụng chúng.
Tuy nhiên ngày 18/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích việc Washington cung cấp tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine là một “sai lầm” và khẳng định chúng không làm thay đổi căn bản tình hình trên chiến trường.
Ông Putin lập luận rằng các tên lửa này sẽ dẫn đến “thương vong không cần thiết” và “kéo dài nỗi đau” của Ukraine, nhưng cũng thừa nhận các hệ thống tên lửa do Mỹ cung cấp “sẽ gây thiệt hại và mối đe dọa”.
Đến nay, Ukraine được cho là đã ít nhất 2 lần sử dụng ATACMS để tấn công các lực lượng Nga. Vào ngày 17/10, Ukraine tuyên bố đã thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào hai sân bay ở Berdyansk và Luhansk, sử dụng biến thể bom chùm M39 của ATACMS. Cuộc tấn công đã phá hủy hoặc làm hư hại hơn chục máy bay trực thăng, hệ thống phòng không và kho đạn dược của Nga tại các địa điểm trên.
Nga cũng thông báo cuộc tấn công thứ hai mà Ukraine sử dụng ATACMS vào ngày 25/10 nhằm vào một sân bay khác ở phía Nam vùng Luhansk, đã bị ngăn chặn với hai tên lửa bị bắn hạ. Đầu tháng 11 này, Moskva phản ứng trước việc Ukraine sử dụng tên lửa do Mỹ sản xuất bằng cách chỉ đạo tất cả lực lượng phòng không Nga thực hiện huấn luyện diễn tập mô phỏng để bắn hạ chúng.