Nỗi lo cuộc chiến thương mại Nhật Bản - Hàn Quốc
Ngày 5-7, hãng tin Kyodo đưa tin, Hàn Quốc đã chính thức giải thể Quỹ hòa giải và chữa lành vết thương, do Nhật Bản thành lập tại Hàn Quốc về vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị ép làm việc trong các nhà chứa của quân đội Nhật Bản trong Thế chiến thứ II.
Trong khi đó, Nhật Bản cũng đang cân nhắc đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách “các quốc gia tin cậy”. Những động thái trả đũa lẫn nhau khiến dư luận quan ngại về căng thẳng Nhật Bản-Hàn Quốc có thể leo thang trên lĩnh vực thương mại.
Từ mâu thuẫn quá khứ...
Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yasutoshi Nishimura trong một tuyên bố cùng ngày đã khẳng định, Tokyo “không bao giờ có thể chấp nhận” quyết định này của Seoul. Chính phủ Nhật Bản cũng nhắc lại lời kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc thực thi thỏa thuận song phương năm 2015 về vấn đề “phụ nữ mua vui” thông qua kênh ngoại giao.
Theo thỏa thuận Nhật Bản-Hàn Quốc đạt được vào tháng 12-2015 nhằm giải quyết vấn đề “phụ nữ mua vui”, Tokyo sẽ cung cấp 1 tỷ yen (9,27 triệu USD) cho Quỹ hòa giải và chữa lành vết thương để hỗ trợ các phụ nữ và gia đình những người bị ép làm việc trong các nhà chứa của quân đội Nhật Bản.
Tuy nhiên, thỏa thuận trên không được dư luận Hàn Quốc hưởng ứng, một phần là do nhiều người cho rằng, nó không phản ánh được quan điểm những người đã từng bị ép làm “phụ nữ mua vui”. Dưới thời chính phủ của Tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in, Seoul đã xúc tiến để giải thể quỹ này. Trước khi đưa ra quyết định giải thể quỹ, Tổng thống Hàn Quốc cho biết, Seoul không có ý định tranh cãi về thỏa thuận hoặc tái đàm phán với Tokyo.
Quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc lâu nay vẫn trong trạng thái căng thẳng do những tranh cãi thuộc lịch sử, liên quan đến việc Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945. Quan hệ giữa 2 nước rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, sau khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra phán quyết buộc các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho những lao động Hàn Quốc bị cưỡng ép lao động thời chiến.
…đến căng thẳng thương mại
Tờ Nikkei đưa tin, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách các quốc gia xây dựng được sự tin cậy và đảm bảo an ninh. Danh sách trên có 27 quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp… Đối với những quốc gia nằm trong danh sách, Nhật Bản cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa ngoài danh mục quy định không cần phải kiểm tra, cấp phép riêng đối với từng hợp đồng, mà chỉ cần một giấy phép chung.
Nhật Bản đưa Hàn Quốc vào danh sách trên từ năm 2004. Nếu quyết định trên được đưa ra, Hàn Quốc sẽ trở thành quốc gia đầu tiên bị Nhật Bản loại khỏi danh sách, đồng nghĩa với việc sẽ phát sinh thêm các thủ tục kiểm tra trước khi xuất khẩu đối với nhiều mặt hàng xuất từ Nhật Bản sang Hàn Quốc như hóa chất, dược phẩm, linh kiện điện tử, máy móc...
Thông tin tờ Nikkei xuất hiện chỉ 1 ngày sau khi Tokyo thực thi quyết định siết chặt xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 mặt hàng vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chíp điện tử và màn hình điện thoại thông minh, gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (HF) được sử dụng làm khí ăn mòn trong sản xuất chất bán dẫn. Tokyo khẳng định rằng, việc hạn chế này là vì lý do an toàn. Quyết định có hiệu lực từ ngày 4-7 trên được cho là sẽ ảnh hưởng đến các “gã khổng lồ” công nghệ Hàn Quốc như Samsung Electronics, SK Hynix và LG Display.
Kênh KBS của Hàn Quốc cho rằng, Nhật Bản đang tung ra những đòn trả đũa đối với phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc. Phản ứng về quyết định hạn chế xuất khẩu của Tokyo, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee nhấn mạnh, quyết định này đi ngược lại với các nỗ lực toàn cầu nhằm xây dựng một môi trường thương mại tự do, công bằng.
Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki thì cảnh báo, Seoul sẽ có các biện pháp đáp trả trực tiếp nếu Nhật Bản vẫn duy trì chính sách đó trong một khoảng thời gian dài. Ông Hong Nam-ki cho biết, Hàn Quốc sẽ quyết định thời điểm đệ đơn kiện về vấn đề trên lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngay sau khi có kết quả đánh giá nội bộ.
Từ tháng 1 đến tháng 5-2019, Hàn Quốc nhập khẩu nhựa nhiệt dẻo vào khoảng 12,96 triệu USD, trong đó có 93,7% là từ Nhật Bản. Kim ngạch nhập khẩu chất cản màu đạt 112,66 triệu USD, trong đó cũng có tới 91,9% từ Nhật Bản. Nhập khẩu khí ăn mòn đạt kim ngạch 64,79 triệu USD, trong đó có tới 43,9% có nguồn gốc của Nhật Bản.