Nỗi lo dự án bất động sản tràn lan trên núi

Phần lớn các dự án bất động sản, du lịch trên các sườn núi ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) đều trái hoặc sai quy hoạch.

“Vì sao núi Cô Tiên ở TP Nha Trang chưa có quy hoạch mà lại cấp phép tràn lan cho các dự án bất động sản (BĐS), du lịch? Từ đó, các dự án này đào bới, gây sạt lở, làm chết người, khiến đời sống người dân rất bất an. Nghiêm trọng nhất là vụ sạt lở tại dự án khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú làm chết bốn người. Ai chịu trách nhiệm trước những sự việc này?”.

Trên đây là vấn đề được đại biểu (ĐB) Nguyễn Quốc Thịnh đặt ra tại phiên chất vấn của kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hòa ngày 10-7.

Các dự án đua nhau phá núi

Ông Thịnh nêu hai trong nhiều dự án trên núi Cô Tiên thuộc phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang đã gây hậu quả nghiêm trọng. Đó là dự án khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú do Công ty TNHH Đầu tư - Phát triển Thanh Châu bị vỡ hồ trên núi hồi tháng 11-2018 làm chết bốn người, sập 10 căn nhà, san bằng cả khu dân cư. Thứ hai là dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng Đồi xanh do Công ty TNHH Đồi xanh Nha Trang làm chủ đầu tư. Dự án này ngang nhiên xây dựng trái phép một tường chắn khổng lồ ngay trên đầu nhà dân. Tỉnh đã ban hành quyết định cưỡng chế, phá dỡ từ tháng 1-2019 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

Theo ĐB Nguyễn Lê Đình Trị, kết quả kiểm tra cho thấy chỉ riêng núi Cô Tiên có 30 dự án BĐS, du lịch nhưng có 17 dự án không có trong quy hoạch, bảy dự án có diện tích dự án lớn hơn diện tích phù hợp quy hoạch. “Phần lớn các dự án chưa đầy đủ, hoàn chỉnh thủ tục pháp lý nhưng nhà đầu tư vẫn tiến hành san ủi, chở đất đá, vật liệu ra bên ngoài, tăng nguy cơ sạt lở” - ông Trị thông tin.

ĐB Nguyễn Ngô bức xúc cho rằng việc quản lý quy hoạch ở Khánh Hòa còn rất lỏng lẻo, bất cập. Thậm chí có khu vực quy hoạch 1/2.000 chưa được phê duyệt, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa có thì tỉnh lại phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 cho từng dự án. Từ đó, các dự án đua nhau đào núi, phá rừng, xóa bỏ diện tích xanh và cứ mưa xuống là sạt lở. Ông Ngô chỉ ra hầu hết các núi xung quanh TP Nha Trang đều dày đặc các dự án BĐS như núi Hòn Rớ 13 dự án, núi Chín Khúc bảy dự án, núi Chụt tám dự án, núi Hòn Thị bảy dự án...

Các ĐB đề nghị rà soát, kiểm tra, đánh giá lại tất cả dự án trên núi để có giải pháp chấm dứt ngay các dự án không an toàn, phá vỡ môi trường.

Nước từ dự án khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú trên núi Cô Tiên bị vỡ, làm chết bốn người, sập 10 căn nhà. Ảnh: TẤN LỘC

Nước từ dự án khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú trên núi Cô Tiên bị vỡ, làm chết bốn người, sập 10 căn nhà. Ảnh: TẤN LỘC

Phải chấm dứt dự án có rủi ro cao

Ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa, thừa nhận đến nay núi Cô Tiên vẫn chưa có quy hoạch 1/2.000 nhưng tỉnh đã cấp phép, giao đất cho hàng loạt dự án. Do vậy, nhiều dự án có quy hoạch xây dựng khác hoặc mâu thuẫn với quy hoạch sử dụng đất khác. Điều này gây ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng đất của dự án trên các khu đất đồi núi ở Nha Trang.

Cùng lúc, ông Lê Văn Dẽ, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, cũng nhận định phần lớn dự án trên núi Cô Tiên không phù hợp với quy hoạch hoặc chỉ phù hợp một phần. Một số dự án trên các đồi núi khác thì đang trong tình trạng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở rất cao, uy hiếp các khu dân cư. Tuy nhiên, ông Dẽ cho rằng có nhiều lý do nên khó xử lý các dự án này.

Không đồng tình, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa Lê Xuân Thân đề nghị giám đốc Sở Xây dựng nghiên cứu lại các quy định để xử lý đúng trách nhiệm. Ông đánh giá sai phạm này đã rất rõ ràng, phải sửa sai. Ông nhấn mạnh thêm tình trạng xây dựng sai phép, trái quy hoạch là những nội dung sẽ được HĐND tỉnh Khánh Hòa tiến hành giám sát trong thời gian tới.

Giải trình trước cử tri, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nhận trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trên. Ông Vinh thừa nhận trước đây khi có nhà đầu tư đến thì tỉnh cấp phép mà chưa chú trọng quy hoạch. Một nguyên nhân khác là do sự quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.

“Tỉnh đã giao Sở Xây dựng chủ trì cùng các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các dự án trên các sườn núi ở Nha Trang, báo cáo tỉnh để xem xét lại. Các dự án có nguy cơ sạt lở cao, gây nguy hiểm đối với người dân thì phải chấm dứt. Chúng tôi đang đề ra lộ trình để giải quyết dứt điểm tình trạng này” - ông Vinh cam kết.

Dự án trên núi gây nhiều yếu tố bất ổn

Theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh, cựu giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, các triền núi vốn có kết cấu hàng triệu triệu năm đã bình ổn. Nay các dự án xâm phạm, đào bới, xẻ đá ngang dọc sẽ phá vỡ kết cấu. Khi có mưa lớn sẽ rất nhanh tạo thành lũ, gây sạt lở.

Dễ nhận thấy phần lớn khu vực bị sạt lở trong mấy năm gần đây ở Nha Trang đều gần các dự án BĐS, du lịch. Khi cho thực hiện dự án, cơ quan chức năng không nghiên cứu địa hình, địa chất; không lường hết tác động của việc xây dựng. Trong khi đó, chủ đầu tư lại chủ quan, vì lợi ích riêng, tạo ra giá trị cho dự án mà gây ra các yếu tố bất ổn, bất lợi đối với khu vực xung quanh. Hậu quả là gây ra sạt lở, người dân xung quanh mất cả tài sản và tính mạng. “Trách nhiệm trước hết là ở các cơ quan quản lý chứ đừng đổ cho thiên tai” - ông Lộc thẳng thắn.

Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa đã nhiều lần cảnh báo về vấn đề này. “Các dự án ven hoặc trên các đồi núi ở Nha Trang đều có độ cao vượt chuẩn quy hoạch chung TP. Nhiều dự án vi phạm quy hoạch sử dụng đất vì phần lớn các khu vực đồi núi này đều quy hoạch rừng, cây xanh” - ông Lộc nói thêm.

TẤN LỘC

Nguồn PLO: https://plo.vn/bat-dong-san/noi-lo-du-an-bat-dong-san-tran-lan-tren-nui-845298.html