Nỗi lo ngành hàng nông sản chậm cải tiến cây, con giống

Vẫn còn nhiều 'khoảng trống', lơ là, chậm triển khai việc nghiên cứu, sản xuất, cải tiến, nâng cao chất lượng cây, con giống. Xét về lâu dài, điều này có thể gây bất lợi cho việc cạnh tranh của ngành hàng nông lâm thủy sản Việt, đòi hỏi các nhà khoa học, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nông dân cần chú trọng nhiều hơn nữa.

Để xuất khẩu rau quả tiếp tục có bước đột phá trong năm 2024, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhấn mạnh một trong những yếu tố quan trọng là cần cải tiến các giống cây trồng, không phải cứ một vài loại giống cây đó chúng ta làm hoài, mà cần có những giống cây mới để tạo ra sản phẩm cạnh tranh với các quốc gia khác.

Đứng yên một chỗ sẽ không thể cạnh tranh”

Chẳng hạn với cây sầu riêng, qua trao đổi với VnBusiness, ông Nguyên cho biết Thái Lan có giống sầu riêng “Monthong”, còn Malaysia thì có “Musang King”. Cho nên Việt Nam cũng phải có được giống sầu riêng ít nhất là bằng hoặc hơn những giống sầu riêng này thì sẽ có lợi thế cạnh tranh sau này.

Để nâng sức cạnh tranh thì cácchủ thể trong ngành hàng nông lâm thủy sản Việt cần chú trọng nhiều hơn đến việc nghiên cứu, sản xuất, cải tiến, nâng cao chất lượng cây, con giống.

Không những vậy, với trái sầu riêng đang được xem là loại “trái cây vua” xuất khẩu chủ lực, càng cần có nguồn giống chất lượng, tránh các loại giống trôi nổi, kém chất lượng, về lâu về dài các nhà nông học Việt Nam cần tạo ra được giống sầu riêng của riêng mình. Nếu Việt Nam tự nghiên cứu và có được những giống sầu riêng có phẩm cấp tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên nội địa thì sẽ còn tăng được giá trị cho mặt hàng trái cây này.

Theo ông Nguyên, khi mà các quốc gia xuất khẩu rau quả ngày càng cải tiến về giống cây trồng và kỹ thuật canh tác, càng đòi hỏi ngành rau quả của Việt Nam phải có những cải tiến về mặt cây giống, nếu “đứng yên một chỗ sẽ không thể cạnh tranh”.

“Có thể bây giờ chúng ta có ưu thế, nhưng trong tương lai khi mà thị trường đi vào bão hòa thì vấn đề cạnh tranh về mặt chất lượng, giá cả rau quả sẽ rất quyết liệt, trong đó không thể thiếu được yếu tố quan trọng là cải tiến các loại giống cây ăn quả phải ngày càng chất lượng hơn nữa”, vị Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ.

Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý khi một số loại cây trồng đang trong giai đoạn tăng trưởng nóng, nhiều người có nhu cầu đầu tư cùng lúc, dẫn đến giá của các yếu tố đầu vào gia tăng, trong đó có giá cây giống. Đây cũng là điều mà cơ quan quản lý cần chú trọng nhiều hơn.

Như hồi năm rồi, giá cà phê nhân tăng cao, do người dân tích cực tái canh nên nguồn cung cây giống cà phê trở nên khan hiếm. Hệ quả là giá cây giống cà phê tăng mạnh, có thời điểm tăng gấp 2 - 3 lần vẫn “cháy hàng”. Tuy nhiên, qua đó sẽ thấy việc cây giống tăng giá mạnh đã khiến nông dân tái canh cây cà phê gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao hơn so với mọi năm (trong khi chưa rõ giá cà phê năm 2024 sẽ như thế nào), chưa kể những rủi ro do giống không đảm bảo chất lượng, giống không được khảo nghiệm công nhận hay mua tại các cơ sở sản xuất không đảm bảo.

Còn trong báo cáo vào tháng 1/2024 từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) gửi đến Thủ tướng Chính phủ có lưu ý một mấu chốt quan trọng của mặt hàng tôm nuôi và cá tra là vấn đề con giống - nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất đạt chất lượng, giảm giá thành sản xuất.

Càng rề rà càng bất lợi

Thông qua báo cáo này, phía Vasep có kiến nghị là Bộ NN&PTNT cần tổng kết chương trình giống cá tra đã triển khai và có các chính sách hỗ trợ đặc thù cho các đơn vị sản xuất giống cá tra theo quy chuẩn. Còn với giống tôm nuôi, cần tăng cường kiểm soát chất lượng con giống, đảm bảo không có con giống kém chất lượng, dịch bệnh ra thị trường.

Nên biết, tại một hội nghị gần đây của Cục Thủy sản, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT có yêu cầu ngành thủy sản trong năm 2024 cần rà soát lại khâu giống. Bởi vì đây là yếu tố quyết định đến năng suất, chất lượng, nhất là giống tôm, cá tra.

Như với ngành nuôi tôm, giới chuyên gia cho rằng trong thời gian tới cần đẩy mạnh giám sát, kiểm soát tôm giống nhằm hạn chế tối đa tôm giống chất lượng kém ra thị trường. Qua đó giúp người nuôi giảm, tránh được nguồn tôm giống xấu gây thiệt hại, từ đó góp phần nâng cao tỷ lệ nuôi thành công.

Còn với cá tra, nguồn cá giống phục vụ việc thả nuôi mới được cho là đang gặp thách thức không nhỏ. Trái với sự sụt giảm giá cá thương phẩm, giá cá tra giống ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong tháng 1/2024 có dấu hiệu tăng nhẹ.

Theo Bộ NN&PTNT, để đạt được mục tiêu sản lượng cá tra nuôi thương phẩm đạt 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2024, các địa phương vùng ĐBSCL, nhất là 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp, cùng các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra cần tập trung nâng cao chất lượng cá tra giống.

Từ những yêu cầu ngày càng cao về việc cải tiến, nâng cao chất lượng cây, con giống như nêu trên, thì điều còn băn khoăn là việc nghiên cứu, sản xuất giống trong ngành hàng nông lâm thủy sản vẫn còn ì ạch, có nhiều “khoảng trống”.

Như tại dữ liệu đưa ra tại hội nghị vào trung tuần tháng 1/2024 của Bộ NN&PTNT nhằm tổng kết chương trình “Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030” của Chính phủ, cho thấy việc triển khai còn khá chậm, hầu như giữa các bộ ngành địa phương mới dừng ở bước hoàn thiện các quy trình thủ tục, quy hoạch, hướng dẫn…

Đơn cử như việc phát triển sản xuất giống mất rất nhiều thời gian tháo gỡ vướng mắc về tài chính, nên việc triển khai khá rề rà (phải đến nửa cuối năm 2023 mới triển khai).

Cần nhắc thêm, vào tháng 12/2023, trong Quyết định phê duyệt chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, có nêu rõ định hướng là “nghiên cứu, chọn tạo, nhập nội, chuyển giao các giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu và đáp ứng với yêu cầu đa dạng của thị trường”.

Bên cạnh đó, quyết định này còn nhấn mạnh “bảo tồn, phục tráng, khai thác và phát triển giống cây trồng bản địa, đặc hữu có giá trị kinh tế cao, gắn với vùng sinh thái và chỉ dẫn địa lý. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu sản xuất giống theo hướng công nghiệp hiện đại; đẩy mạnh liên kết công tư trong nghiên cứu, sản xuất cung ứng hạt giống cây giống có chất lượng cao, sạch bệnh”.

Tóm lại, điều mong mỏi là ngành hàng nông lâm thủy sản cần lấp những “khoảng trống” trong việc nghiên cứu, sản xuất, phát triển, nâng cao chất lượng cây con giống. Nhất là khi nguồn cây con giống quyết định tới năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản, cho nên trong thời gian tới các chủ thể như nhà khoa học, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nông dân không thể lơ là, chậm triển khai chuyện này, càng rề rà sẽ càng bất lợi cho ngành hàng nông lâm thủy sản Việt.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/noi-lo-nganh-hang-nong-san-cham-cai-tien-cay-con-giong-1097906.html