Nỗi lo ngập lụt đô thị
Năm nào cũng vậy, vào mùa mưa lũ, chỉ sau một trận mưa to là nhiều khu vực trên địa bàn thành phố Đông Hà bị ngập lụt. Trận mưa lớn trong đêm 17/10/2021 vừa qua khiến hàng trăm hộ dân ở trung tâm thành phố Đông Hà phải thức trắng đêm hì hục tát nước, kê dọn đồ đạc và sử dụng đủ các vật dụng có thể để chắn nước tràn vào nhà. Tình trạng một số tuyến đường, khu dân cư giữa lòng thành phố ngập lụt ngày càng nặng, bên cạnh yếu tố tác động của thời tiết còn bộc lộ những bất cập trong hạ tầng thoát nước đô thị.
Không kịp trở tay…
Đến sáng 18/10/2021, nước đã rút hết nhưng hàng chục hộ dân ở Kiệt 139 đường Lê Văn Hưu, thuộc địa bàn Khu phố 9, Phường 1 vẫn chưa hết bàng hoàng vì trận ngập lụt xảy ra đêm trước. Hàng chục gia đình nước ngập sâu từ 1,5 - 2 m. Nước ập vào nhà quá nhanh, nhiều gia đình chỉ kịp bồng bế người già, trẻ em chạy thoát thân chứ không kịp di chuyển tài sản nên các vật dụng sinh hoạt gia đình từ sách vở, áo quần, giường nệm, lương thực, thực phẩm đến các thiết bị điện ti vi, tủ lạnh, máy tính, xe máy… đều bị ngâm nước, hư hỏng nặng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - một người dân ở kiệt này - cho biết: “Tôi sống ở đây hơn 25 năm nhưng chưa bao giờ nước ngập bất ngờ và nhanh như đợt rồi. Khu vực này tương đối thấp nên năm nào mưa cũng bị lụt, riêng nhà tôi xây móng tương đối cao nên chưa bao giờ nước vào nhà, vậy mà năm nay chỉ trong tích tắc nước đã ngập ngang lưng. Buôn bán hàng gia vị ở chợ Đông Hà, do COVID-19 nên tôi đã nghỉ bán cả tháng nay. Sợ nghỉ lâu ngày hàng hóa hư hỏng nên trước khi chợ tạm dừng hoạt động, tôi đã đưa về nhà cất giữ. Vậy mà chỉ sau một cơn mưa, nước tràn vào nhà quá nhanh, vợ chồng tôi chỉ kịp đưa một ít đồ lên gác lửng, còn lại thiết bị sinh hoạt gia đình và nhiều thứ hàng hóa khác bị ướt sạch”.
Cứ mưa nặng hạt là nhiều tuyến đường trung tâm của thành phố Đông Hà như Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Lê Thế Hiếu, Lê Lợi… bị ngập, nhiều phương tiện lưu thông trên đường lâm vào cảnh dở khóc, dở cười vì bị kẹt lại giữa dòng nước. Điển hình như đợt mưa vừa qua, một số xe ô tô khi đi qua đường Trần Hưng Đạo đã bị nước ngập dẫn đến chết máy phải nhờ lực lượng chức năng đến cứu hộ. Ở đường Lê Lợi, đoạn từ Trường THPT Lê Lợi đến đường Trường Chinh cũng bị ngập nặng, làm tê liệt hoàn toàn tuyến đường giao thông này. Người dân sống trong khu vực này nơm nớp nỗi lo vì chỉ cần mất cảnh giác là mọi tài sản đều có thể bị nước lũ nhấn chìm, người cũng sẽ không có lối thoát vì nước bao vây tứ bề.
Với anh Nguyễn Hữu Soái, việc xem các bản tin thời tiết là thói quen cố hữu nhiều năm trở lại đây vào mỗi sáng thức dậy. Tiết kiệm, gom góp vay mượn, mấy năm trước vợ chồng anh mua được chiếc ô tô nhưng từ ngày có chiếc xe, nỗi lo khi đến mùa mưa của gia đình anh lại tăng lên một bậc. Trận lũ năm 2018 đã làm anh một phen khiếp đảm vì ô tô để ở trong sân nhưng khi nước lụt tràn vào nhà thì nước ngoài đường đã dâng lên hơn 1 m, may mà nhà cao nên nước chỉ ngập quá ống bô của xe.
Rút kinh nghiệm từ đó, anh Soái thường xuyên theo dõi các bản tin thời tiết để chủ động mang xe đi gửi nếu dự báo có mưa lớn. “Trận mưa vừa rồi, xe ô tô gửi, toàn bộ đồ đạc trong nhà tôi đều chủ động kê cao tránh nước đến giờ vẫn chưa dám mang xuống vì lo sợ thời gian tới vẫn có thể còn nhiều đợt mưa lớn nữa. Sống ở trung tâm thành phố mà chịu cảnh ngập úng, rồi nước thải, bùn đất tràn vào nhà thường xuyên như vậy chúng tôi thấy rất khổ sở”, anh Soái chia sẻ.
Đến hẹn…lại ngập
Mưa nhỏ ngập nhỏ. Mưa lớn ngập lớn. Đó là tình cảnh của nhiều tuyến đường, khu dân cư trên địa bàn thành phố Đông Hà khi đến mùa mưa bão. Những năm gần đây, khi mật độ đô thị hóa tăng nhanh thì tình trạng ngập lụt càng trở nên nghiêm trọng. Không chỉ những vùng thấp trũng, vùng lõm giữa lòng thành phố mà nhiều khu vực cao ráo cũng bị ngập lụt thường xuyên, ảnh hưởng đến mĩ quan đô thị và làm đảo lộn cuộc sống của người dân.
Chỉ tay lên bức tường nhà vẫn còn loang lổ vết bùn do bị ngập đến cửa sổ trong đợt mưa vừa qua, bà Hoàng Thị Kim Hoa ở Kiệt 95, đường Nguyễn Chí Thanh cho hay: “Ở đây tình trạng ngập lụt xảy ra thường xuyên trong mấy năm gần đây. Mùa này dù có đi đâu, làm gì mà nghe mưa là phải lo về kê dọn đồ đạc lên cao, hoặc ban đêm ngủ mà nghe có mưa lớn là y như rằng phải dậy thức suốt đêm để canh nước, chống ngập. Mỗi lần mưa, dòng nước đỏ quạch từ phía ngoài đường cuốn theo đất đá, rác rưởi đổ dồn vào nhà. Sống ở trung tâm thành phố mà mấy chục năm nay con đường trước nhà vẫn chưa được xây dựng, hệ thống thoát không có nên chúng tôi hết sức mệt mỏi và bức bối”.
Mới bắt đầu mùa mưa năm 2021 nhưng nhà chị Nguyễn Thị Kim Liên đã có 4 lần nước lụt dâng vào ngập nhà. Sống quen với ngập lụt, chị Liên đã nghĩ ra cách xây một lối bê tông cao hơn 20 cm trước cổng, thậm chí mùa mưa năm nay chị còn sắp thêm 4 bao cát chắn ngang trên lối bê tông ấy để ngăn nước tràn vào nhà thế nhưng vẫn bất lực. “Ngăn nước vào nhà đâu chả thấy, đợt mưa vừa rồi nước dâng vào nhà xong không thoát ra được vì kẹt lối bê tông trước cổng nên mẹ con tôi phải dùng ca, chậu để tát nước…”, chị Liên nhớ lại.
Sau nhiều lần bị nước lụt tràn vào nhà khiến đồ đạc bị hư hỏng, chị Liên bất đắc dĩ phải sử dụng các sản phẩm như bàn ghế, cửa, tủ áo quần… đều bằng chất liệu nhựa hoặc nhôm kính để dễ di chuyển, kê dọn và hạn chế hư hỏng nếu không may bị ngâm nước. “Tôi có nhiều người quen sống ở phường Đông Thanh, Đông Giang gần sông Hiếu, ban đầu cứ nghĩ bên ấy mới là vùng hay bị ngập lụt nhưng thực tế thì nhà người quen của tôi vài ba năm nước mới vào nhà một lần khi có lũ lớn thượng nguồn đổ về. Nghe tôi nói sống ở đường Nguyễn Chí Thanh, ai cũng cười bảo, trên ấy cao thế làm gì mà có lụt. Lúc mới về sống ở đây, tôi cũng nghĩ như thế. Ai ngờ bây giờ ngập lụt trở thành nỗi ám ảnh của cả gia đình”, chị Liên thông tin thêm.
Đâu là nguyên nhân?
Ông Nguyễn Thế Tịnh, Khu phố trưởng Khu phố 4, phường Đông Lễ cho hay, tình trạng ngập lụt ở khu vực này trở nên nghiêm trọng từ năm 2018 khi hệ thống cống thoát nước từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) của thành phố đi qua khu phố được hoàn thiện đưa vào sử dụng. Trước đây, khi chưa xây dựng hệ thống cống này thì nước thoát về theo con khe tự nhiên bằng đất rộng chừng 7 - 10 m, dù mưa lớn cỡ nào thì cũng không hề có tình trạng ngập nặng như hiện nay. Nhưng từ khi hệ thống cống được đầu tư và đưa vào hoạt động, do tiết diện cống nhỏ, nước dồn từ nhiều phường chảy về quá mạnh và xiết nên nước ở khu vực này không thể đổ vào cống mà thậm chí một lượng nước rất lớn từ cống này còn tràn ngược ra ngoài, gây ngập úng cho khu dân cư. Một nguyên nhân nữa là những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa cao, dân cư ngày càng tăng nên một số ao, hồ trong khu vực này bị đổ đất san lấp làm nhà ở nhiều, vì thế thiếu nơi tiêu thoát nước. Khu phố đã rất nhiều lần kiến nghị lên phường, thành phố về tình trạng này nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Trao đổi với chúng tôi về hiện trạng thoát nước của thành phố, ông Lê Hữu Giang, Phó Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh, Công ty Cổ phần Môi trường và công trình đô thị Đông Hà - đơn vị được thành phố hợp đồng vận hành hệ thống thoát nước trên địa bàn cho hay, hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố chủ yếu là các loại cống hỗn hợp và các mương bê tông xi măng, sau này có được đầu tư thêm gần 10 km tuyến cống hộp để thoát nước và thu gom xử lý nước thải thành phố từ các chương trình, nguồn vốn khác nhau. Hệ thống thoát nước tại thành phố Đông Hà được đầu tư qua nhiều thời kỳ, về cơ bản chưa được đầu tư đồng bộ, chắp vá nên gặp nhiều khó khăn trong công tác vận hành. Các tuyến ống được phát triển theo yêu cầu thoát nước cục bộ cho một khu vực, vì vậy khi khớp nối chung với hệ thống thoát nước, hầu hết các tuyến cống đều không phát huy được hiệu quả tối đa. Cùng với sự phát triển mở rộng đô thị, các dự án thoát nước do nhiều chủ đầu tư thực hiện, thiếu tính đồng bộ, còn nhiều bất cập như sai lệch cốt cao độ, độ dốc, hướng dốc nên một số vùng, khu vực khó đấu nối hoặc bố trí hệ thống cửa xả chưa hợp lý, vì vậy thoát nước kém, gây ngập cục bộ.
Thiếu, không đồng bộ và xuống cấp đang là thực trạng của hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố Đông Hà. Để giải quyết được bài toán này không chỉ cần nguồn kinh phí lớn mà cần có sự quy hoạch và định hướng lâu dài. Trong khi đó, từ trước đến nay tỉnh chưa có quy hoạch chuyên ngành thoát nước cho toàn thành phố nên vấn đề nay không thể giải quyết dứt điểm ngay được.
Hiện nay, tỉnh đang trong giai đoạn lập Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đông Hà cũng đang hoàn thành đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vì thế, ngành chức năng của thành phố cần rà soát, nắm bắt cụ thể hiện trạng hạ tầng đô thị, trong đó có hệ thống thoát nước đường phố, khu dân cư, kè chống xói lở... để đưa quy hoạch đảm bảo tính khả thi khi thực hiện nhằm khắc phục được những bất cập, tồn tại hiện nay, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, đồng thời góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo mỹ quan đô thị.