Nỗi lo sạt lở ở xã Sơn Thủy

Cứ mưa lớn là gần 30 hộ dân tổ Bãi Sang, xóm Gò Lào, xã Sơn Thủy (Mai Châu) buộc phải đi sơ tán để đảm bảo an toàn. Gần 2 tháng qua, do mưa lớn khiến khu vực đồi cao đối diện nơi sinh sống của các hộ dân xuất hiện tình trạng đá lăn, sạt trượt đất. Không chỉ riêng xóm Gò Lào, trên địa bàn xã Sơn Thủy còn nhiều hộ sống trong thấp thỏm, lo âu về nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét trong mùa mưa bão.

Cứ mưa lớn là gần 30 hộ dân tổ Bãi Sang, xóm Gò Lào, xã Sơn Thủy (Mai Châu) buộc phải đi sơ tán để đảm bảo an toàn. Gần 2 tháng qua, do mưa lớn khiến khu vực đồi cao đối diện nơi sinh sống của các hộ dân xuất hiện tình trạng đá lăn, sạt trượt đất. Không chỉ riêng xóm Gò Lào, trên địa bàn xã Sơn Thủy còn nhiều hộ sống trong thấp thỏm, lo âu về nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét trong mùa mưa bão.

Lực lượng chức năng khảo sát thực tế tại hộ chị Nguyễn Thị Lệ, xóm Nọt, xã Sơn Thủy (Mai Châu) bị sạt lở đất do ảnh hưởng của bão số 3.

Lực lượng chức năng khảo sát thực tế tại hộ chị Nguyễn Thị Lệ, xóm Nọt, xã Sơn Thủy (Mai Châu) bị sạt lở đất do ảnh hưởng của bão số 3.

Những ngày cuối tháng 9, mưa trên địa bàn xã Sơn Thủy đã giảm nhưng tại khu vực tổ Bãi Sang, xóm Gò Lào các nhà vẫn "cửa đóng then cài”. Nhiều hộ chưa thể an tâm trở về nhà bởi khu vực đồi núi đối diện nhà đã "no” nước, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.

Gia đình bà Nguyễn Thị Dung là một trong số ít hộ trở về nhà với mong muốn nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất. Bà Dung trăn trở: "Cứ mưa to là cả gia đình lại "bỏ của chạy lấy người”. Với địa thế sinh sống dọc suối Gò Lào, khu vực này vừa nguy cơ sạt lở từ đồi núi cao, vừa sợ nước lũ từ thượng nguồn về gây ngập nhà cửa. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương và các ngành chức năng, nguyện vọng di dân tái định cư (TĐC) đến nơi ở an toàn. Tuy nhiên vẫn chưa được đáp ứng nguyện vọng. Gia đình hiện có 4 cháu trong độ tuổi đến trường, việc không ổn định chỗ ở phần nào ảnh hưởng đến tâm lý, việc học hành của trẻ nhỏ”.

Cùng chung nỗi lo sạt lở đất, gia đình chị Nguyễn Thị Lệ ở xóm Nọt không dám ngủ ở nhà trong nhiều ngày qua. Ban ngày chị Lệ về nhà nấu cơm cho các con thuận tiện tới lớp, nhưng tối lại đến nhà họ hàng ngủ nhờ. Mưa lớn liên tiếp khiến đất, đá từ trên đồi sạt trượt làm hư hỏng cầu thang và bậc lên xuống của nhà sàn. Chị Lệ cho biết: "Chưa bao giờ khu vực sinh sống của gia đình tôi lại bất an như vậy. Cứ mưa lớn là đất đồi sạt trượt thẳng vào cột nhà tiềm ẩn nguy cơ đổ sập. Vì vậy gia đình không ai dám ngủ lại nhà trong những ngày mưa to, gió lớn”.

Do ảnh hưởng của mưa bão vừa qua đã làm nhiều khu vực trên địa bàn rơi vào tình trạng báo động, nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự xã đã chỉ đạo lực lượng tổ chức vận động và hỗ trợ di chuyển 12 hộ dân, 54 nhân khẩu đến khu vực tránh trú đảm bảo an toàn. Thành lập đoàn đi nắm tình hình các xóm, tổ chức rà soát, thống kê thiệt hại, đồng thời thăm hỏi, động viên gia đình bị thiệt hại do bão số 3. Huy động các lực lượng tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, nắm bắt địa bàn để kịp thời di dời người và tài sản đến nơi tránh trú.

Xã Sơn Thủy có địa bàn rộng, hiểm trở với đa phần là đồi núi cao. Do diện tích đất bằng phẳng hạn hẹp nên dân cư phân bố không đều, sinh sống chủ yếu dọc theo chân đồi. Trên địa bàn xã có 1.027 hộ, trên 4.300 nhân khẩu, trong đó có 62 hộ dân, 243 nhân khẩu sinh sống ở các khu vực tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao, tập trung chủ yếu tại các xóm: Suối Nhúng, So Lo, Sạn Sộp, Gò Lào, Phúc… Theo quy hoạch, trên địa bàn xã được bố trí xây dựng 6 khu TĐC để giải quyết vấn đề nơi ở an toàn cho người dân. Tuy nhiên hiện nay chỉ có khu TĐC xóm Phúc đã bàn giao, đưa vào sử dụng; khu TĐC Suối Nhúng chưa đồng bộ hệ thống hạ tầng cơ sở nên chưa thể di chuyển người dân đến ở... Các khu TĐC còn lại chưa được triển khai.

Đồng chí Bùi Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy cho biết: "Do địa hình phức tạp, nguy cơ mất an toàn tại các khu dân cư vào mùa mưa bão đã ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống nhân dân. Một số vụ sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề tài sản của nhân dân. Từ thực tế đó, chúng tôi mong muốn Nhà nước quan tâm, hỗ trợ nguồn kinh phí đầu tư xây dựng các khu TĐC trên địa bàn. Bố trí TĐC tại chỗ đối với các xóm đủ điều kiện đảm bảo an toàn về diện tích mặt bằng… Đồng thời mong muốn đẩy nhanh thực hiện chủ trương di dời, TĐC cho các hộ đã đăng ký trước đây được chuyển về huyện Lạc Sơn, Yên Thủy sinh sống đảm bảo an toàn. Từ đó tạo điều kiện cho người dân an cư, ổn định đời sống, phát triển kinh tế.

Đức Anh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/194088/noi-lo-sat-lo-o-xa-son-thuy.htm