Nỗi lo suy thoái đè nặng lên FED
Có chuyên gia cảnh báo kịch bản kinh tế Mỹ suy thoái ngày càng khó tránh vào cuối năm nay nếu Cục Dự trữ Liên bang không hành động
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang đối mặt sức ép phải nhanh chóng ra tay để ngăn nguy cơ xảy ra suy thoái hoặc lặp lại sai lầm trong quá khứ là hành động khi đã quá muộn. Nỗi lo kinh tế Mỹ suy thoái đã góp phần gây ra làn sóng bán tháo cổ phiếu những ngày qua.
Dù vậy, thị trường chứng khoán Mỹ ngày 6-8 (giờ địa phương) đã hồi phục trở lại sau ngày đầu tuần lao dốc. Thị trường chứng khoán châu Á cũng bị sắc đỏ bao trùm hôm 5-8 trước khi sắc xanh trở lại trong 2 ngày liên tiếp sau đó.
Các dữ liệu gây thất vọng gần đây đã làm dấy lên nỗi lo rằng FED đã kìm hãm nền kinh tế quá nhiều trong thời gian quá dài thông qua lãi suất cao, với hy vọng làm giảm lạm phát. Một nỗi lo khác là FED đã bỏ lỡ cơ hội tại cuộc họp vào tuần rồi để phát đi tín hiệu rõ ràng hơn, theo đó việc nới lỏng chính sách tiền tệ đang diễn ra ngay cả khi lãi suất vẫn chưa được cắt giảm.
Giờ đây, cộng đồng đầu tư muốn FED có hành động mạnh mẽ để không bỏ lỡ cơ hội tương tự. Ông Steven Blitz, chuyên gia tại Công ty Tư vấn TS Lombard (Anh), nhận định kinh tế Mỹ hiện chưa suy thoái nhưng cảnh báo kịch bản này ngày càng khó tránh vào cuối năm nay nếu FED không ra tay.
Không nhiều người kỳ vọng FED sẽ họp đột xuất để đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất khẩn cấp, nhất là khi nền kinh tế vẫn tạo được công ăn việc làm. Theo đài CNN, một bước đi như thế sẽ phản tác dụng và gây thêm hoang mang.
Theo kế hoạch, cuộc họp tiếp theo của Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của FED, sẽ diễn ra trong 2 ngày 17 và 18-9.
Mỗi năm, FOMC tổ chức 8 cuộc họp thường kỳ để bỏ phiếu về mức lãi suất mà họ xem là lý tưởng để thúc đẩy việc làm tối đa và giá cả ổn định. Tuy nhiên, nếu có diễn biến gì giữa các cuộc họp thường kỳ làm thay đổi quan điểm của FOMC về mức lãi suất lý tưởng nói trên, các quan chức có thể tiến hành cuộc họp "khẩn cấp" đột xuất.
Lần gần đây nhất cuộc họp như thế diễn ra là vào tháng 3-2020, thời điểm kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Thay cho kịch bản trên, giới phân tích dự báo FED sẽ cắt giảm lãi suất cũng nhanh như khi tăng lãi suất trong giai đoạn từ tháng 3-2022 đến tháng 7-2023. Các nhà giao dịch đang kỳ vọng vào khả năng FED bắt đầu cắt giảm 0,5 điểm % lãi suất vào tháng 9, sau đó là một loạt bước đi khiến lãi suất giảm 2,25 điểm % vào cuối năm tới.
Riêng ông Joseph LaVorgna, chuyên gia của Công ty SMBC Nikko Securities (Nhật Bản), kỳ vọng FED sẽ cắt giảm đến 3 điểm % lãi suất vào cuối năm 2025. FED hiện duy trì lãi suất trong phạm vi 5,25% -5,5%.
Vào cuối tuần rồi, Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) thu hút nhiều chú ý khi nâng xác suất xảy ra suy thoái ở Mỹ trong vòng 12 tháng tới lên 25%, so với mức 15% trước đó. Tuy nhiên, ngân hàng này lưu ý rằng có một lý do khiến họ không tin kinh tế Mỹ sắp suy thoái. Đó là FED còn rất nhiều dư địa để cắt giảm lãi suất - con số này có thể lên đến 5,25 điểm % nếu cần thiết.
Ý kiến trái chiều
Tỉ lệ thất nghiệp gia tăng ngoài dự báo tại Mỹ đang khiến các nhà kinh tế học bất đồng về câu hỏi có phải nước Mỹ đang trên bờ vực suy thoái hay không?
Theo dữ liệu công bố cuối tuần rồi, tỉ lệ nói trên nhảy lên mức 4,3% trong tháng 7, gần chạm mốc cao nhất trong 3 năm qua.
Ông Gary Clyde Hufbauer, chuyên gia cấp cao tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), nhận định với kênh Al Jazeera rằng tỉ lệ thất nghiệp tăng nhanh là chỉ dấu cho thấy sẽ xảy ra suy thoái vào năm 2025. "Tôi cho là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ tháng 9 tới và tiếp tục cắt giảm trong các cuộc họp sau đó" - ông nói.
Ngược lại, bà Nancy Vanden Houten, nhà kinh tế hàng đầu của Công ty Tư vấn Oxford Economics (Anh), không cho rằng sắp xảy ra suy thoái dù thị trường chứng khoán những ngày qua trở nên hỗn loạn.
Theo bà, có nhiều yếu tố khác tác động vào thị trường việc làm; một trong số đó là có nhiều người nhập cư mới gia nhập lực lượng lao động Mỹ vào tháng trước. Cũng phân tích sâu hơn từ khảo sát việc làm, ông Matt Colyar - chuyên gia của Công ty Moody's Analytics (Mỹ) - chỉ ra số lượng người nghỉ phép tạm thời hoặc không làm việc trong tháng 7 tăng vọt do thời tiết xấu, liên quan đến việc bão Beryl tấn công bang Texas.
"Đây không phải là dấu hiệu suy thoái" - ông Colyar nhấn mạnh. Ngoài ra, theo bà Vanden Houten, lần suy thoái cuối cùng trước đại dịch COVID-19 còn có những dấu hiệu khác, như nợ hộ gia đình lên rất cao và chủ sở hữu nhà không trả nổi tiền vay thế chấp - những dấu hiệu này hiện không xảy ra.
Hiện thời, mọi chú ý đổ dồn vào báo cáo việc làm tháng 8 để có bức tranh rõ hơn về thị trường việc làm lẫn nền kinh tế Mỹ. Dù vậy, dữ liệu mới nhất kể trên đã kịp tác động đến cuộc tranh cử tổng thống Mỹ đang diễn ra.
Ê-kíp của cựu Tổng thống Donald Trump cuối tuần rồi tuyên bố báo cáo việc làm mới là "bằng chứng về việc nền kinh tế dưới thời Tổng thống Biden đang làm ảnh hưởng đến người dân Mỹ". Theo bà Vanden Houten, bất kỳ dấu hiệu suy yếu nào của nền kinh tế sẽ gây bất lợi cho người vừa thay ông Biden làm ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ, tức Phó Tổng thống Kamala Harris.
Hải Ngọc
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/noi-lo-suy-thoai-de-nang-len-fed-196240807203143678.htm