Nỗi lo tai nạn đuối nước ở trẻ em

5 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Khánh Hòa xảy ra 9 vụ tai nạn đuối nước, làm 10 trẻ tử vong. Còn số này đáng báo động trong công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn tỉnh. Một mùa hè nữa lại về, kéo theo nỗi lo tai nạn đuối nước ở trẻ, vì vậy rất cần giải pháp căn cơ, hiệu quả để không còn xảy ra những sự việc đau lòng.

Do thiếu nơi vui chơi an toàn, trẻ em thường ra sông, suối nghịch nước.

Do thiếu nơi vui chơi an toàn, trẻ em thường ra sông, suối nghịch nước.

Nỗi đau còn đó

Gần 1 tháng nay, ông Võ Ký (phường Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa) không thể nào quên được hình ảnh cháu ngoại Võ Tú Quân (sinh năm 2016) chết do tai nạn đuối nước hôm 12-5. Vì hoàn cảnh éo le, 3 mẹ con Quân phải sống chung với ông bà ngoại. Hàng ngày, mẹ Quân và bà ngoại đi làm thuê kiếm tiền lo cho gia đình. Việc chăm sóc, đưa đón học hành của 2 chị em Quân đều do ông ngoại chăm lo. Ấy vậy mà, chỉ vì vài phút lơ là, gia đình ông đã mất cháu Quân. Ông Ký nghẹn ngào kể lại, hôm ấy là Chủ nhật, Quân được nghỉ học. Bình thường, cháu chỉ chơi với các bạn trong xóm. Đến khoảng 18 giờ, trời dần tối, đám trẻ chơi thả diều đã về, nhưng riêng Quân không thấy đâu nên ông Ký gọi mọi người đi tìm kiếm khắp nơi. Tìm đến những nơi cháu thường chơi vẫn không thấy, hoảng hốt, ông chạy ngược ra khúc sông Đá Hàn cách nhà hơn 500m thì thấy đôi dép và chiếc mũ của cháu ở trên bờ. Nghiệt ngã thay, khi người dân lần mò dưới dòng nước đã vớt lên thi thể 1 đứa trẻ, ông Ký như chết lặng bởi đó là cháu mình. Nỗi đau “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh” khiến ai nấy đều xót xa.

Trong căn nhà được mạnh thường quân xây tặng, bà Đoàn Thị Thanh Diễm (xã Ninh Thượng, Ninh Hòa) ngồi bần thần trước bàn thờ con trai Đào Quốc Bảo (sinh năm 2009) chết do bị đuối nước hồi tháng 3. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Bảo nghỉ học từ năm lớp 7, vào Nha Trang đi làm kiếm tiền phụ bố, mẹ lo cho hai em. Hôm 16-3, trời nắng nóng, Bảo không đi làm mà ở nhà rủ các bạn đến hồ Đá Bàn (xã Ninh Sơn, Ninh Hòa) tắm cho mát. Tự tin mình biết bơi, Bảo nhảy xuống hồ tắm thì bị rong quấn vào chân nên vùng vẫy, dẫn đến kiệt sức mà đuối nước. Đang chặt mía thuê ngoài đồng, bà Diễm nhận hung tin nên tất tả chạy bộ về nhà, nghe con trai thứ mếu máo nói: “Mẹ ơi, anh hai chết rồi”. Đưa tay áo lau dòng nước mắt, bà Diễm kể: “Bảo là đứa con rất hiếu thảo, hiền lành và thương các em. Lúc ở nhà đều tự giác phụ ba mẹ giặt giũ quần áo, cơm nước; những ngày đi làm xa lại gửi tiền về mua bánh kẹo, quần áo cho các em, dành dụm tiền bảo tôi mua đồ dùng sinh hoạt trong nhà. Vậy mà!…”. Từ ngày mất đi đứa con ngoan hiền, bà Diễm như người mất hồn vì thương nhớ con.

Chiều muộn, chúng tôi ghé thăm gia đình bà Hoàng Thị Phượng ở xã Khánh Trung (huyện Khánh Vĩnh). Trong căn nhà nhỏ đơn sơ, bàn thờ con trai bà là Trần Hoàng Thiện (sinh năm 2019) luôn nghi ngút khói hương. Mỗi lần nhắc đến con, bà Phượng lại òa khóc vì thương nhớ. Nguôi ngoai dòng cảm xúc, bà Phượng kể: “Hôm 23-4, khi tôi vừa đón cháu đi học về, thấy trời oi nóng nên bà ngoại dẫn Thiện cùng em ra tắm sông cách nhà 50m. Lúc này, ở đây có rất nhiều trẻ em trong làng ra tắm. Khoảng 30 phút sau, tôi chỉ thấy bà ngoại dẫn đứa em về nên hỏi Thiện đã về chưa. Nghiệt ngã thay, khi mọi người chạy ra sông mò tìm thì phát hiện thi thể của con tôi. Chỉ vì sự bất cẩn, thiếu giám sát của người lớn mà tôi đã mất con mãi mãi”…

Còn nhiều nỗi lo

Những ngày này, trời nóng nực, ở các con sông, suối, ao, hồ, biển trên địa bàn tỉnh không khó bắt gặp hình ảnh trẻ em tắm, nghịch nước nhưng thiếu sự trông coi của người lớn. Bên bờ sông Giang (xã Khánh Trung, Khánh Vĩnh), chúng tôi bắt gặp một số trẻ em vui đùa bên mép sông. Chỉ cần sẩy chân thì các em có thể bị dòng nước cuốn ra xa. Một người dân nhà gần sông Giang cho biết: “Ở khúc sông này đã có nhiều trẻ em chết vì đuối nước. Thế nhưng, chính quyền địa phương không rào chắn hay cắm biển cảnh báo gì. Hè tới, chiều nào lũ trẻ trong làng cũng kéo nhau ra đây vui đùa, tắm sông, rất nguy hiểm”. Theo lãnh đạo huyện Khánh Vĩnh, toàn huyện hiện có 12.942 trẻ em, nhưng địa phương chỉ có 3 hồ bơi nhân tạo được đầu tư tại 3 trường THCS. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng và ít hoạt động nên các hồ bơi vẫn chưa phát huy hiệu quả. Trong khi đó, huyện có rất ít khu vui chơi an toàn dành cho trẻ nên mỗi khi hè về, các em thường ra sông, suối tắm. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 3 vụ tai nạn đuối nước, khiến 3 trẻ em tử vong.

Bà Nguyễn Thị Kim Liên - Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Ninh Hòa chia sẻ, thị xã hiện có 47.599 trẻ em. Hè về, nỗi lo trẻ bị đuối nước, tai nạn thương tích… lại thường trực. Bởi hiện nay, nhiều trẻ em chưa được học kỹ năng bơi lội, phòng, tránh tai nạn thương tích; người lớn, trẻ em còn thiếu kiến thức về mối nguy hiểm, các yếu tố nguy cơ. Với tính hiếu động, tò mò của trẻ em, tính thích nghịch nước, sự bất cẩn của gia đình rất dễ dẫn tới trẻ bị đuối nước. Ngoài hồ, sông, suối tự nhiên, nhiều đơn vị, cá nhân thi công công trình, múc đất làm gạch… nhưng không rào chắn, cảnh báo là những mối nguy hiểm đối với trẻ. Mặc dù địa phương đã tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhưng tình trạng trẻ em bị tai nạn đuối nước vẫn xảy ra nhiều. Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn thị xã có 16 trẻ em bị tử vong do đuối nước, riêng 5 tháng đầu năm 2024 có 4 trẻ tử vong.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2023, toàn tỉnh có 14 trẻ bị tai nạn đuối nước; 5 tháng đầu năm 2024 đã xảy ra 9 vụ đuối nước, làm 10 trẻ tử vong. Đây là những con số đau lòng, báo động về công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em hiện nay còn nhiều tồn tại. Điều này là do trẻ em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ bản thân, phòng, tránh tai nạn đuối nước. Bên cạnh đó, việc thiếu khu vui chơi, sân chơi ở cộng đồng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn nên nhiều trẻ tự tìm đến kênh, mương, sông, suối... vui chơi khiến tình hình thêm phức tạp. Sự chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc, để trẻ tự do đi lại dẫn đến trẻ bị đuối nước…

Cần những giải pháp căn cơ

Để phòng, chống đuối nước cho trẻ em, nhất là dịp nghỉ hè, theo bà Nguyễn Thị Kim Liên, trước tiên, mỗi gia đình có trẻ em cần thường xuyên trông giữ, quản lý trẻ; giám sát, nhắc nhở trẻ em về các nguy cơ gây tai nạn đuối nước; chủ động đưa con đi học bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Đặc biệt, tỉnh cần dành nguồn lực đầu tư xây dựng hồ bơi ở tất cả các địa phương và thực hiện xã hội hóa công tác xây hồ bơi, dạy bơi cho trẻ. Cùng với đó, các địa phương chủ động rà soát những điểm có nguy cơ gây tai nạn đuối nước để rào chắn, đặt biển cảnh báo, phân công lực lượng cảnh giới. Cơ quan công an cần điều tra, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với những vụ việc tai nạn đuối nước làm trẻ tử vong. Còn theo bà Đinh Thị Nam - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Nha Trang, các ngành chức năng cần đưa môn dạy bơi thành môn học chính thức trong giáo dục thể chất, thay vì là môn tự chọn hay giải trí để rèn luyện và nâng cao ý thức cho trẻ; đưa việc dạy kỹ năng nhận biết, tự bảo vệ bản thân và người khác khi gặp tai nạn thương tích, đuối nước vào trường học; chủ động phối hợp liên ngành trong việc triển khai công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Trẻ em huyện Khánh Sơn vui chơi tại khu trò chơi được các đơn vị, doanh nghiệp tài trợ.

Trẻ em huyện Khánh Sơn vui chơi tại khu trò chơi được các đơn vị, doanh nghiệp tài trợ.

Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, phòng, chống đuối nước cho trẻ em được coi là vấn đề cấp bách, cần có sự quan tâm vào cuộc của toàn xã hội. Vì vậy, cả hệ thống chính trị cần tăng cường công tác truyền thông, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, địa phương, gia đình, cá nhân về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; mở nhiều lớp dạy bơi cho trẻ em và vận động, khuyến khích cha mẹ đưa con trẻ học bơi. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các mô hình: “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn”; vận động các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình, khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tổ chức những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phù hợp với từng lứa tuổi để trẻ được sống trong môi trường an toàn, thân thiện, phát triển một cách toàn diện…

PHÚ AN - CHÂU TƯỜNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202406/noi-lo-tai-nan-duoi-nuoc-o-tre-em-3515a42/