Nỗi lo tăng giá sau tăng lương
Theo ghi nhận tại một số chợ truyền thống và siêu thị trên địa bàn thành phố Việt Trì, một số mặt hàng có xu hướng tăng trước thềm cải cách tiền lương. Tại chợ trung tâm thành phố, các mặt hàng thiết yếu tăng giá so với các tháng trước. Những mặt hàng tươi sống như thịt được ghi nhận có mức tăng 5-10%, riêng rau, củ, quả với mức tăng từ 10-50%. Đối với các mặt hàng đông lạnh cũng có mức tăng từ 15-20%.
Theo các chủ cơ sở kinh doanh, tiểu thương, các chi phí vận chuyển, bảo quản nguyên liệu, thời tiết... là nguyên nhân chính ảnh hưởng của giá cả các mặt hàng. Bà Nguyễn Thị Liên, tiểu thương tại chợ Trung tâm thành phố cho biết: Hiện các mặt hàng thịt, giá cả đã bắt đầu tăng từ đầu tháng 6. Cụ thể, thịt lợn ba chỉ có giá dao động từ 130.000-140.000 đồng/kg; sườn non giá từ 150.000-160.000 đồng/kg; thịt nạc vai từ 90.000-100.000 đồng; giò lợn từ 90.000-110.000 đồng/kg. So với thời điểm đầu tháng 5, các sản phẩm thịt lợn tươi sống đã tăng từ 6-10%. Các loại cá trắm đen, cá quả có giá 100.000 đồng/kg...
Tương tự, giá các mặt hàng rau, củ, quả đều có sự biến động, tăng từ 2.000-10.000 đồng/kg tùy mặt hàng. Cụ thể, các loại rau cải có giá 12.000 đồng/kg, rau muống, mồng tơi có giá 10.000 đồng/kg,... Ông Nguyễn Văn Nghĩa - Giám đốc rau an toàn Tứ Xã, huyện Lâm Thao cho biết: “Một số loại rau củ tăng giá nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết thất thường, mưa kèm nắng nóng nên việc bảo quản và chăm sóc rau cũng khó khăn hơn, số lượng rau ngon cũng ít đi nên dẫn đến giá rau tăng”.
Tại siêu thị Winmart, các sản phẩm thịt lợn có giá bán trong khoảng 82.900-194.900 đồng/kg, các sản phẩm nước mắm, nước giặt,... đều tăng giá.
Đợt cải cách tiền lương ngày 1/7 tới đây được nhiều công chức, viên chức, người lao động mong chờ vì mức lương có thể tăng tới 30%, qua đó, nâng cao thu nhập và mức sống. Tuy nhiên, niềm vui này sẽ không trọn vẹn nếu giá cả hàng hóa cũng tăng theo.
Chị Đỗ Thị Hòa - giáo viên Trường Mầm non Dữu Lâu, TP Việt Trì chia sẻ: “Khi nghe tin giáo viên thuộc nhóm được tăng lương cao so với mặt bằng chung các nghề nghiệp khác, tôi đã rất vui mừng, sinh hoạt gia đình sẽ được cải thiện phần nào, giáo viên chúng tôi yên tâm tập trung thời gian, tâm trí với nghề. Tuy nhiên, nếu giá cả hàng hóa thị trường tăng quá cao thì đối tượng công chức, viên chức và người nghỉ hưu, đối tượng chính sách xã hội, người có công, nhất là lao động nghèo lại gặp khó khăn. Vì dù tăng lương nhưng vẫn không theo kịp tốc độ tăng giá của hàng hóa. Việc tăng lương chỉ thực sự ý nghĩa khi giá cả được giữ ổn định ở mức tương đối, nhất là với mặt hàng thiết yếu”.
Là lao động tự do, không nằm trong các đối tượng được tăng lương nên chị Nguyễn Hồng Thái, phường Vân Phú, TP Việt Trì vô cùng lo lắng vì các khoản chi phí sinh hoạt của gia đình bị đội lên khi lương tăng. Chị cho biết: “Gần đây, một số mặt hàng thiết yếu ở chợ đã rục rịch tăng. Những người được tăng lương thì không nói, nhưng những người làm nghề tự do hay công nhân như tôi không có thêm khoản thu nhập sẽ gặp khó khăn vì phải bù vào chi phí hàng hóa tăng. Chính vì vậy, tôi mong các cơ quan Nhà nước sẽ có những biện pháp quyết liệt để kiểm tra, ngăn chặn tình trạng tăng giá”
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, bình quân 5 tháng đầu năm nay, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) nước ta tăng 4,03% so với cùng kỳ năm 2023. Trong mức tăng này, có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, chỉ có 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm (nhóm viễn thông, giảm 1,46% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, đáng chú ý là nhóm giáo dục tăng 8,7%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,87%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,49%.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo, đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành 6 tháng đầu năm, định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá - đề nghị các cơ quan cần làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra quá trình niêm yết thực hiện các chính sách, quy định về giá, trong đó kiểm tra yếu tố hình thành giá, không để tăng lương dẫn đến tăng giá bất hợp lý, làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương.
Đồng thời, cần phải kiểm tra, kiểm soát, giám sát, đặc biệt là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, niêm yết giá tại các chợ truyền thống.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/noi-lo-tang-gia-sau-tang-luong-214325.htm