Nỗi lo thực phẩm bẩn dịp Tết nguyên đán
Cuối năm là thởi thời điểm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng đột biến. Đây cũng là lúc thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có cơ hội trà trộn vào thị trường, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
Bắt giữ nhiều vụ vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc
Nhiều năm qua, công tác quản lý nhà nước về An toàn thực phẩm vẫn là bài toán khó cho cơ quan quản lý không chỉ riêng Nghệ An mà còn nhiều địa phương khác trên cả nước.
Càng gần đến Tết Nguyên đán, số vụ thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc bị cơ quan chức năng bắt giữ càng nhiều khiến người tiêu dùng bất an. Đơn cử, trung tuần tháng 11 vừa qua, lực lượng quản lý thị trường Nghệ An đã phối hợp với Công an huyện Quỳnh Lưu chốt chặn, kiểm tra, phát hiện, thu giữ 50 kg chân gà và 40 kg xương ống lợn đông lạnh. Tất cả hàng hóa đều không có nhãn phụ tiếng Việt và không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc.
Trước đó, vào đầu tháng 10, tại nhà bà Hồ Thị Thương (SN 1986, trú tại thôn 14, xã Quỳnh Vinh, TX.Hoàng Mai, Nghệ An), Công an thị xã Hoàng Mai đã tiến hành kiểm tra và phát hiện bà Hồ Thị Thương đang tập kết, kinh doanh hàng hóa là các sản phẩm động vật. Tang vật thu giữ khoảng 400 kg da trâu, da bò đang bốc mùi hôi thối, 1.400 kg mỡ bò, mỡ lợn, 200 kg tóp mỡ lợn, mỡ bẩn.
Bước đầu, bà Hồ Thị Thương khai nhận thu mua các loại sản phẩm trên để mục đích kinh doanh. Sau khi mua về, bà Thương sẽ lọc lấy phần mỡ bò, mỡ lợn và chiên lên thành dầu ăn, tóp mỡ để bán cho các quán ăn bình dân trong và ngoài tỉnh. Da trâu, bò sẽ được bán ra tỉnh Hưng Yên để làm da giày. Được biết, cơ sở chế biến sản phẩm động vật bẩn này hoạt động từ đầu năm 2022.
Ngày 30/10, Đội quản lý thị trường số 1 - Cục quản lý thị trường tỉnh Nghệ An phối hợp với Trạm cảnh sát giao thông Diễn Châu - Phòng cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Nghệ An kiểm tra phương tiện ô tô khách mang biển kiểm soát 72F-000.67 do ông Nguyễn Văn Hoài có địa chỉ tại thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) điều khiển.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện phương tiện đang vận chuyển 200kg xúc xích đông lạnh, toàn bộ số hàng đã bốc mùi hôi thối, chủ xe không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng nói trên.
Thực tế, thực phẩm tiêu thụ tại Nghệ An phần nhiều từ các tỉnh, thành khác đổ về. Trong đó, hệ thống phân phối hiện đại chiếm khoảng 30% tổng lượng hàng hóa thực phẩm tươi sống, 70% còn lại ở các chợ đầu mối và chợ truyền thống. Đáng nói, trong khi thực phẩm tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống gần như chưa được kiểm soát thì nguy cơ thực phẩm không rõ nguồn gốc len lỏi vào bàn ăn của mỗi gia đình, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Hường - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An lo ngại, cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, một số chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm đã lén lút đưa ra thị trường các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc quá hạn sử dụng để bán kiếm lời, bất chấp hậu quả xấu đối với sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, lực lượng đã tăng cường triển khai các biện pháp kiểm soát thị trường để ngăn chặn các hành vi vi phạm này.
Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm
Nhằm đảm bảo thực phẩm lưu thông trên thị trường an toàn, đặc biệt là Tết nguyên đán đang cận kề, lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã và đang tăng cường triển khai công tác thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm trên toàn địa bàn. Trong đó, chú trọng kiểm tra tại các cơ sở phân phối, chợ truyền thống, hệ thống siêu thị, hàng hóa lưu thông trên thị trường; xử lý nghiêm các sai phạm.
Lực lượng Quản lý thị trường Nghệ An cho biết, so với những năm trước, hiện nay, hầu hết các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm đã nắm bắt được Luật an toàn thực phẩm, thể hiện qua việc các cơ sở tuân thủ quy định mua bán các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ, đầy đủ giấy tờ liên quan, tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm, đầu tư cơ sở vật chất khu vực sản xuất, chế biến thực phẩm khang trang...
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ sở, nhất là cơ sở nhỏ lẻ, hộ gia đình vi phạm, chưa tuân thủ quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, cơ sở chế biến tồi tàn, không đảm bảo vệ sinh.
Theo Sở Y tế tỉnh Nghệ An, từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng tỉnh này đã thành lập 933 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm tại 10.704 cơ sở, trong đó có 9.760 cơ sở đạt (chiếm 91,18%) và 944 cơ sở vi phạm (chiếm 8,82%). Ngoài ra, thực hiện tiêu hủy sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc... với tổng giá trị hơn 624 triệu đồng.
Các lỗi vi phạm chủ yếu phát hiện trong qua trình kiểm tra như cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề có điều kiện mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc đã hết hạn. Thực hiện không đúng quy định của pháp luật về kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn. Người trực tiếp chế biến thức ăn không có trang phục bảo hộ lao động theo quy định. Khu vực chứa đựng, kho bảo quản không đảm bảo. Vi phạm quy định của pháp luật về bảo quản thực phẩm...
Đồng thời cơ quan chức năng tỉnh này đã triển khai giám sát 367 mẫu thực phẩm, sản phẩm nông, lâm, thủy sản, nhằm kịp thời cảnh báo nguy cơ sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Trong đó, có 359 mẫu đạt (chiếm 97,8%) và 8 mẫu không đạt (chiếm 2,2%). Đối với các mẫu vi phạm đã tiến hành gửi thông báo và thành lập đoàn điều tra, xác minh theo quy định.
TS.BS Nguyễn Hữu Lê – Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, công tác quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh được phân công, phân cấp, tạo được sự thống nhất. Các ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương và UBND cấp huyện đã triển khai thủ tục hành chính lĩnh vực an toàn thực phẩm cho các cá nhân, tổ chức sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo đúng quy định.
Để công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thực sự đem lại hiệu quả, các cấp, ngành, đặc biệt là cấp huyện, xã cần phải nâng cao vai trò, trách nhiệm về đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý; phát huy hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền với các đoàn thể trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, huy động cả cộng đồng cùng tham gia giám sát, phát hiện, tố cáo các cơ sở, tổ chức, cá nhân vi phạm, sản xuất thực phẩm bẩn.
Các lực lượng chức năng cần phải tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo quy định an toàn thực phẩm; đồng thời tôn vinh, quảng bá, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, nhất là sản phẩm truyền thống mang đặc trưng vùng miền.
Những người sản xuất, kinh doanh cần phải tự giác chấp hành các quy định của nhà nước trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Còn phía người tiêu dùng hãy luôn tỉnh táo, hãy là người tiêu dùng thông thái, sáng suốt trong việc lựa chọn các loại sản phẩm, thực phẩm an toàn, có đầy đủ nguồn gốc xuất xứ để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.