Nỗi lo Trung Quốc 'xuất khẩu' giảm phát
Trung Quốc rơi vào giảm phát có thể là nỗi lo mới của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là Đông Nam Á. Nhưng trong ngắn hạn, đó có thể là tin vui đối với cuộc chiến chống lạm phát ở các nước phía bên kia bán cầu, chẳng hạn như Mỹ.
Được xem như 'công xưởng của thế giới' trong nhiều thập kỷ, hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc đã 'phủ sóng' khắp các cửa hàng trên toàn cầu. Nhưng cuộc khủng hoảng bất động sản và thất nghiệp ở người trẻ có thể khiến quốc gia này xuất khẩu những thứ khác: giảm phát và tăng trưởng suy yếu.
Cùng với đó, việc cố gắng giảm phụ thuộc thương mại và đầu tư vào phương Tây có thể tạo ra lực cản đối với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của Trung Quốc.
Ông Brendan McKenna, nhà kinh tế quốc tế tại Wells Fargo, lo ngại tình trạng giảm phát ở Trung Quốc có thể lan ra phần còn lại của thế giới. “Trong kịch bản Trung Quốc gặp khủng hoảng và 'xuất khẩu' giảm phát, điều đó sẽ ảnh hưởng đến Mỹ. Nếu giảm phát xảy ra, nó có thể là vấn đề nghiêm trọng hơn lạm phát”, ông nói.
Trung Quốc sẽ 'xuất khẩu' giảm phát như thế nào (?!). Thứ nhất, vai trò là quốc gia tiêu dùng hàng hóa hàng đầu của họ mang lại cho nền kinh tế trong nước ảnh hưởng to lớn đến giá cả toàn cầu của mọi thứ, từ quặng sắt cho đến thép. Thứ hai, khi doanh số bán hàng trong nước sụt giảm, các nhà sản xuất Trung Quốc có khả năng sẽ giảm giá, khiến hàng hóa giá rẻ được xuất khẩu ra nước ngoài nhiều hơn.
Ông McKenna lo ngại rằng các vấn đề trong nước sẽ đưa Trung Quốc bước vào một 'kỷ nguyên' mới. Trong đó, tăng trưởng GDP sẽ chậm lại rõ rệt. Đóng góp 35% tăng trưởng GDP toàn cầu, việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc đồng nghĩa với một kỷ nguyên toàn mới cho nền kinh tế toàn cầu.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, từ năm 1980 đến nay, nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng trung bình khoảng 3,5% mỗi năm. “Tôi nghĩ trong vòng 5 đến 10 năm tới, chúng ta có thể sẽ xem xét mức bình thường mới sát hơn với con số 2,5%”.
Các vấn đề gần đây về giảm phát của Trung Quốc có thể lây nhiễm sang phần còn lại của thế giới (Ảnh: Getty)
Giảm phát ở Trung Quốc
Vào đầu năm 2023, nhiều nhà kinh tế hy vọng rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng mạnh sau khi nước này dỡ bỏ chính sách Zero Covid. Tuy nhiên, sự phục hồi không được như mong đợi, khiến một số chuyên gia cảnh báo rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với một “thập kỷ mất mát” tương tự như Nhật Bản đã trải qua trong những năm 90.
Dân số già, nợ gia tăng và cuộc khủng hoảng bất động sản đã làm chậm nền kinh tế, trong đó người tiêu dùng và doanh nghiệp tập trung vào việc tiết kiệm và trả nợ thay vì chi tiêu hoặc đầu tư, nhà kinh tế trưởng Richard Koo của Viện nghiên cứu Nomura cho hay. Ông chỉ ra rằng GDP của Trung Quốc trong quý 2 chỉ tăng 0,8% so với quý trước, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng suy yếu.
Alfredo Montufar-Helu, người điều hành Trung tâm Kinh tế và Kinh doanh Trung Quốc của Conference Board, nói rằng người tiêu dùng và doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng quan tâm đến giá cả và khắt khe hơn khi mua sắm.
Ngoài suy thoái bảng cân đối kế toán và vấn đề thất nghiệp ở thanh niên, khoản nợ của chính quyền địa phương lên tới 13 nghìn tỉ USD vào năm 2022 và giá bất động sản đã giảm mạnh do nhiều năm xây dựng quá độ. Mức độ dư cung nhà ở trong nước đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Tổng cộng có 4 triệu căn hộ đã hoàn thiện hiện không có người ở trên toàn quốc, khiến các nhà phát triển bất động sản rơi vào tình trạng khó khăn.
Country Garden, một trong những nhà phát triển bất động sản thương mại và dân cư lớn nhất Trung Quốc, đang phải đối mặt với tình trạng vỡ nợ. Trong khi, Evergrande đã nộp đơn bảo hộ phá sản tại Mỹ trong tháng này.
Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đang gặp khó khăn (Ảnh: NYTimes)
Khi nền kinh tế Trung Quốc chuyển từ vai trò là công xưởng của thế giới sang mô hình phát triển lấy người tiêu dùng làm trung tâm, một bộ phận thanh niên trong nước lại quyết định "nằm yên, mặc kệ đời" thay vì tham gia vào công việc tại nhà máy.
Tất cả những vấn đề này đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng niềm tin, ảnh hưởng tới nền kinh tế.
"Thách thức thực sự là niềm tin của người tiêu dùng vẫn còn thấp. 3 năm đại dịch COVID và sự suy thoái của lĩnh vực bất động sản đã gây ảnh hưởng khủng khiếp đến vấn đề tài chính của các hộ gia đình Trung Quốc. Và điều này đã dẫn đến sự suy giảm niềm tin và nhu cầu mà chúng ta đang thấy”, Alfredo Montufar-Helu nói.
Nhu cầu suy giảm ở Trung Quốc thậm chí còn góp phần gây ra tình trạng giảm phát trong tháng 7. Một số nhà kinh tế học lập luận rằng giảm phát của Trung Quốc có thể giúp làm chậm lạm phát ở Mỹ trong thời gian tới, cho phép Fed tạm dừng chiến dịch tăng lãi suất mạnh mẽ trong 17 tháng qua.
Nhưng giảm phát cũng có thể là một căn bệnh kinh tế nghiêm trọng hơn lạm phát. Nó thường dẫn đến một vòng luẩn quẩn trong nền kinh tế, nơi giá cả giảm khiến chi tiêu của người tiêu dùng giảm, từ đó khiến lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm, buộc họ phải sa thải nhân viên hoặc cắt giảm đầu tư.
Người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm thay vì chi tiêu (Ảnh: Getty)
“Bình thường mới” của kinh tế toàn cầu
Năm 1978, chính phủ Trung Quốc đã ban hành một loạt cải cách thị trường tự do, mở cửa đối với các khoản đầu tư và thương mại nước ngoài.
Đó là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mà Ngân hàng Thế giới (WB) gọi là “sự mở rộng bền vững nhanh nhất của một nền kinh tế lớn trong lịch sử”. Tăng trưởng GDP thực tế hàng năm của Trung Quốc tăng trung bình 9,5% từ năm 1978 đến năm 2018, khi quốc gia này nhanh chóng trở thành cường quốc thế giới và đưa hơn 800 triệu công dân thoát nghèo.
Bắc Kinh đã bơm tiền vào nền kinh tế của mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trên toàn cầu về hàng hóa giá rẻ trong thời kỳ đó, thường thông qua các doanh nghiệp nhà nước và thường thông qua nợ. Họ đã chi hàng tỉ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn, từ những tòa nhà chọc trời đến tàu cao tốc hiện đại. Nhưng những người chỉ trích nói rằng nó không thể kéo dài.
Kể từ khi “các thành phố ma” của Trung Quốc trở thành tiêu đề của các phương tiện truyền thông phương Tây cách đây hơn một thập kỷ, nhiều người đã tỏ ra hoài nghi về việc tăng trưởng tập trung vào xuất khẩu và dựa vào nợ của Trung Quốc giúp họ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Mặc dù mô hình kinh tế cũ của Trung Quốc cho phép tăng trưởng nhanh nhưng nó cũng tạo ra sự mất cân bằng do tập trung đầu tư vào các ngành sản xuất và xây dựng mà không hỗ trợ đầy đủ cho nhu cầu tiêu dùng. Và COVID càng làm nổi bật những sự mất cân bằng đó.
Trung Quốc tăng trưởng nhanh nhưng cũng mất cân bằng (Ảnh: Getty)
“Thật không may, tôi nghĩ họ không chú ý quá nhiều đến phía cầu của nền kinh tế”, Montufar-Helu của Conference Board cho hay. “Nếu bạn muốn tiêu dùng nội địa tăng bền vững, một trong những khía cạnh quan trọng bạn cần trong nền kinh tế của mình là một hệ thống an sinh xã hội rất mạnh mẽ mà Trung Quốc không có. Bạn cần được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ y tế và giáo dục có chất lượng trên toàn quốc, nhưng Trung Quốc chỉ có một chút”.
Montufar-Helu cho biết niềm tin của người tiêu dùng càng suy giảm bởi sự mất cân bằng này. Trong nhiều ngành công nghiệp, như nhà ở, có nhiều nguồn cung nhưng không đủ cầu.
Mặc dù GDP của Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng trong những thập kỷ sau cải cách kinh tế năm 1978, Mckenna đến từ Wells Fargo cho rằng các vấn đề kinh tế hiện tại của họ có thể sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng GDP xuống mức trung bình từ 3,5% đến 4% trong thập kỷ tới.
Theo kịch bản này, Mỹ cũng sẽ trải qua tình trạng tăng trưởng GDP chậm lại ở mức trung bình hàng năm khoảng 1,5%, một phần do sự suy giảm ở Trung Quốc, theo ông McKenna. Nhưng các nước mới nổi ở Đông Nam Á có thể phải chịu thiệt hại nhiều hơn vì nền kinh tế của họ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc về thương mại và đầu tư nước ngoài./.
Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/noi-lo-trung-quoc-xuat-khau-giam-phat-post169529.html