Nỗi lo trước mùa mưa bão

Hiện nay cả nước có hơn 9.700 km đê, trong đó có gần 6.900km đê sông và hơn 1.300km đê biển. Do biến đổi khí hậu, mỗi năm Việt Nam gánh chịu hàng chục cơn bão, lũ, cướp đi sinh mạng của nhiều người dân, gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng. Thế nhưng, những 'thành trì' bảo vệ làng mạc là đê điều lại đang bị xâm phạm nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao trước mỗi mùa mưa bão.

Thống kê mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tổng số hơn 9.700 km đê sông và đê biển của cả nước, có gần 2.780 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt. Từ khi Luật Đê điều có hiệu lực năm 2006 đến tháng 7 năm 2024, có tới 17.036 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, hiện mới xử lý được hơn 4.800 vụ, còn tồn đọng kéo dài hơn 12.200 vụ, chiếm 72%.

Hệ thống đê điều trên địa bàn cả nước chủ yếu đắp bằng đất, dưới tác động của mưa lũ, nhiều tuyến đê đã xuống cấp. Hiện trên các tuyến đê từ cấp III trở lên có 299 trọng điểm xung yếu; gần 270 km đê thiếu cao trình; gần 185 km đê xảy ra đùn sủi và hàng trăm cống, kè bị hư hỏng.

Trước diễn biến phức tạp của tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 447/2011 và Chỉ thị 24/2019 về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi, gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn còn buông lỏng quản lý, chưa thực hiện trách nhiệm ngăn chặn, xử lý dứt điểm vi phạm.

Vi phạm đê điều diễn ra hơn 20 năm, nhưng chưa được xử lý là một thực tế đáng kinh ngạc. Thế nhưng, thực tế này vẫn đang tiếp tục diễn ra tại nhiều địa phương, kéo dài từ năm này, qua năm khác, từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác.

Quả bóng trách nhiệm cũng được đá qua, đá lại. Còn các công trình xâm phạm hành lang đê điều, không gian thoát lũ một cách hết sức ngang nhiên, vẫn sừng sững mọc lên…

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Quốc Hưng - Như Huỳnh

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/noi-lo-truoc-mua-mua-bao-231432.htm