Tỉnh Hưng Yên thiệt hại hơn 2.200 tỷ đồng do bão lụt

Theo ước tính, cơn bão số 3 (bão Yagi) và tình trạng lũ, úng ngập sau đó đã gây thiệt hại cho toàn tỉnh Hưng Yên 2.258 tỷ đồng.

Đây là thông tin do đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên cho Mekong ASEAN biết ngày 16/9. Trong những ngày qua, tỉnh Hưng Yên đã huy động cả hệ thống chính trị, các đoàn thể và nhân dân tham gia công tác phòng chống ứng phó, cứu hộ cứu nạn và khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra.

Theo thống kê của tỉnh, tổng số người dân ngoài bãi sông được di dời là 6.368 người/1.926 hộ ra khỏi vùng nguy cơ mất an toàn. Công an tỉnh đã huy động trên 2.000 cán bộ, chiến sỹ cùng hàng trăm ô tô, mô tô… trực tiếp tham gia công tác phòng chống lũ, bão, phối hợp với các lực lượng chức năng bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh huy động trên 1.000 cán bộ, chiến sỹ của lực lượng thường trực và trên 12.000 dân quân tự vệ tham gia ứng phó, khắc phục ảnh hưởng của bão số 3; huy động trên 31 xe đặc chủng các loại cùng 33 xuồng và các trang thiết bị như áo phao, phao bè, cuốc xẻng…

Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc, cơ quan, đoàn thể, các cấp trên địa bàn tỉnh đã tích cực chủ động quyên góp, huy động các nguồn lực để hỗ trợ người dân ngay trong bão lũ.

Nhiều diện tích hoa màu, lúa, cây ăn quả, cây lâu năm… của Hưng Yên bị thiệt hại do bão số 3 và ngập lụt. Ảnh chụp trưa 16/9.

Nhiều diện tích hoa màu, lúa, cây ăn quả, cây lâu năm… của Hưng Yên bị thiệt hại do bão số 3 và ngập lụt. Ảnh chụp trưa 16/9.

Qua số liệu báo cáo ban đầu của các sở ban ngành, cơ quan, đơn vị và ủy ban các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, tính đến 12h ngày 13/9, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hưng Yên đã nhận được báo cáo thống kê thiệt hại của các huyện Kim Động, Khoái Châu, Văn Lâm và Văn Giang (các huyện, thị xã, thành phố còn lại đang rà soát, tổng hợp), ước tính tổng thiệt hại là 2.258,067 tỷ đồng (hiện tỉnh vẫn đang tiếp tục cập nhật).

Trong đó, 1.645 nhà ở bị hư hỏng, ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 25,045 tỷ đồng. Lĩnh vực giáo dục có các phòng học, nhà ở tập thể, thiết bị giáo dục và các thiệt hại khác bị hư hỏng, ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 3,413 tỷ đồng.

Về lĩnh vực y tế, gồm cơ sở, thiết bị vật tư, các thiệt hại khác bị hư hỏng, uớc tổng giá trị thiệt hại khoảng 24,054 tỷ đồng. Trong lĩnh vực văn hóa, một số công trình văn hóa, di tích lịch sử, trang thiết bị… cũng bị ảnh hưởng, ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 2,061 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh có 1.950ha cây màu; 2.114ha lúa; 3.844ha cây ăn quả, cây lâu năm… bị thiệt hại, ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 2.125,45 tỷ đồng.

Trong chăn nuôi, các loại vật nuôi bị chết, cuốn trôi, chuồng trại bị hư hỏng,… ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 19,298 tỷ đồng.

Về lĩnh vực thủy sản, ước tổng giá trị thiệt hại trên toàn tỉnh đến hiện tại là 30 tỷ đồng; trong đó, lồng bè nuôi trồng thủy sản khoảng 15 tỷ (lồng chìm và hỏng 250 lồng); nuôi trong các ao và đầm, hồ khoảng 15 tỷ (diện tích nuôi khoảng 700 ha).

Thiệt hại về lĩnh vực công nghiệp gồm các cột điện gãy đổ, trạm biến thế, máy móc bị hư hỏng…, ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 31.586 triệu đồng. Lĩnh vực thông tin liên lạc có các cột anten, cáp, thiết bị máy móc… bị hư hỏng, ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 843 triệu đồng.

Các thiệt hại khác như hạ tầng nước sạch, trụ sở, chợ, nhà kho…, ước tổng thiệt hại 11,322 tỷ đồng.

Về đê điều, tỉnh Hưng Yên có 59km đê tả sông Hồng, 20,7km đê tả sông Luộc và có 13 tuyến bối bảo vệ dân ở bãi sông. Trong đợt mưa bão vừa qua, tỉnh Hưng Yên có 9 sự cố đê điều (sự cố về sạt mái đê, đùn sủi, thẩm lậu, … khi lũ lên cao). Hiện tại các tuyến bối trên địa bàn tỉnh có hiện tượng tràn mặt, đùn sủi, sạt trượt ở một số tuyến bối.

Người dân thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) dọn dẹp mái tôn, cành cây bị gãy đổ sau bão lụt. Ảnh chụp trưa 16/9.

Người dân thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) dọn dẹp mái tôn, cành cây bị gãy đổ sau bão lụt. Ảnh chụp trưa 16/9.

Theo UBND tỉnh Hưng Yên, do ảnh hưởng mưa bão và lũ đã gây ra ngập lụt và thiệt hại trên địa bàn toàn tỉnh, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân và doanh nghiệp.

Để ổn định đời sống của người dân và ổn định sản xuất của doanh nghiệp sau mưa bão, lũ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hưng Yên tiếp tục chỉ đạo toàn diện công tác ứng phó với mưa, ngập úng, lũ và khắc phục hậu quả sau mưa bão, lũ.

Cụ thể, tiếp tục chỉ đạo, thực hiện các Văn bản, Công điện của Thủ tướng chính phủ, của các bộ, ngành Trung ương về ứng phó với bão, lũ và khắc phục hậu quả thiệt hại do thiên tai.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hưng Yên chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở; cứu chữa miễn phí cho người bị thương; tổ chức thăm hỏi động viên kịp thời cho các đối tượng chính sách.

Đồng thời, Kiểm tra, rà soát thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân, doanh nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng của nhà nước; chủ động huy động nguồn lực của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để khẩn trương khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ để nhanh chóng ổn định lại đời sống cho người dân.

Tiếp tục rà soát, kiểm tra, triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo “phương châm bốn tại chỗ”; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị, nhất là tại các trọng điểm xung yếu... Rà soát, triển khai ngay các phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân sinh sống tại các khu vực ngoài bãi sông, kể cả trong các tuyến đê bối có nguy cơ mất an toàn...

Lâm Hòa

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/tinh-hung-yen-thiet-hai-hon-2200-ty-dong-do-bao-lut-33473.html