Nỗi lo từ những biến tướng của tục bắt vợ

Nhiều năm trước, tục bắt vợ vốn là nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông sinh sống ở nhiều khu vực vùng cao, biên giới của nước ta. Tuy nhiên, cho đến nay, tục bắt vợ đang bị một số bộ phận giới trẻ biến tướng, lạm dụng, gây ra nhiều hệ lụy nặng nề cho bản thân, gia đình và xã hội. Dù chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đã vào cuộc để ngăn chặn, nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Cán bộ Đồn Biên phòng Làng Mô, BĐBP Quảng Bình cùng đại diện chính quyền địa phương tuyên truyền để người dân địa bàn tránh xa nạn tảo hôn. Ảnh: Thanh Nam

Cán bộ Đồn Biên phòng Làng Mô, BĐBP Quảng Bình cùng đại diện chính quyền địa phương tuyên truyền để người dân địa bàn tránh xa nạn tảo hôn. Ảnh: Thanh Nam

Đồng bào dân tộc Mông vốn sinh sống ở những khu vực vùng cao, biên giới của nhiều địa phương, tập trung đông nhất ở các tỉnh như Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An... Cộng đồng dân tộc Mông sống đoàn kết với các dân tộc khác, đồng thời, duy trì nhiều nét phong tục, tập quán, văn hóa đặc sắc, trong đó có tục bắt vợ vốn tồn tại trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Mông từ xa xưa và có tính nhân văn sâu sắc.

Theo truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, khi con trai đến tuổi trưởng thành, có người yêu và muốn kết hôn, cha mẹ chuẩn bị một số lễ vật để mang đến nhà gái làm lễ dạm hỏi. Thông thường, nhà trai phải đến nhà gái ít nhất từ hai lần trở lên mới được đồng ý gả con gái cho chàng trai làm vợ. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp, nhà gái cương quyết từ chối mối hôn sự vì mâu thuẫn giữa các dòng họ, gia đình. Nhưng khi đôi trai gái trưởng thành, nguyện sống chết có nhau, nhà trai vẫn chọn ngày lành tháng tốt để đón dâu. Khi đó, người con trai sẽ hẹn với người yêu, đợi nửa đêm cha mẹ ngủ say sẽ lén mở cửa theo chàng trai về nhà chồng. Đợi trời sáng, cha mẹ chàng trai sẽ cử người đến nhà gái thông báo là con trai đã “bắt” con gái họ về làm vợ và không phải đi tìm.

Đến ngày thứ ba, nhà trai chuẩn bị sính lễ, mời người đã được cử đến nhà gái thông báo làm chủ hôn, một phù rể, cùng đôi vợ chồng trẻ đến nhà gái thỉnh tội và tiến hành lễ ăn hỏi. Chính vì vậy, tục bắt vợ của người Mông xuất phát từ việc cha mẹ cấm đoán, ngăn cản con gái kết hôn với người mình yêu. Thực chất, tục bắt vợ của người Mông là hai bên nam, nữ đều đủ tuổi kết hôn, không vi phạm quy định của pháp luật và trước khi cô gái cùng người yêu đi về nhà chồng đều xin ý kiến cha mẹ đồng ý, sau đó thực hiện các nghi lễ cưới, hỏi. Vì lẽ đó, hình thức bắt vợ được cộng đồng người Mông chấp nhận qua nhiều thế hệ rồi trở thành nét đặc trưng riêng.

Thế nhưng hiện nay, phong tục bắt vợ đang bị một bộ phận người trẻ trong cộng đồng dân tộc Mông làm cho biến tướng, lệch lạc. Nhiều bạn trẻ người Mông cưới vợ, lấy chồng khi chưa đủ tuổi pháp luật quy định, để lại nhiều hệ lụy đau lòng. Cũng có những bạn nam đang trong độ tuổi học sinh, chỉ cần thích bạn học hoặc nữ sinh khác sẽ tìm cách lừa gạt, bắt ép đưa về làm vợ. Mới đây nhất, vào ngày 7-2, trong quá trình đi chơi Tết, em Giàng Mí C, 16 tuổi, xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã nhìn thấy, thích và tìm cách “bắt” một bé gái chưa đủ tuổi vị thành niên về làm vợ. Rất may, sự việc được cán bộ công an tại địa phương phát hiện, kịp thời ngăn chặn.

Ông Nông Văn Ngay, Chủ tịch UBND xã Giàng Chu Phìn cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, chính quyền địa phương đã mời bố mẹ của Giàng Mí C và C lên trụ sở để làm việc. Qua xác minh của công an thì Giàng Mí C có quen bé gái đấy và tỏ tình, rủ đi chơi, tuy nhiên bé gái đồng ý đi chơi nhưng chưa nhận lời yêu. Hiện, chúng tôi đã giáo dục và tuyên truyền cho C cùng gia đình cần rút kinh nghiệm, không lặp lại hành vi trên”.

Theo vị lãnh đạo xã Giàng Chu Phìn, tại xã có khoảng 95% cư dân là người Mông, ở xã vẫn còn lác đác vài trường hợp duy trì tục lệ bắt vợ, đặc biệt là thanh niên nam nữ đi chơi hội Xuân. Lường trước được tình hình trên nên trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, xã cắt cử công an viên, dân quân thôn bản tăng tuần tra trên địa bàn, kịp thời ngăn chặn những hành vi biến tướng tục lệ bắt vợ có thể xảy ra. Ngoài ra, hàng năm, chính quyền địa phương cũng tiến hành tuyên truyền, vận động bà con loại bỏ những hủ tục xấu ra khỏi đời sống cộng đồng.

Cũng trong ngày 7-2, em Và Y D, dân tộc Mông, 16 tuổi, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đã ăn lá ngón tự tử vì mâu thuẫn với gia đình chồng. Khi phát hiện em D ăn lá ngón, gia đình đã tìm mọi cách để cứu chữa, nhưng nạn nhân không thể qua khỏi. Được biết, tháng 6-2021, em D đã “theo chồng” về xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An để sinh sống. Tuy nhiên, trong quá trình sinh hoạt, lao động sản xuất, D không hòa hợp được với gia đình chồng, dẫn đến buồn chán. Đỉnh điểm, đầu tháng 2-2022, cô gái này đã tìm về nhà bố mẹ đẻ, sau đó ăn lá ngón tìm đến cái chết.

Tục bắt vợ và nạn tảo hôn trong cộng đồng dân tộc Mông thường diễn ra vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán hàng năm. Thiết nghĩ, muốn ngăn chặn được những biến tướng từ tục lệ này, chính quyền cơ sở, lực lượng chức năng cần phải làm tốt một số biện pháp như: Đẩy mạnh công tác truyền thông pháp luật hôn nhân và gia đình, một số điều của Bộ luật Hình sự hiện hành liên quan và pháp luật xử lý vi phạm hành chính tới các địa bàn dân cư. Giao nhiệm vụ cho trưởng bản, các già làng có uy tín giám sát, ngăn chặn kịp thời những ai có ý định lợi dụng tục bắt vợ. Đồng thời, chính quyền, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các vụ việc bắt vợ, tảo hôn để răn đe. Các trường học, cũng như gia đình cần tăng cường giáo dục học sinh, con em mình không cưới vợ, lấy chồng khi chưa đủ tuổi theo pháp luật quy định.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/noi-lo-tu-nhung-bien-tuong-cua-tuc-bat-vo-post448071.html