Nới lỏng giới hạn nồng độ cồn, điều gì sẽ xảy ra?
Hơn 3.400 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý, chỉ trong một tháng ra quân. Trung bình cứ 5 người vi phạm giao thông, thì có 1 người liên quan bia rượu. Đáng chú ý, 160 cán bộ, công chức của sở ngành, địa phương 'dính' cồn. Trong số đó, có cả trưởng công an phường, phó trưởng công an thành phố.
Cuộc chiến với vi phạm nồng độ cồn trong giao thông đang quyết liệt hơn bao giờ hết. 374.000 vi phạm nồng độ cồn bị xử lý trong 6 tháng đầu năm, là bấy nhiêu vụ tai nạn đã được ngăn chặn, là hàng triệu nguy thương vong được đẩy lùi.
Một thông điệp mạnh mẽ đang được phát đi, đó là tinh thần thượng tôn pháp luật, tính mạng con người là trên hết! Điều gì sẽ xảy ra, nếu cuộc chiến này chùng xuống? Điều gì xảy ra, nếu nới lỏng quy định về nồng độ cồn, khi mà mỗi ngày, vẫn có hàng chục người chết và bị thương do TNGT?
Tai nạn giao thông do nồng độ cồn đã giảm sâu
Thường xuyên tham gia giao thông trên đường, tài xế công nghệ Nguyễn Văn Thuận (ở Nam Trực, Nam Định) không ít lần chứng kiến những tài xế say rượu, điều khiển phương tiện trong tình trạng không tỉnh táo, thậm chí gây nguy hiểm cho người đi đường.
Tuy vậy, sau một thời gian lực lượng chức năng xử lý quyết liệt với những vi phạm về nồng độ cồn, anh Thuận đã yên tâm hơn trong cuộc mưu sinh: "Làm việc ấy là hoan nghênh, đỡ xảy ra tai nạn. Hai nữa là làm triệt để, làm mạnh tay là tốt để cho nó đỡ xảy ra vấn đề đáng thương tiếc, vì rượu bia nhiều khi quá đi rồi, nhất là lái ô tô, rượu bia xong rồi ra ngất ngất là lái không an toàn".
Đánh giá của UBATGTQG cho thấy, từ năm 2020, khi Nghị định 100 về nâng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, tình hình TNGT đã có những chuyển biển đáng kể. Cụ thể, trong số gần 2,9 trường hợp vi phạm TTATGT bị xử lý trong năm 2022, có tới hơn 308 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị phát hiện và xử lý, chiếm 11,01%.
Trong số hơn 11 nghìn vụ TNGT xảy ra trong năm 2022, cơ quan chức năng xác định có 2,02% số vụ do sử dụng rượu bia. So sánh với năm 2019- trước thời điểm Nghị định 100 có hiệu lực, tỷ lệ TNGT liên quan đến rượu bia có thời điểm lên đến 30-40%.
9 tháng đầu năm 2023, trong số hơn 2,5 triệu trường hợp vi phạm TTATGT bị phát hiện, xử lý, vi phạm nồng độ cồn chiếm hơn 550 nghìn trường hợp, chiếm 22,13%. Chỉ trong trong 6 tuần (từ ngày 30/8 đến 15/10), 6 tổ công tác do Cục Cảnh sát giao thông chủ trì, phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố đã phát hiện và xử lý hơn 6.100 trường hợp vi phạm, trong đó có 232 trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đánh giá của UBATGTQG, 9 tháng đầu năm, số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn đã giảm sâu so với các năm trước.
Đánh giá về những tác động từ việc kiểm soát chặt và xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, anh Nguyễn Văn Tuấn, ở Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết: "Mình không uống rượu bia trước khi tham gia giao thông thì rất an toàn, nó không ảnh hưởng đến việc lái xe của mình. Chứ nhiều vụ tai nạn chết người toàn vì rượu bia cả thôi, đâm ra CSGT mà làm được thì rất tốt".
Nhiều người tham gia giao thông cũng cho hay, việc ra quân kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông đã góp phần đáng kể vào việc kéo giảm thiệt hại do TNGT gây ra: "Về mức độ cho người tham gia giao thông thì việc kiểm soát chặt nồng độ cồn rất hiệu quả và rất tốt. Một người say đã đành, nhưng có thể gây thiệt hại cho cả người khác thì có phải khổ không. Cái gì an toàn vẫn là trên hết. Tham gia giao thông sẽ rất nguy hiểm khi có nồng độ cồn trong máu, nó làm cho phản ứng của mình chậm hơn. Cho nên việc đã uống rượu bia mà tham gia giao thông thì rất nguy hiểm. Từ khi có Nghị định 100 thì mỗi khi đi uống bia uống rượu mình cũng phải suy nghĩ rất nhiều, vì ngoài cái để ảnh hưởng đến sức khỏe, thứ 2 là ảnh hưởng đến kinh tế vì mức phạt rất nặng".
Nhiều nước phạt tù nếu nồng độ cồn vượt kịch khung
Chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo cho rằng, mức phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn hiện nay đã đủ sức răn đe với người tham gia giao thông. Tuy nhiên, cũng cần nâng mức phạt đối với những người vi phạm nồng độ cồn vượt quá 0,4mg/l khí thở, nhưng có thái độ chống đối, không chấp hành quy định kiểm tra nồng độ cồn.
Đặc biệt, với nhóm người vi phạm nồng độ cồn vượt quá 0,4mg/l khí thở, không còn khả năng kiểm soát hành vi, có nguy cơ cao gây tai nạn thì cần nâng khung hình phạt cao nhất. Ngoài áp mức phạt tiền, đồng thời phải thêm hình phạt lao động công ích hoặc hủy giấy phép lái xe: "Chúng ta phải bàn đến phương án là những người say quá, tức là cao hưn nữa thì chúng ta phải ban hành một khung nào đó mà nếu vi phạm đến mức đó thì tịch thu giấy phép lái xe".
Dẫn chứng tại Nga từ năm 2021 đã đưa ra quy định về tăng thời hạn phạt tù lên đến 3 năm đối với việc tái phạm hành vi lái xe trong tình trạng say xỉn, dù chưa gây tai nạn, luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Văn phòng luật sư Phạm Danh (Hà Nội) cho rằng, Việt Nam cũng cần tính tới việc xử lý hình sự với những trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức kịch khung, tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn tới TNGT: "Các nhà làm luật có thể nghiên cứu và đưa những quy định xử lý đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn vào quy định của Bộ luật Hình sự và có thể hình sự hóa đối với hành vi sử dụng rượu bia mà trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá một mức nào đó khi tham gia giao thông".
Tán thành quan điểm nay, TS Lê Thu Huyền, Đại học GTVT cũng dẫn chứng: tại Nhật Bản, lái xe khi say rượu có thể bị phạt tới 5 năm tù hoặc một triệu Yên. Lái xe có ma túy hoặc từ chối kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị phạt tù tới 3 năm, phạt 0,5 triệu Yên.
Ở Anh, lái xe có nồng độ cồn vượt mức cho phép bị phạt tù 6 tháng, phạt 5.000 bảng và cấm lái xe trong một năm. Bởi vậy, TS Lê Thu Huyền đề nghị sửa đổi các quy định hiện nay với lái xe vi phạm nồng độ cồn, như: buộc thi lại giấy phép lái xe, buộc lắp thiết bị kiểm soát nồng độ cồn trên xe, đặc biệt vi phạm nghiêm trọng có thể phạt tù.
TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng UBATGTQG cũng cho biết, trong nhiều cuộc hội thảo về ATGT và vi phạm nồng độ cồn, nhiều chuyên gia, luật sư cũng đề xuất nhiều giải pháp để xử lý hành vi lái xe sau khi uống rượu bia, đặc biệt là say xỉn đến mức mất kiểm soát hành vi: "Chẳng hạn như hàn vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về nồng độ cồn khi lái xe, đây là hành vi có mức độ nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng và đe dọa trực tiếp tới tính mạng của người dân. Bởi vì khi người điều khiển đã say tới mức độ mất kiểm soát thì họ có thể đâm vào bất cứ ai trên đường.
Với những hành vi đặc biệt nghiêm trọng như vậy, đã vi phạm khoản 4, Điều 260 của Bộ luật Hình sự và hệ thống luật pháp của chúng ta cần phải nghiên cứu để có cách ứng xử một cách tương ứng với mức độ vi phạm".
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/noi-long-gioi-han-nong-do-con-dieu-gi-se-xay-ra-post1059594.vov