Nới lỏng nhưng không lơ là

Đã có 224/268 bệnh nhân mắc Covid-19 khỏi bệnh (chiếm gần 84%) và hơn một tuần qua Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới - đó là kết quả sau đợt cao điểm cả nước thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội.

Vì vậy, tại cuộc họp trực tuyến mới đây với các bộ ngành, địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với các biện pháp nới lỏng cách ly xã hội do Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đề xuất, nhưng phải hết sức thận trọng. Đời sống sinh hoạt, sản xuất kinh doanh ở hầu hết các địa phương dần hoạt động, khôi phục trở lại.

Cả nước bước sang một giai đoạn chống dịch mới khi các biện pháp cách ly xã hội đã bắt đầu được nới lỏng. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lưu ý, nới lỏng cách ly xã hội nhưng không được chủ quan và đặc biệt phải xác định một “trạng thái bình thường mới” - chấp nhận sống trong trạng thái có dịch; không nên lơ là các biện pháp phòng chống dịch mà phải tiếp tục cảnh giác để dịch không bùng phát trở lại; đảm bảo mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Để làm được điều này, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho rằng, các địa phương cần thực hiện tốt mục tiêu 4 an toàn là: sản xuất kinh doanh an toàn, đi lại an toàn, đi học an toàn và khám chữa bệnh an toàn. Còn người dân cần thực hiện nghiêm túc “5 an toàn”: tất cả người dân phải đeo khẩu trang; tránh tiếp xúc, giao tiếp gần dưới 2m; không tụ tập đông người; hạn chế đi ra khỏi nhà nếu như không cần thiết và khai báo y tế trung thực.

Riêng TPHCM đã thực hiện xong giai đoạn 2 của dịch Covid-19 là giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, đã kiểm soát tốt tình hình dịch, và đến thời điểm hiện tại chỉ còn 1 ca nhiễm đang được điều trị tích cực. Tuy nhiên, sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, việc lưu thông, giao thương, đi lại dễ dàng hơn thì cũng là lúc TP có thể sẽ bước vào giai đoạn 3 của dịch Covid-19.

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM, giai đoạn 3 được dự báo sẽ khó khăn hơn, bởi dịch đã có dấu hiệu lây lan trong cộng đồng ở một số tỉnh, thành phố. Các trường hợp nhiễm Covid-19 có thể sẽ xuất hiện bất kỳ lúc nào, thậm chí có những trường hợp không rõ nguồn lây, không rõ yếu tố dịch tễ. Ngoài ra, những người nhập cảnh trong thời gian tới đây cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ nhiễm bệnh hơn giai đoạn vừa rồi, khi bệnh đã lan tràn ở khắp các châu lục trên thế giới. Vì thế, hơn lúc nào hết, người dân càng cần phải nêu cao ý thức trách nhiệm, cùng quyết tâm, đồng lòng chống dịch với mục tiêu “chung sống tuyệt đối an toàn”.

Để đạt mục tiêu đó, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã chỉ ra một số biện pháp bắt buộc phải thực hiện khi chuyển sang trạng thái “bình thường mới”. Đó là: việc đeo khẩu trang có thể là bắt buộc khi hoạt động cộng đồng (đi học, đi chợ, đi du lịch, trên phương tiện giao thông công cộng, khi gặp gỡ giao lưu với người khác trong một thời gian nhất định); người từ các nước đang có dịch hay lây nhiễm Covid-19 đến Việt Nam phải được kiểm tra dịch bệnh và cách ly 14 ngày, nếu có dấu hiệu nghi ngờ lây nhiễm, ngay lúc xuống máy bay, rời xe lửa, ôtô có thể phải được kiểm tra ngay (xác suất hoặc tập trung vào một số đối tượng hoặc một thời gian nhất định); khi phát hiện có người bị dương tính với Covid-19 thì người đó và tất cả những người tiếp xúc (F1, F2, F3) phải được cách ly triệt để, ít nhất 14 ngày; khoảng cách giữa người với người trong các hoạt động thường xuyên (sản xuất, nhà hàng, nhà hát, lớp học, tàu xe…) phải được quy định, có mức tối thiểu; quy mô một số hoạt động đông người bị giới hạn trong một thời gian nhất định (sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, hội họp…); thường xuyên phải rửa tay sát khuẩn, phương tiện giao thông được sát khuẩn định kỳ.

Theo các chuyên gia y tế, diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới còn rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, nếu chủ quan thì dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào, nhất là khi nới lỏng giãn cách xã hội. Vì thế, để chủ động khống chế dịch bệnh thì vai trò của mỗi tổ chức, cá nhân trong cộng đồng là rất quan trọng. Người dân cần nghiêm túc chấp hành các quy định phòng chống dịch trên địa bàn, tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh để giảm rủi ro lây nhiễm cho bản thân, gia đình, đơn vị và cộng đồng.

THÀNH AN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/noi-long-nhung-khong-lo-la-658944.html