Nỗi lòng quan họ làng Diềm (Bài 1)

Bắc Ninh có 49 làng quan họ và hằng năm vào ngày 13 tháng Giêng, hội Lim 'đến hẹn lại lên'. Trong 49 làng quan họ, làng Diềm được biết đến như làng gốc của người quan họ. Cứ đến đêm mồng 5 và ngày mồng 6 tháng Hai âm lịch, làng Diềm lại mở hội. Quan họ Bắc Ninh cũng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Vui có vui nhưng xung quanh các làn điệu, cách hát, nguồn gốc ra đời và tổ chức hát quan họ theo anh hai, chị hai làng Diềm cũng còn lắm chuyện phải bàn...

Kỳ 1: Chuyện cần nói lại

Hội Lim và hội hát quan họ

Ngày xuân trời lại mưa, vất vả lắm tôi mới tìm về được làng Diềm. Chuyện tôi cố kiết tìm về làng Diềm bởi nghe nói làng Diềm là làng “tổ” hát quan họ. Khi về đến làng, du khách đã vãn, câu hát giã bạn đã xong, chỉ còn đôi ba người vào thắp hương xin thẻ. Tôi hỏi thăm, mấy bác bảo vệ ngồi ngoài cổng đình Giếng vui vẻ: Làng Diềm đây. Miệng nói, tay đỡ xe, dắt giúp vào trong sân. Thấy tôi “ướt như chuột nước”, mấy bác bảo vệ dẫn đến bàn đón tiếp khách. Nơi đón tiếp khách cũng có mấy bác ngực đeo biển đỏ vui vẻ mời ngồi rồi đưa trầu, nước tiếp đón. Khi biết tôi muốn về làng Diềm tìm lại câu quan họ xưa, mấy bác vui lắm, ai cũng giục ăn miếng trầu cho ấm, uống chén nước cho đỡ lạnh. Một bác trung tuổi cười bảo: Hôm nay anh may rồi. Người biết rõ nhất và đang sưu tầm về quan họ làng Diềm lại có ở đây. Nói đoạn, bác chỉ cho tôi người tóc hoa râm, trông còn phong độ, nét mặt tươi cười đang ngồi sau bàn ghi công đức.

Đoàn Nghệ thuật Quan họ Bắc Ninh biểu diễn tại sân làng Diềm trong đêm hội. Ảnh: P.T.K

Cứ theo bác Nguyễn Văn Thư, năm nay 66 tuổi, người làng Diềm và một số anh hai, chị hai năm nay đã vào tuổi “xưa nay hiếm”, từ năm 1991, lúc đó 7 làng quan họ ở thị trấn Lim tổ chức hát thi. Thấy du khách ngoại tỉnh về dự đông vui, các hoạt động “ăn theo” xem ra cũng phát đạt. Thế rồi từ đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Bắc quyết định lấy ngày 13 tháng Giêng hằng năm là ngày hội Lim. Việc Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Bắc chọn ngày 13 tháng Giêng hằng năm có lẽ cũng xuất phát từ thói quen phong tục của dân tộc “ra giêng ngày rộng tháng dài”. Và số 13 cũng là số “sinh” theo thuyết phong thủy. Sau đó, Hà Bắc tách làm 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Phát huy thế mạnh địa phương, nét văn hóa tốt đẹp từ các thế hệ trước gây dựng, Bắc Ninh tiếp tục lấy ngày 13 tháng Giêng hằng năm tổ chức hội Lim.

Nói như thế thì rõ ràng hội Lim không phải hội hát quan họ như nhiều người vẫn nghĩ. Tuy hội Lim vẫn có hát quan họ và các ngày đó, một số làng khác cũng tổ chức hát quan họ. Mà hội hát quan họ bắt đầu từ đêm mồng 5 đến hết ngày mồng 6 tháng Hai âm lịch hằng năm ở làng Diềm, xã Hải Long, thành phố Bắc Ninh. Và đây mới chính là ngày lễ hội hát quan họ.

Cũng theo bác Thư kể lại, hiện tại làng Diềm còn lưu được 13 sắc phong và 32 đạo sắc về hát quan họ. Bác Thư bảo tôi: Bây giờ muộn rồi chứ nếu còn sớm, tôi sẽ đưa đi gặp để chụp ảnh. Hiện các sắc phong và đạo sắc được các cụ cao niên cho vào hòm sắt, khóa giữ bảo vệ. Nó là tài sản vô giá của làng Diềm. Rồi bác Thư kể: Theo truyền thuyết làng Diềm, từ thời Hùng Vương thứ 6, công chúa Nhữ Nương đến tuổi lấy chồng. Khi công chúa ném quả cầu cầu hôn, người bắt được tuy là người giỏi nhưng lại không có đức. Để có thể từ hôn, công chúa đã xin vua cha cho đi du ngoạn. Khi công chúa cùng đoàn tùy tùng gồm 49 người vừa ra khỏi cung thì gặp cơn phong vũ cuốn công chúa và đoàn tùy tùng về đất này. Thấy cảnh đẹp, sơn thủy hữu tình, công chúa cùng 49 người trong đoàn kết bái anh em, cùng ở lại khai hoang lập ấp và đặt tên làng là Viêm trang ấp. Hằng năm, sau mùa thu hoạch, mỗi độ xuân về, công chúa lại đi thăm và kiểm tra việc làm ăn. Mọi người viết “báo cáo” thành thơ và tự nghĩ ra các làn điệu hát để báo cáo công chúa. Cứ thế, xuân này qua xuân khác, các câu hát đậm chất trữ tình, mộc mạc chân quê không ngừng phát triển và sống cùng năm tháng với kiếp nhân sinh.

Khi tôi hỏi: Vì sao anh hai, chị hai của làng quan họ không được lấy nhau mặc dù “tình trong như đã mặt ngoài còn e”? Gần như khi tôi vừa hỏi xong, bác Nguyễn Văn Thư trả lời ngay. Bác Thư bảo: Vì 49 người tùy tùng đi cùng công chúa sau khi xuống đây đã kết bái anh em nên không thể lấy nhau. Và để “dựng vợ gả chồng” cho họ, công chúa cho 49 người tùy tùng làm dâu, rể các làng bên. Và khi đi lấy chồng, lấy vợ, 49 người mang theo câu hát đi cùng.

Từ truyền thuyết trên, việc một số người cho rằng, các làn điệu quan họ được bắt nguồn từ người con gái hái dâu hát đúng lúc thuyền rồng vua đi qua, thấy làn điệu và ca từ hay, vua cho tổ chức hằng năm mà thành hội hát quan họ hôm nay có lẽ chưa chuẩn xác. Câu chuyện trên có lẽ do các nhà soạn kịch sáng tác trong vở “Nhiếp chính Ỷ Lan” mà thành, như chuyện tên gọi của Thái hậu Dương Vân Nga. Trong lịch sử triều Đinh, vợ vua Đinh Tiên Hoàng là Dương Thị Ngọc Vân, nguyên là vợ của Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn, là mẹ của Ngô Nhật Khánh, một trong 12 sứ quân. Khi viết vở kịch “Thái hậu Dương Vân Nga”, 2 nhà soạn kịch Hà Triều – Hoa Phượng đã viết đổi thành Dương Vân Nga. Và từ đó, ai cũng gọi thái hậu là Dương Vân Nga theo tên của nhà soạn kịch. Và cứ chắc mẩm rằng thái hậu có tên gọi thật là Dương Vân Nga.

Đi tìm canh hát

Bản thân tôi lâu nay thường nghĩ, nghe đủ cả 4 giọng hay còn gọi là làn điệu bắt đầu từ lề lối rồi đến bỉ, vặt, giã từ anh hai, chị hai khi có “khách đến chơi nhà” “quạt nước, pha trà người xơi” đến khi khách về “em nhắn đôi câu” là hết một canh hát quan họ. Trong các làn điệu trên lại có các cách hát khác nhau nên dù chỉ có 4 làn điệu hát nhưng quan họ có tới hơn 300 bài hát là thế. Và, hiện nay, không chỉ mình tôi mà qua tìm hiểu, cũng có rất nhiều người cho rằng, “đi nghe canh hát giao duyên”, “canh hát quan họ” là dự nghe đủ cả 4 giọng lề lối, bỉ, vặt, giã của quan họ là đủ một canh hát.

Liền chị làng Diềm hát canh tại sân đền thờ “Bà Thủy tổ Nhữ Nương”.

Đinh ninh là thế, nhưng khi ngồi trao đổi và trò chuyện với bác Nguyễn Văn Thư và nghệ nhân 90 tuổi Ngô Thị Nghi thì mới hay, bản thân tôi và nhiều người “bé cái nhầm”. Canh hát quan họ không phải là hát đủ 4 làn điệu ấy mà thực ra là cả đêm mồng 5 tháng Hai âm lịch, người quan họ hát đối đáp tại sân đền thờ “Bà Thủy tổ Nhữ Nương” như khi xưa “báo cáo” về đời sống của làng, xã trong làm ăn. Người làng Diềm cứ hát thay nhau qua tất cả các làn điệu cho đến sáng. Sáng ra, tức ngày mồng 6 thì rước Bà đi ra đền Giếng, tắm tượng xong rồi khênh Bà đi “du ngoạn” để Bà thấy cuộc sống của dân làng. Canh hát ở đây thực ra là hát canh thờ chứ không phải là một canh hát như tôi hay nhiều người thường nghĩ.

Để tìm điều xác thực, đêm mồng 5 tháng Hai âm lịch tôi lại tìm về làng Diềm. Gặp lại mấy bác bảo vệ, nhận ra người cũ, các bác giới thiệu tôi vào ngay trong hội. Trong sân đền thờ “Bà Thủy tổ Nhữ Nương” công chúa đã chật kín anh hai, chị hai ngồi sóng đôi bên đang hát. Từ ngoài cổng nhìn hướng vào đền thờ, phía tay trái là các chị hai, phía tay phải là các anh hai, ở giữa là mấy khay nước và đĩa trầu têm cánh phượng. Anh hai, người mặc áo the, đầu đội khăn xếp, người đóng bộ complete, ca vát chỉn chu. Còn các chị hai, người mặc áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ, lại có người vẫn “áo nâu chân quê, quần đen đồng bãi”. Các anh hai, chị hai ngồi hát đối đáp qua lại chỉ duy nhất có chiếc micro cầm tay, tuyệt nhiên không có một cây đàn, cây sáo hay bất cứ một nhạc cụ nào cả. Tôi để ý tìm cụ Ngô Thị Nghi và anh Nguyễn Xuân Ký, con trai cụ. Lần đầu tiên về làng, được bác Thư giới thiệu và được bác Nguyễn Văn Tấn dẫn vào nhà cụ. Khi biết tôi là người mê quan họ, anh đang ăn cơm, buông đũa bát, gọi anh Nguyễn Văn Ô cùng hát ngay cho tôi nghe bài “la rằng”. Cụ Nghi vẫn áo nâu quần thâm, đầu chít khăn mỏ quạ ngồi cùng với mấy cụ bà “chị hai tóc cước” đang hát. Tôi để ý xem có lớp người trẻ tham gia? Chủ yếu tham gia canh hát là anh hai, chị hai đã vào tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận” và “thất thập cổ lai hi”. Ở hàng ghế đá hoa phía phải, đằng sau chỗ các anh hai ngồi hát có dăm ba người còn trẻ nhưng cũng đã qua tuổi “tam thập nhi lập” áo the khăn xếp đang bỏm bẻm nhai trầu.

Tranh thủ mấy anh hai “trẻ” đang ngồi chưa tham gia hát, tôi lại làm quen. Thấy tôi đến, mấy anh ngồi dịch lại nhường chỗ. Hỏi ra mới hay, các anh là người làng Hoài Thị, xã Liên Bão, huyện Tiên Du. Khi tôi hỏi về việc có mặt trong đêm hát canh, anh Nguyễn Thế Vinh, người làng Hoài Thị cho hay: Anh và đoàn quan họ của làng Hoài Thị lên đây hát canh chầu. Làng Diềm và Hoài Thị kết giao từ bao giờ anh cũng không rõ, chỉ biết các cụ truyền lại như thế. Hằng năm, cứ tối mồng 5 và ngày mồng 6 tháng 2 âm lịch lại lên đây để cùng hát đối. Rồi anh cho biết: Hát đối của người quan họ có đến 300 bài. Nhưng bản thân anh mới chỉ theo học được khoảng 100 bài thôi. Rồi anh tâm sự: Hát quan họ là hát bộ, nghĩa là hát không nhạc như các cụ đang hát đây. Hát có nhạc là hát mới rồi, không còn nguyên gốc quan họ...

Trong khi tôi trao đổi và trò chuyện cùng liền anh, liền chị của 2 làng trong sân đền “Bà Thủy tổ Nhữ Nương”, phía ngoài bãi, tiếng hát phát qua hệ thống loa công suất lớn của Đoàn Nghệ thuật Quan họ Bắc Ninh dội vào, không thể nghe được gì. Để có thể nghe được anh hai Nguyễn Thế Vinh trò chuyện, tôi phải ghé sát tai vào gần anh cố nghe cho được nhưng cũng “chào thua”. Thấy tôi phải ghé sát để trò chuyện, các cụ “liền anh, liền chị” của 2 làng Diềm và Hoài Thị lắc đầu ngán ngẩm. Tiếng hát đối giao duyên trong sân đền lúc này chìm hoàn toàn và “khuất phục” bởi tiếng loa ngoài sân bãi

(Kỳ 2: Trăn trở người quan họ)

Phạm Thanh Khương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/noi-long-quan-ho-lang-diem-bai-1/