Nội lực của văn học đồng bằng

Hội thảo 'Thơ và văn xuôi ĐBSCL 45 năm' (1975 - 2020) vừa được tổ chức tại Bến Tre ngày 26-8.

“Ở một nơi nào đó vừa gần vừa xa chúng ta, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu sẽ vui mừng khi nhìn thấy thế hệ hậu duệ kế tục sự nghiệp cầm bút giỏi giang, tâm huyết, đầy tài năng, đóng góp chung vào nền văn học của cả nước. Đây là tài sản chung của nhân sinh trong khu vực”, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nói một cách ví von về văn học ĐBSCL.

Sáng tạo

Hội thảo do Liên chi hội Hội Nhà văn ĐBSCL tổ chức nhằm tiến tới kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây cũng chính là dịp để nhìn lại diện mạo và vị trí của văn học ĐBSCL hiện nay trong bối cảnh văn học chung của cả nước.

Theo nhà văn Bích Ngân, gần nửa thế kỷ với biết bao đổi thay, dù vậy những người viết văn của đồng bằng vẫn luôn trụ vững trên mặt đất đẫm mồ hôi và máu xương của cha ông. Dòng xoáy dữ dội của đồng tiền đã không làm ngòi bút của người viết nơi đây chao đảo, ngả nghiêng.

“Khác với vẻ ngoài, tác phẩm của các nhà văn ĐBSCL càng ngày càng bộc lộ nội lực sáng tạo phong phú, có bề dày trải nghiệm, chiêm nghiệm với chiều sâu nhân văn và đầy trách nhiệm đối với con người, đối với cuộc đời và dĩ nhiên là đối với chính mình”, nhà văn Bích Ngân cho biết.

Ở mảng thơ, nhà thơ Lê Chí cho rằng, đội ngũ làm thơ ĐBSCL trong hơn thập niên qua đã tăng đáng kể, có đến hàng trăm người, nhất là sinh viên, học sinh. Trên các báo văn nghệ địa phương và trung ương đều có thơ của họ.

Hội thảo là dịp để nhìn lại diện mạo và vị trí của văn học ĐBSCL hiện nay

Hội thảo là dịp để nhìn lại diện mạo và vị trí của văn học ĐBSCL hiện nay

Điểm nổi trội của mảng thơ này là trong trẻo, giản dị, tính triết lý thường được ẩn trong toàn bài hơn là chăm chút từng câu chữ. Tuy nhiên, cảm giác giữa thơ và hiện thực đời sống chưa thật liền mạch; thơ tình yêu chung chung, với màu sắc và ngôn ngữ ít được chắt lọc.

Nhà thơ Lê Chí gửi gắm: “Thuộc tính của thơ là tìm tòi, đổi mới, nếu không thì thơ sẽ nghèo nàn, nhàm chán, còn lại chỉ là xác chữ. Nhưng không vì mượn cớ cách tân, ẩn dụ tinh tế mà né tránh đối thoại với những bức xúc đời sống, vô tình đẩy thơ ngày càng xa người đọc bởi sự siêu cảm và khó hiểu”.

Phần đông gương mặt trẻ chưa đột phá

Hội thảo quy tụ các nhà văn, nhà thơ của 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cùng một số nhà văn, nhà thơ đến từ TPHCM. Điều đáng tiếc là hội thảo gần như vắng bóng những gương mặt trẻ, trong khi đây là thế hệ tiếp nối góp phần làm nên diện mạo của văn học ĐBSCL hiện nay.

Theo nhà thơ Trương Trọng Nghĩa, so với các khu vực khác trong cả nước, lực lượng viết trẻ ở ĐBSCL hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn về mặt số lượng. Những tác giả có tác phẩm vượt qua ranh giới hành chính nơi mình sinh sống và tạo được tiếng vang trên văn đàn cũng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, còn phần đông chưa có sự đột phá, chưa tạo được dấu ấn riêng.

“Theo tôi, vườn ươm lực lượng viết trẻ vẫn chính là các CLB văn học, các diễn đàn trên internet và các nhóm văn chương trên mạng xã hội, nhưng chúng ta cần phải có sự quan tâm và hỗ trợ từ nhiều phía để có thể phát triển mạnh mẽ và đúng chất hơn”, nhà thơ 8X Trương Trọng Nghĩa bày tỏ.

Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa cho rằng, Hội Nhà văn Việt Nam, các hội văn học nghệ thuật địa phương cần tạo điều kiện về kinh phí hoạt động, đồng thời phải thường xuyên theo dõi, uốn nắn và phát hiện bồi dưỡng những cây bút trẻ có triển vọng làm hạt nhân cho phong trào.

Cần tổ chức các cuộc thi dành riêng cho các cây bút trẻ. “Khi có phong trào sôi nổi, chúng ta sẽ dễ dàng tìm ra những hạt ngọc văn chương lấp lánh”, anh nói.

Nhà văn Trần Quốc Toàn thì cho rằng, một tín hiệu vui đối văn học ĐBSCL là các cây viết trẻ nơi đây đã kịp bắt nhịp với thế giới, để có mảng văn học xanh, văn học sinh thái.

Có thể kể đến cái tên như Nguyễn Thị Việt Hà, Võ Diệu Thanh…, đặc biệt là nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, với 2 tác phẩm Cánh đồng bất tận và Nước như nước mắt.

Nhà thơ Võ Tấn Cường (Hội Văn học nghệ thuật Tiền Giang) chỉ ra một thực trạng của văn học ĐBSCL hiện nay là đội ngũ phê bình văn học thiếu và yếu. Nhiều tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ có giá trị về nghệ thuật tư tưởng được xuất bản nhưng lại chìm vào quên lãng.

“Chẳng hạn tiểu thuyết Mệnh đế vương về những biến động dữ dội của triều đại Lý Trần ở Thăng Long và vùng đất Bắc của nhà văn Trương Thị Thanh Hiền hay tiểu thuyết Nam chí toàn độ truyện viết về vùng đất Hà Tiên của Nguyễn Thị Diệp Mai, dù tạo được sự quan tâm của bạn đọc cả nước nhưng vẫn chưa có sự thẩm định, đánh giá của các nhà phê bình văn học chuyên nghiệp”, nhà thơ Võ Tấn Cường phát biểu.

HỒ SƠN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/noi-luc-cua-van-hoc-dong-bang-612920.html