Nơi lưu giữ giá trị lịch sử vùng Đất Tổ

Trong hành trình về với nguồn cội, du khách không thể bỏ qua điểm dừng chân thú vị bên núi Nghĩa Lĩnh, đó là Bảo tàng Hùng Vương - nơi lưu giữ hàng nghìn tài liệu, hiện vật gốc quý hiếm, tái hiện rõ nét cuộc sống, sinh hoạt của người Việt từ thời nguyên thủy đến thời đại Hùng Vương cùng Nhà nước Văn Lang xưa.

Thuyết minh viên giới thiệu về các hiện vật được lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương.

(baophutho.vn) - Trong hành trình về với nguồn cội, du khách không thể bỏ qua điểm dừng chân thú vị bên núi Nghĩa Lĩnh, đó là Bảo tàng Hùng Vương - nơi lưu giữ hàng nghìn tài liệu, hiện vật gốc quý hiếm, tái hiện rõ nét cuộc sống, sinh hoạt của người Việt từ thời nguyên thủy đến thời đại Hùng Vương cùng Nhà nước Văn Lang xưa.
Bảo tàng Hùng Vương được thiết kế, xây dựng từ năm 1986 giống như chiếc bánh chưng vuông khổng lồ, chính giữa bảo tàng là hình tròn tượng trưng cho trời đất, bởi theo quan niệm của Tổ tiên người Việt: Trời tròn - đất vuông. Giữa Bảo tàng trưng bày chiếc trống đồng lớn tiêu biểu cho văn hóa Đông Sơn của người Việt cổ. Bảo tàng có 2 tầng với diện tích gần 1.000m, lưu giữ, bảo quản trên 4.000 tài liệu, hiện vật quý, được trưng bày tại 5 phòng, khắc họa và làm nổi bật theo các chủ đề: Đất nước, con người thời nguyên thủy; bắt đầu thời dựng nước; sự nghiệp dựng nước Văn Lang của các Vua Hùng; Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và việc thờ cúng vua Hùng trên đất cổ Phong Châu; tình cảm của đồng bào cả nước, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, nhà nước và bạn bè quốc tế với Đền Hùng. Hàng ngày, Bảo tàng Hùng Vương mở cửa tiếp đón nhiều du khách đến tham quan, đặc biệt, vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) hàng năm, có hàng vạn lượt khách đến tham quan Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và ghé thăm Bảo tàng Hùng Vương. Chị Nguyễn Thị Vân Anh - Đội trưởng Đội thuyết minh Bảo tàng Hùng Vương chia sẻ: Đội ngũ làm công tác thuyết minh ở bảo tàng luôn phát huy vai trò của mình, nỗ lực truyền tải văn hóa, lịch sử của thời đại Hùng Vương cùng Nhà nước Văn Lang xưa một cách dễ hiểu, chân thực đến đồng bào, du khách để họ nắm được lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam và những di sản văn hóa quý báu của ông cha ta từ ngàn xưa.Đến với Bảo tàng du khách được tham quan, chiêm ngưỡng các hiện vật, tư liệu trưng bày được lựa chọn từ 4 giai đoạn văn hóa tiêu biểu là: Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn. Trong đó, văn hóa Phùng Nguyên được phát hiện từ năm 1959, giai đoạn này có ý nghĩa rất quan trọng với khảo cổ Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là sự mở đầu cho thời đại đồng thau Việt Nam, là nhân tố quan trọng trong quá trình hình thành văn hóa Đông Sơn, văn hóa khởi đầu của Nhà nước và dân tộc Việt Nam. Ngay từ khi tìm ra những hiện vật, Bảo tàng Hùng Vương đã phối hợp cùng với cơ quan chức năng khai quật và đưa về đây lưu giữ, trưng bày. Hiện vật chủ yếu được làm từ chất liệu: Xương, sừng, gốm, đá... với nhiều loại hình khác nhau, cho thấy trình độ phát triển cao về thẩm mỹ, ý thức, nhận thức của cư dân Phùng Nguyên. Những hiện vật tại bảo tàng đã tái hiện lại bức tranh sinh động về thời kỳ lịch sử của thời tiền Hùng Vương dựng nước.Các hiện vật thuộc giai đoạn văn hóa Đồng Đậu tại Bảo tàng được sưu tập khá phong phú, qua đó góp phần quan trọng cung cấp những kiến thức về một giai đoạn văn hóa cách ngày nay hàng nghìn năm lịch sử. Các hiện vật thuộc giai đoạn này gồm: Công cụ lao động sản xuất (rìu, qua, giáo, mũi tên, mũi lao); vũ khí hoặc dụng cụ săn bắn (mũi lao sừng có ngạch, bi, đạn gốm); dụng cụ sinh hoạt ( các loại nồi, vò, bát); đồ trang sức (vòng, hạt chuỗi); các công cụ chế tác (bàn mài đá, mảnh khuôn đúc) và một số loại hình công cụ khác… được trưng bày tại Bảo tàng đã tái hiện đời sống vật chất, tinh thần của con người thời kỳ văn hóa Đồng Đậu. Thời kỳ này đã phát huy và kế thừa những thành quả của con người thời Phùng Nguyên để bồi đắp, tạo lập một thế hệ mới phát triển cao hơn, là cơ sở tiền đề cho sự xuất hiện Nhà nước Văn Lang. Giai đoạn văn hóa Đông Sơn cũng được tái hiện tại Bảo tàng bằng những hiện vật trưng bày được lựa chọn từ những di chỉ khảo cổ học như: Làng Cả (thành phố Việt Trì); gò De (xã Thanh Đình), bộ sưu tập trống đồng, thạp đồng... trong đó đồ đồng là di vật đặc trưng nhất. Ngoài những chiếc trống đồng - di vật lịch sử vô cùng đặc sắc và độc đáo, còn có các di vật được trưng bày như: Lưỡi cầy đồng, cuốc, thuổng, rìu đồng… Đây là giai đoạn văn hóa đỉnh cao nhất với nghề luyện kim đồng thau đã tạo ra vô số những hiện vật có giá trị, chứng minh giai đoạn này đã xuất hiện Nhà nước Văn Lang. Văn hóa Gò Mun được phát hiện năm 1961 và khai quật nhiều lần với quy mô lớn. Khảo cổ đã phát hiện 34 di chỉ, đây là giai đoạn tiếp nối giữa văn hóa Phùng Nguyên và Đông Sơn. Văn hóa Gò Mun đã được phản ánh rất chân thực qua những hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng, chủ yếu là: Đồ gốm, đồ đá, đồ đồng, đồ gỗ và xương răng động vật.Mỗi hiện vật, khảo cổ thời Hùng Vương được trung bày tại Bảo tàng đã khắc họa lịch sử hào hùng của dân tộc, nhắc nhở thế hệ sau phải biết kế thừa và gìn giữ những giá trị lịch sử mà ông cha ta để lại… Bên cạnh đó, Bảo tàng còn giúp khách quốc tế hiểu được nguồn cội dân tộc, văn hóa truyền thống, đạo lý của con người Việt Nam để thêm yêu mến và ngưỡng mộ.

Hồng Huế

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-hoa/202204/noi-luu-giu-gia-tri-lich-su-vung-dat-to-183555