Nơi mùa xuân đến sớm

PTĐT - Mặc dù cái rét buốt thấu xương và mưa phùn báo hiệu mùa đông đang vào độ khắc nghiệt nhất nhưng với nông dân ở Làng nghề hoa và cây cảnh Phương Viên (xã Tân Phương, huyện Thanh Thủy) thì mùa xuân như đã sang từ bao giờ. Từ đầu làng đến cuối xóm, người người hối hả, cần mẫn chăm những luống hoa đã lên mầm, non mỡn, hứa hẹn cho vụ hoa xuân 'bội thu'.

Làng nghề hòa và cây cảnh Phương Viên xanh ngút mắt trước vụ hoa Tết

Làng nghề hòa và cây cảnh Phương Viên xanh ngút mắt trước vụ hoa Tết

Từ xa, làng hoa Phương Viên cũng xanh ngút mắt như những làng quê trung du, miền núi. Những mầm, những nụ đang ủ trong màu xanh ấy như những ước mơ, những khao khát kèm theo những giọt mồ hôi nhỏ xuống giữa tiết trời đông lạnh. Kinh tế xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân được nâng cao, phong trào chơi hoa, cây cảnh hiện nay diễn ra đều trong suốt cả năm, nhu cầu tiêu thụ các loại hoa thời gian qua cũng tăng đáng kể. Từ các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng hoa đến những người tiêu dùng cá nhân… thế nhưng Tết Nguyên đán là thời điểm cung cấp số lượng hoa, cây cảnh lớn nhất ra thị trường và cũng là “mùa gặt” mang lại khoản thu nhập cao nhất trong năm cho những người trồng hoa.

Năm nay, làng hoa Phương Viên trồng hơn 10 loại hoa cúc phục vụ cho thị trường Tết

Năm nay, làng hoa Phương Viên trồng hơn 10 loại hoa cúc phục vụ cho thị trường Tết

Trung bình các năm trước đây, làng hoa Phương Viên cung cấp ra thị trường khoảng 3,2 – 3,4 tỷ bông hoa các loại; doanh thu đạt gần 3,5 tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 130 lao động với thu nhập bình quân khoảng 3,2 triệu đồng/người/tháng… Để có hoa cung cấp cho thị trường Tết, người trồng vừa phải lựa chọn từ khâu ươm giống, vừa phải “trông trời, trông đất” để áp dụng biện pháp chăm sóc để hoa nở đúng độ, đúng thì. Mùa này là vụ chính trong năm bởi tất cả các loại hoa đều hợp thời tiết, tuy nhiên mỗi loại hoa lại có quá trình sinh trưởng, phát triển khác nhau nên thời gian gieo trồng cũng sẽ khác nhau. Năm nay, để phục vụ thị trường Tết, Làng nghề hoa và cây cảnh Phương Viên trồng hơn 10 loại cúc; các loại hoa hồng với đủ màu sắc và hoa đào với diện tích lớn hơn so với mọi năm. Dự đoán, sản lượng khoảng 3,8 - 4 tỷ bông, mang lại doanh thu khoảng 4,2 tỷ đồng, nâng thu nhập bình quân người lao động khoảng 3,8 triệu đồng/người/tháng.

Với kinh nghiệm nhiều năm, nhất là chuyện canh thời tiết để trồng, chăm sóc, người trồng hoa Phương Viên hầu như rất ít lỗi hẹn với chợ hoa xuân, luôn cho hoa nở đúng vào dịp Tết. Ông Nguyễn Xuân Nho cho biết: “Năm nay thời tiết không thuận, nhiều loại sâu bệnh, sơ sảy là hỏng cả vụ ngay. Chúng tôi phải thường xuyên canh ngoài đồng hoa, theo dõi hoa và dùng điện thắp sáng mỗi đêm để làm cho cây non hơn, chậm ra hoa cùng với tăng cường các biện pháp trị sâu bệnh. Trồng và chăm sóc đã vậy, đến thời điểm đánh hoa sang chậu, chúng tôi cũng phải xử lý kỹ thuật để một số loại hoa như thược dược, hoa hồng, cúc… vẫn xanh tốt, nụ to, nhiều nụ mà thân hoa không cao thêm”. Thoăn thoắt đôi tay tuốt lá trong vườn đào um tùm, một nông dân chia sẻ thêm: “Đèn sẽ được thắp đến khi các loại hoa đạt độ cao như mong muốn, sau đó sẽ tắt để cây ra nụ. Nếu tắt quá sớm thì cây sẽ đơm nụ nở sớm, nhưng nếu tắt trễ thì sẽ kéo theo hoa nở muộn, không kịp để bán Tết. Cũng giống như việc tuốt lá đào, đầu tiên chúng tôi sẽ ngắt những búp đầu cành và lá non ở phần ngọn, những ngày sau sẽ tuốt dần đến những lá già hơn. Làm như vậy để cây kịp thích nghi và thời gian đơm nụ, ra hoa cũng được lâu hơn…”.

Nông dân tuốt lá đào theo từng công đoạn để cây cho hoa đúng dịp Tết

Nông dân tuốt lá đào theo từng công đoạn để cây cho hoa đúng dịp Tết

Trồng hoa, nghe có vẻ nhẹ nhàng nhưng đó lại là nghề rất vất vả dù cho thu nhập cao gấp 4 – 5 các loại cây màu. Bên cạnh việc tất bật với đồng ruộng, học và nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa, cây cảnh; thường xuyên tiếp xúc với các loại thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật thì người nông dân cũng phải tự tay thiết kế, xây dựng hệ thống điện chiếu sáng để “thắp đèn cho hoa”. Nhất là vào vụ hoa Tết, diện tích trồng tăng lên, các loại sâu bệnh phát triển mạnh, lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng và điện chiếu sáng cũng tăng theo tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Anh Nguyễn Ngọc Anh – Cán bộ địa chính, nông nghiệp xã Tân Phương cho biết: “Trồng hoa thì phải sử dụng rất nhiều loại thuốc trừ sâu đặc hiệu cho hoa, để đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn lao động, xã đã thường xuyên tuyên truyền để nông dân giữ gìn vệ sinh môi trường bằng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, xây dựng bể chứa vỏ thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật theo quy định và tiến hành thu gom, xử lý định kỳ. Hệ thống dây điện, bóng đèn điện cho đến thời điểm này vẫn phát huy hiệu quả tốt và tuyệt đối an toàn”.

Trồng hoa, cây cảnh ở Phương Viên là nghề đem lại thu nhập cao cho các nông dân địa phương. Những đôi bàn tay chai sạn nâng niu từng nhánh lá, nụ hoa tô điểm cho ngày xuân, cho cuộc đời thêm trọn vẹn. Và những cây hoa đã thay đổi tập quán canh tác của người nông dân, từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang sản xuất hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng thị trường, tiến tới đề nghị công nhận nhãn hiệu hàng hóa bền vững; tạo việc làm thường xuyên cho lao động của làng nghề và lao động địa phương, góp phần vào chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch.

Lê Hoàng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201912/noi-mua-xuan-den-som-168438