Nơi nghỉ dưỡng lý tưởng của người có công

Trên có rừng xanh, dưới có hồ nước trong mát, Trung tâm Điều dưỡng người có công Thái Nguyên (ở xã Tân Thái, Đại Từ) trở thành một an dưỡng đường lý tưởng dành cho NCC và thân nhân NCC với cách mạng.

Trên có rừng xanh, dưới có hồ nước trong mát, Trung tâm Điều dưỡng người có công (NCC) Thái Nguyên (ở xã Tân Thái, Đại Từ) trở thành một an dưỡng đường lý tưởng dành cho NCC và thân nhân NCC với cách mạng. Đã có hàng nghìn NCC và thân nhân NCC trên nhiều miền đất nước về đây nghỉ dưỡng, thụ hưởng các chính sách đãi ngộ của Nhà nước. Dù thời gian không nhiều, 6 ngày/đợt, nhưng đủ để gieo vào lòng người một niềm nhớ với những ấn tượng đẹp về một địa chỉ tri ân.

Bên ấm trà, ký ức về một thời đạn lửa sống lại qua câu chuyện kể của những người có công với cách mạng.

Bên ấm trà, ký ức về một thời đạn lửa sống lại qua câu chuyện kể của những người có công với cách mạng.

Dưới một gốc cây cổ thụ trong khuôn viên Trung tâm, 5 cựu chiến binh cao tuổi ngồi quây quần bên chiếc bàn đá. Họ say sưa hát bài: “5 anh em trên một chiếc xe tăng”. Cũng khi ấy tôi nhận ra có người tay không còn đủ ngón, người đi chân giả. Họ là những người lính từng tham gia chiến đấu tại các mặt trận phía Nam; làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Lào, Cam Pu Chia và tham gia chiến đấu bảo vệ từng tấc đất biên cương Tổ quốc. Họ là thương binh, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam hoặc là thân nhân NCC với cách mạng đang tham gia đợt điều dưỡng ở Trung tâm.

Phóng mắt nhìn ra mặt hồ Núi Cốc mênh mang nước, ông Hà Huy Toàn, bệnh binh, nạn nhân chất dộc da cam ở xóm Bồng Lai, xã Thượng Đình (Phú Bình), nói nhỏ đủ cho tôi nghe: Đi điều dưỡng, chúng tôi có thời gian nghỉ ngơi, gặp lại bạn chiến đấu cũ và cùng chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế gia đình…

Tôi hiểu lắm chứ, tình bạn thời đạn lửa chiến tranh khác nhiều với tình bạn thời cơ chế thị trường. Bởi đó là tình bạn được xây đắp trong máu lửa chiến tranh, ai nấy sẵn lòng lấy thân mình chắn đạn thù cho bạn được sống.

Anh Nguyễn Hữu Kiên, Giám đốc Trung tâm, chia sẻ: Từ khi thành lập (năm 2004) đến nay đã có hàng nghìn NCC trong, ngoài tỉnh về điều dưỡng. Mỗi người là một câu chuyện sinh động về chiến tranh. Câu chuyện nào cũng trải đầy kham khổ, mất mát nhưng chất chứa đức hy sinh.

Những gì của ngày hôm qua, nay thành quá khứ. Nhưng quá khứ của người lính trận năm xưa vừa là niềm tự hào, vừa là điểm tựa tinh thần vững chãi để mỗi người vươn lên trong cuộc sống hôm nay.

Về với đời thường, có thương binh, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam thành đạt, làm chủ cơ sở sản xuất bảo đảm đủ công việc làm cho hàng trăm người. Nhưng cũng có người vì vết thương chiến tranh hành hạ đau đớn, khiến sức khỏe suy giảm, mỗi ngày tiền thuốc còn nhiều hơn tiền ăn khiến kinh tế gia đình khó khăn.

Thương binh Lường Công Mạnh, xóm Cô Dạ, xã Bảo Lý (Phú Bình), chia sẻ: Đây là lần thứ 5 tôi được Nhà nước đài thọ cho đi an dưỡng. Mừng nhất là được gặp bạn cũ, ôn lại chuyện xưa. Ngồi ăn cơm với nhau như trong nhà hàng, trên mâm có rất nhiều món ăn nhưng “thằng nào” cũng nhớ ngày nằm rừng, ăn rau tàu bay, đánh vật với muỗi.

Vốn đã quen, gặp lại là… “ôn cố tri tân” để nhắc nhau sống cho tốt hơn. Từ nắm bắt được tâm lý ấy, Trung tâm đã tổ chức điều dưỡng cho đối tượng theo từng địa phương. Việc đưa đón thuận tiện và ngay từ ngày đầu vào điều dưỡng, các cụ đã cảm nhận được sự thận thiện vì quen biết từ lâu.

Chị Dương Thị Dung, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết: Có khoảng 2.500 người trong, ngoài tỉnh về Trung tâm điều dưỡng/năm. Như trong 7 tháng của năm 2023, Trung tâm đã đón tiếp hơn 1.300 người. Dự kiến trong tháng 7 sẽ đón tiếp, phục vụ 3 đoàn, bình quân 1 đoàn hơn 100 người. Đợt đầu của tháng 7 này là 105 người của huyện Phú Bình.

Mải chuyện, chúng tôi đã đến trước dãy nhà phục hồi chức năng. Một không khí phấn chấn lan tỏa, lây sang tôi với tâm trạng thoải mái. Giữ nguyên đôi bàn chân ngâm trong chậu thuốc Bắc, bà Nguyễn Thị Tam, vợ liệt sĩ (xóm Soi, xã Kha Sơn, Phú Bình), rủ rỉ: Đây là lần đầu tôi được đi điều dưỡng. Đêm đầu nằm phòng điều hòa, có đệm trắng sạch sẽ, cán bộ Trung tâm đến ghép màn giúp làm tôi cảm động muốn khóc.

Cán bộ y tế khám sức khỏe để lên thực đơn, cấp thuốc bổ cho người có công.

Cán bộ y tế khám sức khỏe để lên thực đơn, cấp thuốc bổ cho người có công.

Ngồi ngâm chân thuốc Bắc bên cạnh là bà Ngô Thị Tuyết, vợ liệt sĩ (xóm Làng Tre, xã Kha Sơn, Phú Bình), góp chuyện: Tôi cũng được đi điều dưỡng lần đầu. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã có nhiều quan tâm tới những phụ nữ một đời chăm con, thờ chồng như chúng tôi.

Câu nói của bà làm lồng ngực tôi nghẹn lại. Bà là một trong hàng triệu phụ nữ Việt Nam mất chồng, mất con vì các cuộc chiến tranh giữ nước, làm nhiệm vụ quốc tế và bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc. Ngay ở tỉnh Thái Nguyên, hiện có hơn 6.000 người đang hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ.

Tất cả họ, những người mẹ, người vợ, người con đã và đang lặng lẽ hy sinh hạnh phúc riêng cho đất nước được thanh bình. Bởi thế, họ xứng đáng được Đảng, Nhà nước và mọi người dân tri ân bằng những nghĩa cử thiết thực…

Nhìn giàn ghế mát xa và thiết bị máy tập rèn luyện thể lực, chúng tôi biết 19 năm đã qua, Trung tâm thường xuyên được Nhà nước đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm máy, thiết bị phục vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe cho từng người khi vào.

Đặc biệt, tháng 7-2022, Trung tâm được Quân ủy Trung ương tặng một số trang thiết bị dùng chung, với tổng trị giá hơn 1,4 tỷ đồng. Ngoài tập luyện tại phòng chức năng, các đối tượng điều dưỡng còn tham gia chơi cầu lông, bóng bàn, bi-a, cờ tướng hoặc nhẩn nha thả bộ quanh khuôn viên dưới hàng cây rợp bóng, ngắm hồ nước mênh mang với từng nhịp sóng nhẹ lăn.

Các đối tượng đều đã cao tuổi. Có người trong cơ thể còn mang mảnh đạn bom; người bị chất độc da cam làm sức khỏe suy giảm và… khó tính. Nhưng hơn cả nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động ở Trung tâm luôn coi các cụ như cha mẹ mình. Động viên nhau cố gắng chăm sóc, phục vụ tốt hơn với nghĩ suy bù đắp, giúp các cụ nguôi vơi những năm tháng kham khổ vì đất nước có chiến tranh. Mỗi đợt điều dưỡng, Trung tâm tổ chức cho các cụ đến tham quan từ 1 đến 2 điểm du lịch, địa danh lịch sử.

Vâng! Tất cả các hoạt động ở Trung tâm đều mang ý nghĩa “Uống nước nhớ nguồn”. Thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với NCC và thân nhân NCC. Với đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động làm việc tại Trung tâm, các anh chị em đã và đang tiếp tục thay mặt Đảng, Nhà nước làm nhiệm vụ điều dưỡng, chăm sóc NCC và thân nhân NCC.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/phong-su-ghi-chep/202307/noi-nghi-duong-ly-tuong-cua-nguoi-co-cong-6972489/