Nơi người khiếm thị cảm nhận được những kỳ quan của thế giới

Bảo tàng Typhlological Madrid được ra đời năm 1992-nơi trưng bày 37 bản sao của các di tích được UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới mà người khiếm thị có thể cảm nhận được.

Bảo tàng Typhlological Madrid. Ảnh: thelocal.es

Bảo tàng Typhlological Madrid. Ảnh: thelocal.es

Marina Rojas và bạn của cô là Jose Pedro Gonzalez say sưa dùng những đầu ngón tay của mình để nghiên cứu mô hình thu nhỏ của nhà thờ Sagrada Familia nổi tiếng ở thành phố Barcelona trong một cuộc triển lãm đặc biệt tổ chức tại Bảo tàng Typhlological Madrid ở Tây Ban Nha, tạo điều kiện cho người khiếm thị khám phá một số di tích nổi tiếng nhất thế giới.

"Có quá nhiều chi tiết nhỏ xíu! Và mái nhà thật kỳ lạ", Jose Pedro Gonzalez hào hứng chia sẻ khi khám phá bản sao bằng gỗ của Vương cung thánh đường Gaudi. Trong khi đó, Marina Rojas cho biết cô "chưa bao giờ hình dung ra Sagrada Familia chi tiết đến vậy". Cô thích thú cho biết: "Thật tuyệt vời, vì bạn có thể hình dung được tổng quan về di tích và cả không gian bên trong nữa".

Bảo tàng Typhlological Madrid được ra đời năm 1992 - do tổ chức ONCE hoạt động vì người khiếm thị, với 71.000 thành viên thành lập nên. Trong tiếng Hy Lạp, từ "tuphlos" có nghĩa là "khiếm thị".

Bảo tàng Typhlological Madrid trưng bày 37 bản sao của các di tích được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đưa vào danh sách Di sản thế giới như cung điện Alhambra ở Granada, Cung điện Hoàng gia Madrid và nhà thờ Santiago de Compostela ở Tây Ban Nha, hay đền Taj Mahal (Ấn Độ), cầu London (Anh), tượng Nữ thần Tự do (Mỹ), Đấu trường La Mã (Italy), đền Parthenon (Hy Lạp), tháp Eiffel (Pháp), Điện Kremlin (Nga)... Những mô hình kỳ quan này được làm bằng gỗ, đá, kim loại hoặc nhựa, và tất cả các khách tham quan - dù là người mù, khiếm thị một phần hoặc người không có khuyết tật về mắt - đều có thể trải nghiệm thực tế và nhận diện về các kết cấu kiến trúc.

Hướng dẫn viên Mireia Rodriguez (cũng là người khiếm thị) của bảo tàng Typhlological Madrid tự hào khẳng định: "Không một nơi nào khác trên thế giới có bảo tàng như thế này. Có thể có nhiều bảo tàng được thiết kế dành cho du khách khiếm thị, nhưng họ không có bộ sưu tập như thế này".

ONCE thường tổ chức một chương trình xổ số và một số trò chơi thẻ cào phổ biến, mang về cho tổ chức này 2,5 tỷ euro (2,7 tỷ USD) mỗi năm để xây dựng quỹ lương cho 72.000 nhân viên làm việc tại đây. Có tới 60% trong số các nhân viên là những người khuyết tật.

Số tiền trên cũng được sử dụng cho các khoản đầu tư khác, chẳng hạn như vận hành bảo tàng, nơi đã đón 16.000 lượt khách tham quan vào năm 2023.

Ngoài các mô hình kỳ quan thế giới nêu trên, bảo tàng Typhlological Madrid còn trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của những người khiếm thị, các công cụ và thiết bị được sử dụng từ đầu thế kỷ 19 cho đến những năm 1980 để giúp người khiếm thị tiếp cận văn hóa, bao gồm cả sách chữ nổi Braille.

Thanh Phương/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/noi-nguoi-khiem-thi-cam-nhan-duoc-nhung-ky-quan-cua-the-gioi/343031.html