Nối nhịp cầu Xuân
PTĐT - Sau bao năm vất vả với nỗi lo mỗi khi mùa mưa đến lại bị cô lập, trẻ nhỏ phải nghỉ học, giờ đây bà con ở các huyện được thụ hưởng Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý đường địa phương...
PTĐT - Sau bao năm vất vả với nỗi lo mỗi khi mùa mưa đến lại bị cô lập, trẻ nhỏ phải nghỉ học, giờ đây bà con ở các huyện được thụ hưởng Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý đường địa phương - LRAMP vui mừng, phấn khởi chứng kiến những cây cầu rộng rãi, kiên cố, vững chãi bắc qua sông, suối được đưa vào sử dụng. Những cây cầu đã tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện, an toàn, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Cách trung tâm xã khoảng 1 - 2km, cầu xóm Đâng, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập vừa hoàn thiện đã trở thành niềm vui vô bờ bến của bà con nơi đây. Đưa chúng tôi thăm những cây cầu mới xây dựng vẫn còn hăng hắc mùi sơn mới, Chủ tịch UBND xã Đinh Văn Đóa không giấu được niềm vui: “Xã đã có 8 chiếc cầu mới được đầu tư và đưa vào sử dụng là cầu Ông Sặt, cầu Trung Tâm, Gốc Vải, Xóm Đâng, Khe Sâu, Đồng Soi, Khe Ngay 1, Khe Ngay 2. Do chia cách bởi các con suối, khu vực sinh sống người dân ở nơi đây giống như một ốc đảo, nằm tách biệt với các thôn trên địa bàn xã mỗi khi lũ về kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8 khiến những con sông, con suối vốn hiền hòa trở nên hung dữ. Giờ đây cuộc sống đã đổi thay, có cầu bà con ai nấy đều phấn khởi”. Thong thả đi qua cây cầu xây kiên cố, chị Đinh Thị May ở xóm Đâng cho biết: “Hôm nay mình đến Đồng Soi để thăm con gái. Trước kia khi chưa có cầu, đi lại khó khăn vất vả, nhất là mùa mưa lũ. Nhiều lúc nhớ con, nhớ cháu mà không đến thăm được, giờ thì khác rồi, có cầu, có đường, nhớ chúng nó, mình có thể sang lúc nào cũng được. Như hôm nay nhà vừa mổ được con lợn, mình mang sang cho thông gia ít lòng và đón bọn trẻ sang ăn cơm luôn. Có cầu tiện lắm…”.
Chia tay bà con xã Trung Sơn- nơi khó khăn nhất của huyện Yên Lập, chúng tôi đến xóm Thang, xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn chứng kiến cây cầu rộng rãi, kiên cố, vững chãi bắc qua suối Thang mới được đưa vào sử dụng. Xóm Thang có 116 hộ, 100% là người dân tộc Mường, trong đó có 40 hộ ở bên kia con suối. Vào mùa lũ, nước chảy xiết và dâng cao, các hộ dân hầu như bị cô lập. Nhiều hôm lũ to, học sinh không thể vượt suối đến trường. Có một cây cầu là mong mỏi rất lớn của bà con từ nhiều năm nay. Chính vì thế, khi Nhà nước có chủ trương xây cầu, đơn vị thi công về đặt những viên gạch đầu tiên, ngày nào ông Trần Văn Khái, 78 tuổi cũng ra ngóng vào trông. Ông xúc động chia sẻ: “Đảng và Chính phủ đã quan tâm tới vùng sâu vùng xa, xây dựng cầu cho người dân xóm Thang bớt vất vả. Ngay như năm ngoái không có cầu, tôi phải cõng cháu qua suối để đi học. Giờ thực sự hạnh phúc, con cháu đi học đàng hoàng không phải lội suối nữa”.Cây cầu Thang có chiều dài 90,44m, rộng 3,5m với kinh phí đầu tư xây dựng hơn 4 tỷ đồng. Khi có chủ trương xây cầu, chính quyền xã Xuân Đài và xóm Thang đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng khảo sát địa điểm, vận động bà con hai bên đầu cầu hiến đất, giải quyết kịp thời những vướng mắc tại chỗ, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công hoàn thành đúng tiến độ. Để xây dựng cầu gia đình ông Trần Văn Phượng, người dân xóm Thang tự nguyện hiến 100m2 đất.Từ khi cầu mới được xây dựng, người dân đã phần nào bớt đi nỗi lo, không chỉ đi lại thuận tiện mà hàng hóa cũng được thông thương. Sản phẩm nông nghiệp làm ra được thương lái thu mua tận nơi, giá bán cũng cao hơn so với trước kia. Các cây cầu đã nối nhịp ước mơ từ bao đời của hàng ngàn người dân giờ đây đã thành hiện thực. Ngoài việc giúp người dân bảo vệ tính mạng, tài sản của mình khi tham gia giao thông, cây cầu còn giúp bà con yên tâm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, từng bước xây dựng cuộc sống mới no ấm.
Đồng chí Dương Hoàng Phúc- Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh cho biết: Trong 3 năm từ 2017 dến 2020, Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý đường địa phương - LRAMP được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 1698. Theo danh mục phê duyệt, trên địa bàn tỉnh được đầu tư 65 cầu với tổng mức đầu tư 135,79 tỷ đồng. Trong đó có 9 huyện được thụ hưởng là: Tân Sơn 8 cầu, Hạ Hòa 5 cầu, Yên Lập 12 cầu, nhiều nhất là Thanh Sơn với 34 cầu còn lại Cẩm Khê, Phù Ninh, Thanh Thủy, Tam Nông mỗi huyện 1 đến 2 cầu. Dự án được khởi công xây dựng từ cuối năm 2017, để đảm bảo tiến độ, các đơn vị thi công đã chuẩn bị đầy đủ máy móc, thiết bị, triển khai thi công đồng bộ. Bên cạnh đó, công tác giám sát thi công được thực hiện chặt chẽ nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng của dự án. Đến thời điểm này 65/65 cầu đã hoàn thành và được bàn giao đưa vào sử dụng đúng tiến độ.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202102/noi-nhip-cau-xuan-175377