Nỗi niềm công viên

Tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ đồng nghĩa với nhu cầu vui chơi, thư giãn tại không gian công cộng và công viên càng trở nên cấp thiết. Thế nhưng, số công viên hiện có hoàn toàn không đáp ứng đủ yêu cầu…

Người dân đến tập thể dục tại Vườn bách thảo (Hà Nội). Ảnh: Quang Vinh.

Người dân đến tập thể dục tại Vườn bách thảo (Hà Nội). Ảnh: Quang Vinh.

Bài toán đô thị hóa

Thời gian qua, nhất là từ năm 2013 - 2023, nhiều công viên đã được tu bổ, xây mới và hoạt động hiệu quả. Chẳng hạn, Hà Nội đang đầu tư nâng cấp 4 công viên lớn ở trung tâm thành phố, cải tạo nâng cấp 45 công viên trên địa bàn 10 quận, xây mới 6 công viên. Mới đây, 4 quận Hoàn Kiếm (chủ trì), Ba Đình, Long Biên, Tây Hồ và Tạp chí Kiến trúc cũng phát động cuộc thi tuyển Ý tưởng Quy hoạch Công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng.

Đà Nẵng cũng đầu tư hơn 673 tỷ đồng cải tạo công viên lớn nhất thành phố (Công viên 29 tháng 3) với tổng diện tích gần 190.000m2. Bên cạnh đó, nhiều công viên đã áp dụng công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu mới của khách tham quan. Nhờ sự nhạy bén áp dụng thành tựu khoa học hiện đại và kinh nghiệm của thế giới, Việt Nam đã xây dựng các mô hình công viên chủ đề vừa mang tầm cỡ quốc tế với các trò chơi giải trí lý thú, vừa mang bản sắc văn hóa dân tộc, vừa có mức giá hấp dẫn du khách.

Tuy nhiên hiện nay, với tốc độ đô thị hóa và tỷ lệ tăng dân số ở mức cao, thì số công viên hiện có không thể đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Ở TPHCM, tổng diện tích đất quy hoạch công viên cây xanh toàn địa bàn trong các đồ án quy hoạch lên đến hơn 11.400ha, tương ứng chỉ tiêu 7m2/người, thế nhưng thực tế hiện nay, tổng diện tích công viên hiện hữu chỉ khoảng 500ha, tương ứng với tỉ lệ 0,55m2/người. Ngay cả Hà Nội, nhiều năm qua cũng luôn nằm trong những thành phố có tỉ lệ công viên, cây xanh trên đầu người thấp nhất thế giới.

Ngoài ra, theo tiêu chuẩn Việt Nam, công viên trung tâm của đô thị loại 1 phải có diện tích tối thiểu 15ha. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, ở một số địa phương, nhiều công viên chưa đạt chuẩn. Công viên công cộng nhìn chung chưa đáp ứng được các yêu cầu về quy chuẩn, dẫn đến hiệu quả khai thác, phục vụ chưa cao, chủ yếu mới chỉ sử dụng cho các hoạt động thể dục thể thao, dạo ngắm thông thường.

Hài hòa giữa các lợi ích

Cùng với tình trạng thiếu công viên thì việc quy hoạch, xây dựng hay tu bổ, sửa chữa công viên luôn vướng phải nhiều ý kiến trái chiều.

TS Nghiêm Thị Thu Nga (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) chia sẻ, hiện tượng công viên xây dựng chậm tiến độ là bất cập lớn hiện nay. Nhiều dự án công viên mới vẫn nằm trên giấy hoặc khởi công rồi “đắp chiếu’, đến thời hạn chưa thể nghiệm thu công trình và đưa vào sử dụng.

Bà Nga dẫn chứng, Công viên Thiên văn học (Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) đã hoàn thành năm 2020, nhưng đến nay vẫn chưa được nghiệm thu, bàn giao và cho người dân vào sử dụng, thậm chí bị bỏ hoang, cỏ mọc quá đầu người. Công viên Hà Đông (phường Kiến Hưng và Hà Cầu), dù đã giải phóng mặt bằng nhưng cũng chưa thể đưa vào sử dụng. Thành phố Hà Nội cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 xây dựng mới 9 công viên nhưng đến nay đều chậm tiến độ.

“Công viên chỉ đông đúc vào mỗi buổi sớm và buổi chiều khi người dân vào tập thể dục. Ngoài ra, ít người vào đây để vui chơi vì công viên rộng, mà quá vắng vẻ, thậm chí có địa điểm còn mất an toàn do các tệ nạn xã hội vẫn diễn ra”- bà Nga chia sẻ.

Còn theo Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng, cái lợi lớn nhất của công viên là giúp cho đô thị phát triển theo hướng bền vững, có bản sắc theo hướng văn minh hiện đại, giúp cho người dân đô thị có một môi trường sống tốt hơn. Nhưng đầu tư vào loại hình này thường không sinh lời nên kêu gọi doanh nghiệp đầu tư rất khó. Vì vậy muốn phát triển công viên thì rất cần nguồn lực và cách vận dụng cơ chế của nhà nước một cách phù hợp.

Dẫn chứng từ câu chuyện ở Hà Nội, ông Tùng chia sẻ, thời gian qua, nhiều khu đất tại các quận, huyện đã được giao cho các doanh nghiệp để xây dựng như dự án Công viên Kim Quy tại Đông Anh, Công viên Hello Kitty tại quận Tây Hồ... nhưng đều chậm triển khai. Vì vậy, thành phố cần có cuộc rà soát, kiểm tra những dự án nào chậm tiến độ, không có khả năng thực hiện theo quy hoạch thì thu hồi hoặc giao nhà đầu tư khác đủ năng lực thực hiện.

“Công viên là một thành tố quan trọng của đô thị, nhất định phải được chính quyền quản lý, bảo vệ. Còn việc vận hành công viên để phát huy tối đa hiệu quả thì nên giao cho các tổ chức xã hội hay nhà đầu tư chuyên nghiệp”- ông Tùng nói.

Một số ý kiến cho rằng, việc hoạt động kém hiệu quả hay các sai phạm trong quá trình xây dựng và vận hành công viên thời gian qua là do chế tài chưa đủ mạnh. Các cơ quan quản lý cần nghiên cứu ban hành các văn bản pháp luật, các văn bản chỉ đạo và điều hành cần thiết để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động liên quan đến công viên. Mặt khác, để đa dạng hóa loại hình công viên, cần tạo thêm nhiều không gian công cộng cho người dân.

KTS Phạm Thanh Tùng cho biết, ở Hà Nội hiện nay, việc quản lý và vận hành công viên đều là các đơn vị của nhà nước, cơ chế quản lý còn lạc hậu, chậm đổi mới dẫn đến nhiều lúng túng, nhất là sau khi thực hiện chỉ đạo của thành phố phá bỏ hàng rào, không thu phí vào công viên, tạo thành công viên mở để người dân dễ tiếp cận đã nảy sinh nhiều bất cập. Do vậy, rất cần thay đổi tư duy trong việc quản lý và vận hành các công viên tại Hà Nội.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/noi-niem-cong-vien-10280614.html