Nỗi niềm của một số VĐV Olympic của Anh, Đức và Australia: Phải bán ảnh khỏa thân để kiếm sống
Với nhiều VĐV, họ được đầu tư đầy đủ, sở hữu nguồn tài chính ổn định để tranh tài ở các giải đấu lớn. Nhưng ở Olympic Paris, vẫn có không ít VĐV không được may mắn như vậy. Số VĐV này, thật bất ngờ, lại đang khoác áo các đoàn mạnh như Anh, Đức, Canada.
Nguồn tiền từ liên đoàn nước nhà nhỏ giọt, tiền thưởng các giải đấu lớn không nhiều. Vì vậy mà họ phải tìm mọi cách để duy trì cuộc sống. Và không ít trong số đó đã phải chấp nhận chọn cách 'bán mình' trên trang web khiêu dâm.
VĐV nhảy cầu của Anh Jack Laugher là ví dụ đầu tiên. Anh từng đoạt HCV Rio 2016, HCĐ ở Tokyo 2020 và HCĐ ở Paris 2024. Sau khi giành huy chương tại Thế vận hội Tokyo 2020, Laugher đã từng vỡ mộng vì anh không nhận được các khoản thưởng như cam kết.
VĐV này nói: “Những món tiền thưởng không bao giờ được trao. Tôi luôn phải chật vật kiếm sống. Có lúc tài khoản ngân hàng của tôi chỉ có 10 USD”. Năm nay, sau khi hoàn thành chiến dịch Paris 2024, Laugher cũng không kỳ vọng nhiều.
VĐV nhảy sào Alysha Newman (Canada) là một trường hợp tương tự. Cô gái này bán ảnh khỏa thân trong nhiều năm qua với mục đích “giao lưu với NHM”. Cô thừa nhận có thể bỏ túi hàng ngàn USD từ công việc này.
“Những trang web kết nối tôi với rất nhiều người hâm mộ. Ở đó, tôi không hoạt động với tư cách một VĐV nhảy sào. Những gì họ đang bàn tán không làm tôi bận tâm. Tôi là chính mình và tôi làm tốt những gì tôi muốn làm tốt", Newman nói thêm.
“Tôi không thích thay đổi suy nghĩ của người khác. Tôi kiếm tiền từ nội dung tôi sản xuất, và tôi không hối tiếc về công việc này”.
Khó khăn tài chính khiến thậm chí nhiều người gần như không trả được tiền thuê nhà. Đây là một điều đáng tiếc, vì Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) nhận về hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD sau mỗi kỳ Thế vận hội, nhưng các VĐV không được thưởng tiền từ huy chương, lại phải chật vật để duy trì kế sinh nhai.
Khi được hỏi về vấn đề các VĐV phải bán hình nhạy cảm, người phát ngôn của IOC, Mark Adams cho biết đây là quyền tự do của các VĐV nên họ không thể can thiệp: "Tôi cho rằng các VĐV, giống như tất cả công dân, được phép làm những gì họ có thể làm".
Dường như các cơ quan quản lý thể thao quốc tế cũng không muốn thay đổi tình hình. Trong khi đó, các VĐV vẫn đang trầy trật tìm “phao cứu sinh”, như lời Matthew Mitcham, VĐV môn nhảy cầu của Australia vừa tham dự Olympic Paris 2024: “Đó là phao cứu sinh của tôi. Cơ thể đó là một món hàng tuyệt vời mà mọi người muốn trả tiền để được nhìn thấy.
Thật là một đặc ân khi được nhìn thấy một cơ thể đã phải làm việc 6 giờ mỗi ngày, 6 ngày một tuần để trở nên hoàn hảo như vậy", Mitcham, người tự nhận mình là "một người hành nghề mại dâm cấp độ nhẹ", cho biết.
Trong khi đó, VĐV chèo thuyền của Đức, Robbie Manson lại tự tin tuyên bố rằng các bức ảnh nóng đã giúp nâng cao thành tích thể thao của anh. "Nội dung của tôi là ảnh khỏa thân hoặc ảnh khỏa thân nghệ thuật. Tôi thấy vui khi làm vậy và cố gắng không quá nghiêm túc với bản thân. Đó cũng là điều tôi cố gắng duy trì trong cách tiếp cận của mình với bộ môn chèo thuyền"...
Global Athlete, một tổ chức do các VĐV thành lập để giải quyết tình trạng mất cân bằng về nguồn tiền trong thể thao, đã lên án nguồn tài trợ tồi tệ của các nhà quản lý Olympic.
"Toàn bộ mô hình tài trợ cho thể thao Olympic đã bị phá vỡ. IOC hiện tạo ra hơn 1,7 tỷ USD mỗi năm nhưng họ từ chối trả tiền cho các VĐV tham dự Thế vận hội", Rob Koehler, tổng giám đốc của Global Athlete cho biết.
"Phần lớn các VĐV khó có thể trả tiền thuê nhà, nhưng IOC lại có những nhân viên kiếm được hơn 6 con số. Tất cả họ đều kiếm tiền từ VĐV. Theo một cách nào đó, điều này giống như chế độ nô lệ thời hiện đại".