Nỗi niềm của người dẫn chương trình truyền hình

Có nhiều người cho rằng làm người dẫn chương trình truyền hình chắc hẳn đầy hào quang, bởi lúc nào cũng xuất hiện trước công chúng với vẻ đẹp lộng lẫy, những bộ quần áo chỉn chu, được trang điểm cẩn thận với nét mặt rạng rỡ… Thế nhưng, chỉ có người trong nghề mới thực sự thấu hiểu những áp lực mà chúng tôi phải trải qua.

Cái khó đầu tiên của người dẫn chương trình truyền hình là phải có thanh lẫn sắc. Khi có được hai điều này rồi, thì lúc nào cũng phải giữ gìn, trau dồi và luyện tập. Phải tập thể thao mỗi ngày, có chế độ ăn uống khoa học, không được thức khuya, không được uống nước đá… có rất nhiều cái “không được” mà chúng tôi phải tự “kỷ luật”, tự nhắc nhở bản thân mỗi ngày.

Với người dẫn chương trình thì chỉ cần một ngày không khỏe, hay một phút giây “trở chứng” nào đó của cuống họng thì mọi cố gắng và nỗ lực của cả ê-kíp khi thực hiện chương trình trực tiếp có thể “đổ sông đổ biển”. Chính vì thế, có những lúc chúng tôi mang trong mình nỗi sợ… “cất tiếng ho”. Dù đây là bệnh mà không ai trong chúng ta có thể tránh khỏi, thế nhưng đối với người dẫn chương trình truyền hình trực tiếp thì không được phép ho trên sóng.

Tác giả dẫn chương trình talkshow tại phim trường của BPTV

Tác giả dẫn chương trình talkshow tại phim trường của BPTV

Còn nhớ cách đây không lâu, sự cố bất khả kháng này đã xảy ra với một nữ biên tập viên khi cô ấy đang dẫn bản tin trực tiếp “Chuyển động 24h” của VTV. Sau đó, cô ấy đành phải xin lỗi khán giả và rời khỏi vị trí để một đồng nghiệp khác tiếp tục chương trình. Sau sự việc ấy, nữ biên tập viên này đã rất buồn vì gặp phải phản ứng của dư luận và cô ấy mất khá nhiều thời gian để chữa bệnh cũng như lấy lại cân bằng trong công việc.

Sự việc nêu trên để nói thêm rằng, còn một nỗi sợ mơ hồ mang tên “dư luận” cũng luôn xuất hiện trong tâm trí chúng tôi. Chúng tôi phải luôn trong tư thế lắng nghe, học hỏi, nhưng cũng phải rèn luyện cho mình có đủ bản lĩnh để vượt qua những lời bình luận tiêu cực từ khán giả. Bởi nghề dẫn chương trình là nghề “làm dâu trăm họ”, chúng tôi không thể vì một lời nhận xét của khán giả mà ảnh hưởng đến tâm lý của mình khi lên sóng.

Nỗi sợ của chúng tôi chưa dừng lại ở đó, mỗi khi dẫn chương trình trực tiếp, chúng tôi lại mang trong mình những nỗi sợ khác: sợ nói vấp, sợ nói sai, sợ không kịp thời gian… Đối với các chương trình trực tiếp từ sân khấu thì nỗi sợ đó lại càng lớn hơn rất nhiều. Đầu tiên, chúng tôi phải học cách vượt qua áp lực tâm lý khi đứng nói trước đám đông. Tôi còn nhớ lần đầu khi được giao nhiệm vụ dẫn chương trình trực tiếp cuộc thi “Tiếng hát Truyền hình Bình Phước” vào năm 2000. Đối với một phát thanh viên mới ra trường lúc ấy, thì chương trình trực tiếp này thực sự là thử thách rất lớn. Mặc dù đã tập dợt rất kỹ, chuẩn bị tâm lý trước, nhưng khi vừa bước ra sân khấu, tôi cảm thấy chữ nghĩa bay đi đâu hết, còn cái tay cầm micro cứ run run, không thể điều khiển được. Nhìn qua anh đồng nghiệp bên cạnh, thấy chân anh cũng run run... Sau vài giây trấn tĩnh, rất may là chúng tôi cũng đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Bây giờ, mỗi lần nhớ lại lần đầu bỡ ngỡ ấy, chúng tôi đều không khỏi bật cười.

Ngoài ra, dẫn chương trình trực tiếp trên sân khấu còn có một nỗi sợ rất lớn nữa, đó là sợ không kiểm soát được hành động của mình như: bị vấp té, bị rớt phụ kiện,… Còn nhớ cách đây khoảng 10 năm, lúc ấy tôi đang dẫn chương trình trên sân khấu cùng biên tập viên Hưng Cát (BPTV) tại đồi Bằng Lăng, núi Bà Rá, thị xã Phước Long, khi giới thiệu các khách mời bước lên sân khấu để cùng hòa tiếng hát trong bài “Mỗi bước ta đi” (nhạc sĩ Thuận Yến) để kết thúc chương trình. Chúng tôi lùi ra phía sau để nhường chỗ cho khách mời bước lên. Tôi không ngờ, phía sau bức phông sân khấu ấy hoàn toàn trống rỗng, thế là tôi bị lọt thỏm xuống dưới sân khấu trong sự ngơ ngác của bạn dẫn. Đó là một “sự cố” khá hy hữu, nhưng lại không thể nào quên trong cuộc đời làm báo của tôi.

Ngoài những điều nêu trên thì chúng tôi luôn phải kiểm soát lời nói, bởi lời nói ấy sẽ được công khai trước hàng trăm triệu khán, thính giả, một khi đã nói ra rồi thì không thể thu hồi lại được. Đồng thời, chúng tôi cũng phải biết cân bằng cảm xúc, không để cảm xúc cá nhân lấn át, ảnh hưởng đến cảm xúc của chương trình, cảm xúc của khán giả.

Phát thanh viên Minh Tuyết cho biết, luôn phải ý thức trong việc giữ dáng, giữ giọng và giữ hình ảnh

Phát thanh viên Minh Tuyết cho biết, luôn phải ý thức trong việc giữ dáng, giữ giọng và giữ hình ảnh

Ngoài ra, mỗi chương trình trực tiếp sẽ được quy định trong khung thời gian phát sóng nhất định. Thế nên, người dẫn chương trình vừa phải tập trung vào nội dung vừa phải thường xuyên theo dõi thời gian để điều chỉnh sao cho chương trình kết thúc vào đúng thời gian đã được tính toán.

Là người dẫn chương trình truyền hình trong thời đại công nghệ số như ngày nay, chúng tôi phải luôn năng động, học hỏi không ngừng, có kỹ năng xử lý tình huống tốt nhất, thích ứng với sự phát triển của chuyển đổi số, của trí tuệ nhân tạo (AI), phải bắt kịp xu hướng thời đại.

Phát thanh viên Lê Nguyên dẫn chương trình phát thanh trực tiếp

Phát thanh viên Lê Nguyên dẫn chương trình phát thanh trực tiếp

Phát thanh viên Lê Nguyên (BPTV) chia sẻ: “Chúng tôi rất áp lực vì phải luôn chỉn chu, hoàn hảo trước công chúng từ ngoại hình đến cách thể hiện; phải nắm bắt thông tin nhanh chóng và truyền tải đến công chúng một cách chính xác nhất”. Còn phát thanh viên Minh Tuyết (BPTV) cho biết: “Phát thanh viên luôn phải biết ý thức trong việc giữ dáng, giữ giọng và giữ hình ảnh của mình trước công chúng”.

Phát thanh viên Mai Noel tâm sự, thách thức của công nghệ AI là động lực để chúng tôi phải chuyển mình

Phát thanh viên Mai Noel tâm sự, thách thức của công nghệ AI là động lực để chúng tôi phải chuyển mình

Khoa học - kỹ thuật ngày càng phát triển nên việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất các chương trình phát thanh - truyền hình là xu hướng tất yếu. Phát thanh viên Mai Noel (BPTV) tâm sự: “Thách thức của AI là động lực để chúng tôi phải chuyển mình. Phát thanh viên không còn là một “cái máy nói” như trước nữa, mà chúng tôi phải biết thực hiện nội dung, biết làm nhiều công việc khác”.

Quay trở lại với những nỗi lo của người dẫn chương trình truyền hình thì còn một nỗi lo rất lớn nữa, đó là sợ… già. Theo quy luật đào thải của thời gian, một khi không còn thanh và sắc nữa thì người dẫn chương trình phải nhường chỗ cho các bạn trẻ. Dẫu biết là vậy, nhưng sao lòng không khỏi buồn khi phải “chia tay” với công việc mà mình đam mê và gắn bó suốt một thời gian dài. Nghĩ đến một ngày phải xa khán, thính giả vì quy luật đào thải khắc nghiệt của nghề, tôi chỉ biết thầm gọi: “Thời gian ơi, hãy chầm chậm trôi nhé!”.

Hồng Trang

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/548/159069/noi-niem-cua-nguoi-dan-chuong-trinh-truyen-hinh