Nỗi niềm giáo viên vùng cao
Những cô giáo vùng cao vẫn mang nặng nỗi niềm, khi lũ trò nhỏ của mình còn gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống.
Khi chia sẻ với chúng tôi về những ngày bám trường, bám lớp, các cô giáo vùng cao không kể nhiều về khó khăn, vất vả khi họ phải vượt qua bao cung đường đường đèo dốc để đến trường suốt những năm qua. Họ cũng không hề bày tỏ nỗi buồn, chút chạnh lòng khi những ngày lễ như Quốc tế Phụ nữ (8-3), Phụ nữ Việt Nam (20-10), Nhà giáo Việt Nam (20-11)… không được các bậc phụ huynh quan tâm nhiều như ở thành phố. Với họ, mỗi dịp lễ, tết, được các con tặng những nhành hoa rừng đã là một niềm hạnh phúc vô bờ bến. Gắn bó với học trò vùng cao, điều khiến họ trăn trở chính là tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng.
Hiện nay, Thái Nguyên có 16 trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú và 51 trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn, với gần 14.000 học sinh. Để nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh ở vùng dân tộc thiểu số, cùng với việc thực hiện tốt các chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, xóa phòng học tạm; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ (học bổng, miễn giảm học phí, chi phí học tập, tiền ăn, gạo), còn có sự nỗ lực rất lớn của các thầy, cô giáo.
Bao năm nay, những tập quán lạc hậu của người vùng cao, nhất là trong cộng đồng người Mông, người Dao ở Thái Nguyên, đang tác động rất lớn đến tương lai của lũ trẻ miền sơn cước, khi tỷ lệ học sinh là người dân tộc Mông nghỉ học sớm, cưới tảo hôn chiếm tỷ lệ khá cao.
9 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có đến hơn 40 trường hợp bỏ học. Đơn cử như trường hợp của em L.T.N ở xã Phương Giao (Võ Nhai). Mới 14 tuổi, cô bé N. đã vội vàng nghỉ học lấy chồng. Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, hằng ngày, N. chỉ quanh quẩn ở nhà nấu cơm, rửa bát, quét nhà. Chồng của cô bé, mới 17 tuổi, cũng chưa biết làm việc để kiếm tiền. Vì thế, rời ghế nhà trường rồi kết hôn, cả hai vẫn “lông bông” và đang được các anh, chị nuôi như những đứa con nhỏ trong gia đình.
Cô giáo Cao Thị Giang, Hiệu phó Trường THCS Cúc Đường (Võ Nhai), chia sẻ: Tôi đã có 23 năm gắn bó với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Võ Nhai như: Nghinh Tường, Thượng Nung, Cúc Đường. Tại những xã này, học sinh là người dân tộc thiểu số, nhất là học sinh người dân tộc Mông chiếm tỷ lệ khá cao. Điều đáng buồn là tình trạng các em nghỉ học sớm để lao động phụ giúp gia đình và lấy chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn. Thực tế này đang ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của lũ trẻ, khiến những giáo viên vùng cao như tôi lo lắng.
Không học hành đến nơi, đến chốn, không có nghề nghiệp ổn định, lập gia đình sớm, lũ trẻ nhỏ vùng cao lại luẩn quẩn trong đói nghèo, lạc hậu mãi không thoát ra được. Nhiều khi, dù các giáo viên đã đến tận gia đình vận động cha mẹ và các em quay trở lại trường, nhưng số học sinh quay trở lại trường học hết THCS, THPT hoặc học nghề chiếm tỷ lệ không cao.
Ở miền núi, con học đến lớp 6, lớp 7 là phụ huynh cho rằng đã đủ chữ. Vì vậy mà nhiều lần sau giờ dạy học, giáo viên phải đến từng nhà khuyên giải phụ huynh để học sinh không bỏ học giữa chừng. Bù lại, tình cảm của thầy trò ở miền núi, vùng cao rất sâu đậm. Chỉ cần nhìn những cái khoanh tay lễ phép, cúi đầu chào thưa mỗi khi gặp thầy cô, cũng đủ để cảm nhận được điều ấy. Giáo viên vùng cao thương học trò của mình lắm! Không như ở thành phố, được bố mẹ đưa đón tận nơi, nhiều học sinh ở vùng cao phải vượt qua quãng đường rất xa để đến với trường, với lớp.
Cô giáo Nguyễn Thị Huế, giáo viên Trường Tiểu học Sa Lung, xã Tân Long (Đồng Hỷ), trăn trở: Ở đây, giao thông đi lại khó khăn nên mỗi buổi đến lớp của con trẻ gian nan hơn miền xuôi rất nhiều. Nhiều em phải đi bộ vài cây số từ trong bản ra lớp học. Có em đạp xe hoặc đi nhờ các bạn, nên không phải hôm nào cũng đến lớp đúng giờ. Những hôm mưa gió, rét mướt, nhiều em không thể đến trường. Vào mùa mưa bão, nước lũ chia cắt các con suối, học sinh cũng phải nghỉ học. Có bản bị cô lập cả tuần là chừng ấy thời gian các em không thể đến lớp. Hơn nữa, gia đình các em còn nghèo lắm, bố mẹ phải đi làm ăn xa nên không có điều kiện để theo sát việc học hành của con. Bởi thế, chúng tôi vừa là cô giáo, vừa như người mẹ chỉ bảo, dạy dỗ các em từng chút một.
Trung tuần tháng 11, gió mùa Đông Bắc tràn về, ở các địa bàn vùng cao như bản Tèn, xã Văn Lăng và các bản Lân Quan, Mỏ Ba của xã Tân Long (Đồng Hỷ); Mỏ Chì (Cúc Đường), Lũng Luông, xã Thượng Nung (Võ Nhai)… nhiệt độ xuống thấp. Trong tiết trời lạnh giá ấy, lũ trẻ nhỏ vùng cao vẫn co ro trong những chiếc áo mỏng manh. Nhiều gia đình người Mông ở các bản làng vùng cao đời sống còn nhiều khó khăn, thậm chí không muốn cho con đi học nên lũ trẻ chưa được quan tâm nhiều, nhất là việc mua sắm sách vở, đồ dùng học tập và quần áo rét.
Cô giáo Trịnh Thị Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sa Lung, bày tỏ: Hầu hết học sinh ở đây đều là người dân tộc Mông, Cao Lan… Cũng bởi gia đình khó khăn nên việc trẻ có những chiếc áo rét mặc trong mùa Đông là điều khá “xa xỉ”. Bởi lẽ ấy, để mỗi học sinh vùng cao được vui bước đến trường rất cần sự quan tâm của cả cộng đồng…
Thương trò nghèo, các cô giáo vùng cao rất vui mỗi khi có các nhà hảo tâm đến thăm, tặng quà học sinh nhân dịp Tết Thiếu nhi, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán. Mới đây nhất (trung tuần tháng 9), Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phối hợp với các đơn vị tài trợ tổ chức Chương trình vui Tết Trung thu cho 400 học sinh của điểm trường Mỏ Ba, xã Tân Long và điểm trường Bản Tèn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ). Ngoài ra, các đoàn thiện nguyện đã trao 50 xe đạp cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn của 2 điểm trường. Những món quà ý nghĩa này mang lại cho lũ trò nhỏ vùng cao niềm vui và hạnh phúc vô bờ.
Niềm vui của giáo viên vùng cao càng được nhân lên khi năm học 2023-2024, thực hiện Nghị quyết số 11/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, ngân sách tỉnh hỗ trợ tiền ăn trưa với mức 160 nghìn đồng/tháng đối với trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, không có nguồn nuôi dưỡng; trẻ em thường trú ở thôn, xóm đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc tỉnh quản lý. Thời gian hỗ trợ theo tháng học thực tế, không quá 9 tháng/năm học.
Hay như thực hiện Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, trên 3.000 học sinh ở các địa bàn miền núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn… của tỉnh cũng được hỗ trợ gạo (15kg/em/tháng).
Được gặp gỡ, trò chuyện với các thầy, cô giáo đang giảng dạy ở vùng cao càng giúp chúng tôi cảm nhận rõ hơn về sự nhiệt huyết, yêu nghề, mến trẻ của những con người đang ngày đêm gắn bó với sự nghiệp “trồng người". Không chỉ hết lòng với công việc chuyên môn, họ còn có một tình yêu thương bao la dành cho lũ trẻ vùng khó.
Chính tình yêu thương ấy đã tiếp thêm cho các thầy, cô giáo sức mạnh, sự kiên trì bền bỉ gắn bó với nghề… Miệt mài đưa những chuyến đò tri thức qua sông, những giáo viên ở vùng cao vẫn mang nặng những nỗi niềm thương cảm cho học trò nghèo như thế. Họ chính là niềm tin, là điểm tựa cho học sinh vùng khó và họ xứng đáng được tôn vinh…
Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-duc/202311/noi-niem-giao-vien-vung-cao-b5c1b45/