Nỗi niềm lao động trẻ
Không chỉ đương đầu với những định kiến và đánh giá khắt khe, lao động trẻ hiện còn phải đối mặt với trầm cảm, căng thẳng
Diễn đàn tiếng nói trẻ, với thông điệp "Dám nói trong thế giới nói không ngừng", khuyến khích người trẻ dũng cảm chia sẻ vấn đề của mình đang gặp phải, vừa được Tổ chức Thanh niên quốc tế (AIESEC) thực hiện ở TP HCM.
Nhiều định kiến, áp lực
Nhiều chuyên gia cho rằng lao động trẻ (LĐT), sinh từ năm 1997 - 2004, được đánh giá là một thế hệ sáng tạo, nhanh nhạy và am hiểu công nghệ. Tuy nhiên, họ cũng đối mặt với không ít định kiến như: thiếu kiên nhẫn, kỷ luật, quá đề cao cái tôi...
Diễn giả Đặng Hồng Cẩm Vân, nhà sáng lập Trung tâm Anh ngữ The V Language (TP HCM), nhận xét có 2 từ khóa được nhiều người gắn cho LĐT, đó là bất ổn và cảm tính. Mặc dù họ là thế hệ được tiếp cận với công nghệ hiện đại nhưng dễ bị tổn thương bởi mạng xã hội.
Đồng tình với diễn giả Cẩm Vân, nhiều bạn trẻ cho rằng họ phải đối diện với không ít đánh giá khắt khe và gay gắt từ cộng đồng. Nguyễn Thị Lâm (sinh viên năm 3, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM) cho biết ở công ty đang thực tập, cô thường xuyên nhận những lời chỉ trích về ngoại hình, hay là thế hệ trẻ thì phải giỏi giang, năng động và xuất sắc về nhiều mặt. Do vậy, Lâm cảm thấy tự ti và hoài nghi về khả năng của mình.
Còn Lê Trần Như Anh (23 tuổi, quê Đồng Tháp) phải mất 4 tháng xin việc mới có được chỗ làm tại một công ty ở quận 3, TP HCM. Trải qua hàng chục buổi phỏng vấn, trong đó lo ngại nhất là nhà tuyển dụng đặt ra mức độ gắn bó với công việc của một sinh viên mới ra trường. "Nhiều người hoài nghi tôi về sự trẻ tuổi và sẽ sớm nhảy việc hoặc chịu áp lực kém. Tôi nghĩ rằng không phải LĐT nào cũng kém thích nghi" - Như Anh nói.
Bên cạnh đó, LĐT cũng là thế hệ phải đối mặt với nhiều vấn đề của thời đại như căng thẳng, trầm cảm, ô nhiễm môi trường. Theo khảo sát của Deloitte (một mạng lưới dịch vụ kiểm toán đa quốc gia được thành lập ở Anh) với hơn 14.000 LĐT trên 44 nước, trong đó có châu Á Thái Bình Dương, cho thấy 46% trong số này thừa nhận thường xuyên rơi vào tình trạng kiệt sức mọi lúc hoặc hầu hết thời gian.
Cũng theo Deloitte, một vấn đề phổ biến khác đối với LĐT là tình trạng quấy rối, xúc phạm trong môi trường làm việc, bất kể tại văn phòng hay trực tuyến. Với sự ảnh hưởng về kinh tế toàn cầu, thế hệ trẻ đối diện với nhiều thách thức. Thêm vào đó, yêu cầu về kinh nghiệm chuyên môn của nhà tuyển dụng được đẩy cao, khiến tỉ lệ cạnh tranh cơ hội việc làm cho LĐT càng thêm gay gắt. Thực tế này cũng đang phổ biến ở Việt Nam.
Hóa giải cách nào?
Tại Diễn đàn Chính sách về việc làm cho thanh niên năm 2023 vừa diễn ra ở Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết qua khảo sát, bình quân 10 thanh niên có một người thất nghiệp. Số LĐT đang làm việc hiện có nguy cơ mất việc cao gấp 3 lần so với các lao động lớn tuổi hơn.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hà - Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), dịch COVID-19 đã tác động lớn đến thế hệ trẻ. Ngoài bị giảm việc làm, giảm tỉ lệ tham gia vào thị trường lao động, thế hệ trẻ này còn bị ảnh hưởng sức khỏe tinh thần. Việc phát triển kinh tế xanh, kinh tế số là đích đến trong tương lai song cũng tạo ra không ít thách thức. "Đó là vấn đề kỹ năng của thanh niên để tham gia vào thị trường lao động, thích ứng điều kiện mới" - ông Hà nói.
Để hóa giải, bà Lê Nguyễn Thanh Trà, đại diện bộ phận nhân sự Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, nhấn mạnh việc tồn tại những định kiến khi tuyển dụng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình lựa chọn nhân tài. Chẳng hạn như người có tiếng Anh tốt được hưởng lương cao cũng là một suy nghĩ có khuynh hướng cảm tính.
Bà Trà cho rằng việc có ngoại ngữ khá, các chứng chỉ liên quan hay chứng nhận tham gia hoạt động ở trường là yếu tố bổ trợ chứ không phải mang tính quyết định đối với nhà tuyển dụng. Thực tế, doanh nghiệp chọn người dựa trên giá trị ứng viên mang lại, nhất là sự phù hợp với vị trí, môi trường văn hóa của công ty.
Ông Trần Lê Trọng Nghĩa, đồng sáng lập Tổ chức Văn hóa - Nghệ thuật - Cộng đồng Vietnamme, đánh giá việc gán định kiến cho LĐT là điều không công bằng cho tất cả mọi người. "Quan trọng là cách nhìn nhận, đối diện với những quan điểm của mỗi người. Do vậy, người trẻ cần vượt qua sự ràng buộc, lên tiếng thay đổi những định kiến đó" - ông Nghĩa nói.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng đã tới lúc người sử dụng lao động nên thay đổi cách tiếp cận với LĐT. Tận dụng các công cụ công nghệ và mạng xã hội như ChatGPT, TikTok có thể giúp họ thành công. Bên cạnh đó, tăng cường văn hóa tổ chức là điều cốt lõi. Đồng thời, bản thân mỗi LĐT cũng nên học cách nhận diện vấn đề của bản thân, từ đó có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/noi-niem-lao-dong-tre-20230604195732047.htm